Nhà báo Đức Börries Gallasch tường thuật cảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, biển người vẫy cờ, trong ”Thành phố Hồ Chí Minh, giờ khắc số 0”.
Ấn phẩm tập hợp phóng sự của các nhà báo phương Tây có mặt tại Việt Nam trong thời điểm kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Borries Gallasch là chủ biên, ông cũng là người chứng kiến và ghi âm tuyên bố đầu hàng của Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh. Sách xuất bản lần đầu vào tháng 9/1975, bốn tháng sau ngày 30/4/1975. Dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, tác phẩm ra mắt độc giả trong nước với bản dịch của Dương Đình Bá.

Bìa ”Thành phố Hồ Chí Minh, giờ khắc số 0”, sách 204 trang, NXB Chính trị quốc gia Sự thật và Omega+ liên kết ấn hành. Ảnh: NXB Chính trị quốc gia Sự thật
Các nhà báo kể lại sự thay đổi của con người, thành phố trước và sau ngày 30/4. Họ chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn của cuộc di tản do Mỹ tổ chức, trực thăng nối đuôi nhau rời khỏi Sài Gòn. Nayan Chanda, phóng viên tạp chí Far Eastern Economic Review viết trong phóng sự Đã bao giờ có một hình ảnh kết thúc chiến tranh hoành tráng như vậy chưa: ”Hàng trăm người chen chúc vào cầu thang để lên sân thượng, họ ngồi đó chờ đợi trong ánh đèn lù mù. Tình trạng hôi của trong các kho bãi và doanh trại của Mỹ bắt đầu từ tối hôm trước, nay vẫn tiếp tục diễn ra”’.
Song, chỉ sau một tuần, họ lại nhìn thấy TP HCM với diện mạo khác, trật tự và tràn đầy biểu tượng của thời đại mới. Trong bài Sài Gòn ngày 30/4/1975, Borries Gallasch gợi khoảnh khắc quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập: ”Ba chiếc xe tăng treo những lá cờ rất lớn của Mặt trận Dân tộc giải phóng tiến qua cổng sắt hướng về phía bồn hoa trước dinh. Súng bắn loạn xạ lên không trung, những phát súng của niềm vui, dàn giao hưởng của chiến thắng, giai điệu của vinh quang. Chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cánh cổng lăn xích thẳng trên bãi cỏ nhằm hướng dinh lao tới”.

Xe tăng quân Giải phóng trên đường phố Sài Gòn trưa 30/4/1975. Ảnh: Jens Nauntofre
Cuốn sách lột tả cảm xúc con người trong thời khắc lịch sử. Chứng kiến trực tiếp sự kiện, các nhà báo phương Tây nhận xét rằng quân Giải phóng mang đến thông điệp hòa giải. Borries Gallasch nhấn mạnh tinh thần ”dân tộc Việt Nam là một”.
Bài của Robert Alexander trên tờ Die Welt ngày 10/5/1975 khắc họa hình ảnh biển người vẫy cờ. Những nữ sinh trong tà áo dài trắng với lá cờ xanh đỏ và ngôi sao vàng của Mặt trận Dân tộc giải phóng, biểu ngữ có dòng chữ ”Hòa bình – Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nhiều người ôm nhau khóc trong ngày đoàn tụ. Người TP HCM bước vào công cuộc xây dựng lại đất nước. Ngoài sự kiện 30/4, tác phẩm mở rộng bối cảnh lịch sử với các bài viết về trận Điện Biên Phủ và Hội nghị Geneva năm 1954.
TP HCM, giờ khắc số 0 là minh chứng cho những đóng góp của các nhà báo có mặt trong cuộc chiến. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, hình ảnh những chiếc xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập hay húc đổ cổng dinh do các phóng viên quốc tế chụp lại đã giúp giới sử học xác minh nhiều chi tiết lịch sử, làm ”tôn thêm giá trị trung thực của sự kiện được coi là biểu tượng chiến thắng ý của ý chí thống nhất, nguyên lý không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Hình ảnh nghệ sĩ và đạo diễn luyện tập tham gia chương trình diễu hành chào mừng ngày thống nhất đất nước trong vườn Dinh Độc Lập, đăng trên báo ngày 10/5/1975. Ảnh: Sách ”TP HCM, giờ khắc số 0”
Börries Gallasch sinh năm 1944, mất năm 1981, là phóng viên chiến trường người Đức, viết cho tờ Hamburger Abendblatt và Der Spiegel. Năm 1975, khi đồng nghiệp rời Việt Nam, Gallasch được cử đến thay thế và trở thành nhân chứng phương Tây duy nhất có mặt tại Dinh Độc Lập vào thời khắc lịch sử trưa ngày 30/4/1975.
Châu Anh