Dịch vụ cho thuê đàn ông trung niên

Dịch vụ cho thuê đàn ông trung niên

bởi

trong
Dịch vụ cho thuê đàn ông trung niên

Nhật BảnTakanobu Nishimoto, 57 tuổi, đã biến những “ossan”, tức đàn ông trung niên, độ tuổi hay bị xem thường trong xã hội, thành dịch vụ hái ra tiền.

Nishimoto quê ở Kansai, là một nhà tạo mẫu thời trang. Năm 40 tuổi, trong lần đi tàu, ông vô tình nghe được một nhóm nữ sinh trung học nói xấu một người đàn ông trung niên gọi ông ta là “đáng sợ”.

Nishimoto cũng thường xuyên nghe đài, họ mô tả đàn ông trung niên là những người không biết lắng nghe mà chỉ khoe khoang. Giới trẻ ngại những bữa tiệc rượu có “ông chú trung niên” bởi sợ mất vui.

“Tôi muốn nâng cao vị thế xã hội của những người đàn ông trung niên”, ông nói.

Ông nghĩ ra dịch vụ ossan hỗ trợ khách hàng trò chuyện hoặc giúp đỡ các công việc hàng ngày.

Trên website, ông mô tả các ossan là chính trị gia, chuyên gia công nghệ thông tin hoặc tư vấn tâm lý, kèm theo ảnh của họ. Với mức phí 7 USD một giờ, họ có thể đồng hành cùng khách trong nhiều hoạt động như dọn dẹp phòng ốc, lái xe, đi dạo. Người dùng chỉ cần điền vào mẫu yêu cầu khi đăng ký.

Trong hai năm đầu, Nishimoto là ossan duy nhất của dịch vụ. Hơn một nửa số khách hàng tìm đến để chia sẻ chuyện bệnh tật, đổi nghề hoặc bị cấp trên bắt nạt.

Không phải chuyên gia và không biết phản hồi ra sao, ông chỉ lắng nghe. Khi đối mặt với nhiều câu chuyện tiêu cực, ông nhận ra cần nâng cao tinh thần người khác và bắt đầu chủ động trò chuyện. Một lần, khách hàng nói với ông: “Bạn không cần nói, chỉ cần nghe”.

Từ đó, Nishimoto chọn im lặng trừ khi được yêu cầu lên tiếng. Sau khi được truyền hình đưa tin, ông nhận nhiều đơn ứng tuyển. Hiện, họ có khoảng 70 người trên khắp Nhật Bản, đã tiếp nhận hơn 30.000 yêu cầu.

“Nhiều người nói muốn thay đổi bản thân bằng cách giao tiếp với người lạ”, Nishimoto kể. Người đăng ký làm ossan thường có cuộc sống chỉ xoay quanh công việc, gia đình hoặc loay hoay sau khi nghỉ hưu.

Trong một cuộc phỏng vấn, Nishimoto từng gặp một người đàn ông tự ti, cho rằng mình không có gì để cống hiến. Tuy nhiên, ông lại lắng nghe chăm chú và thường xuyên gật đầu khi người khác nói, khiến Nishimoto ấn tượng. Về sau, người này được gọi là “ossan biết lắng nghe” và trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều khách hàng. Từ đó, Nishimoto nhận ra rằng mỗi người đều có giá trị riêng để trao đi.

Khách hàng của họ 80% là phụ nữ, chủ yếu ở độ tuổi 30-40. Họ thường tìm lời khuyên về công việc, các mối quan hệ nơi làm, nhờ luyện phỏng vấn, dọn nhà hoặc đi cùng bố mẹ họ đến bệnh viện. Thậm chí, có bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cũng tìm đến, để nhận được động viên.

Để giữ khoảng cách chuyên nghiệp, Nishimoto kiểm tra giấy tờ tùy thân người đăng ký. Ông làm trung gian, chỉ chia sẻ khu vực sinh sống và độ tuổi khách hàng, không tiết lộ tên thật.

Ossan không được liên lạc lại sau khi kết thúc công việc và bị sa thải nếu bị khiếu nại ba lần. Hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân và tránh xung đột lợi ích là nguyên tắc quan trọng.

Ông cho rằng mối quan hệ vừa đủ, giống như với một người chú, sẽ khiến khách hàng thoải mái.

Shu Sakamoto, 39 tuổi, luật sư ở TP Kitakyushu, bắt đầu làm ossan cho thuê ba năm trước, sau khi tự hỏi bản thân có thể làm gì ngoài công việc chuyên môn.

Anh từng được khoảng 15 người thuê và cho biết phần lớn chỉ muốn trò chuyện. Shu Sakamoto ngạc nhiên khi sống trong thời đại mạng xã hội, nhưng nhiều người vẫn không có ai để chia sẻ chuyện cá nhân.

Khi nói chuyện với đàn ông trung niên, khách hàng đơn giản chỉ muốn cảm nhận sự hiện diện tích cực và lắng nghe ý kiến của họ.

Dịch vụ này thậm chí đã nhận yêu cầu từ du khách đến Nhật Bản, như việc muốn được một ossan đi cùng đến quán rượu izakaya.

Ngọc Ngân (Theo Mainichi)