Các bệnh cần lưu ý phòng ngừa khi nghỉ lễ dài ngày

Các bệnh cần lưu ý phòng ngừa khi nghỉ lễ dài ngày

bởi

trong

Nghỉ lễ kéo dài nhiều người đi chơi, đi du lịch, tổ chức ăn uống đông người, dễ có nguy cơ mắc ngộ độc thực phẩm, cúm, sởi…

Bác sĩ Phạm Hồng Thuyết, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, có chia sẻ như trên khi tới đây, nhiều người lao động được nghỉ 5 ngày liên tiếp nhân lễ 30/4 và ngày 1/5. Đây cũng là dịp để mọi người đi chơi, đi du lịch, tham gia các lễ hội, gặp gỡ bạn bè… Nếu không cẩn thận, người dân sẽ có nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm dưới đây.





Các bệnh cần lưu ý phòng ngừa khi nghỉ lễ dài ngày

Ở những nơi đông người là điều kiện cho các vi khuẩn, virus gây bệnh. Ảnh: Lê Hoàng

Cúm

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus cúm gây ra các triệu chứng sốt, đau đầu, sổ mũi, đau họng, nhức mỏi người. Bệnh thường khỏi sau 2-7 ngày. Với trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi, người suy giảm miễn dịch, người mắc bệnh mạn tính khi bị cúm sẽ dễ kéo dài, trở nặng, biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng.

Theo bác sĩ Thuyết, nghỉ lễ kéo dài, nhiều người tham gia lễ hội, tổ chức ăn uống dễ khiến virus cúm lây lan, nhiều người mắc cúm hơn. Lý do, virus cúm dễ lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn từ người bệnh qua việc ho, hắt hơi, nói chuyện. Người khỏe mạnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm khi chạm tay vật dụng chứa virus như đồ dùng cá nhân, tay nắm cửa, ly uống nước… sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.

Sởi

Sởi đang có diễn biến khó lường tại nhiều tỉnh thành nước ta. Bệnh dễ lây lan nhanh. Ở các nơi đông người như khu vui chơi, lễ hội, quán xá, trường học, văn phòng công ty…, là điều kiện thuận lợi cho virus sởi lây theo cấp số nhân. Nếu một người chưa tiêm vaccine, chưa chủng ngừa đủ mũi mắc sởi sẽ có nguy cơ trở nặng.

Thời gian qua, nước ta đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc sởi gặp biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, suy đa tạng, tử vong ở ca người lớn và trẻ nhỏ đều chưa tiêm, không nhớ lịch tiêm, hoặc chưa chủng ngừa đủ mũi vaccine.

Ngộ độc thực phẩm

Dịp lễ 30/4 và 1/5 rơi vào các ngày nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, nếu các thực phẩm, nước uống không được bảo quản đúng sẽ dễ ôi thiu, nhiễm các loại virus, vi khuẩn như salmonella, escherichia coli, campylobacter, shigella (lỵ trực trùng), listeria, tả, rotavirus, viêm gan A… Nếu ăn phải các thực phẩm này sẽ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm với triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói. Nếu không bù nước kịp thời, người bệnh mất nước, giảm huyết áp, tụt huyết áp, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong. Lượng vi khuẩn lớn có thể xâm nhập máu gây nhiễm trùng máu, đe dọa tính mạng.





Một khách lớn tuổi tiêm vaccine cúm trước khi đi du lịch dịp lễ tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Diệu Thuần

Một khách lớn tuổi tiêm vaccine cúm trước khi đi du lịch dịp lễ tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Diệu Thuần

Theo bác sĩ Thuyết, các bệnh kể trên dễ lây lan, song có thể phòng ngừa bằng vaccine.

Vaccine sởi có các loại vaccine dành cho trẻ em và người lớn gồm loại sởi đơn MVVAC (Việt Nam), loại phối hợp ngừa sởi – rubella MRVAC (Việt Nam), loại phối hợp sởi – quai bị – rubella gồm Priorix (Bỉ) và MMR II (Mỹ). Vaccine có thể tiêm từ 6 tháng trong tình hình dịch hiện nay.

Phụ nữ nên tiêm vaccine ngừa sởi tốt nhất trước khi mang thai ba tháng. Tiêm đầy đủ vaccine có thể giúp phòng bệnh đến 98%.

Với cúm có 4 loại vaccine phòng các chủng virus phổ biến gồm: cúm A/H1N1, A/H3N2 và dòng cúm B. Trong đó, loại của Hà Lan, Pháp và Hàn Quốc dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn còn loại của Việt Nam dành cho người từ 18 đến 60 tuổi. Vaccine cần nhắc lại hàng năm để đạt miễn dịch tối đa.

Với các bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus, viêm gan A, tả, thương hàn cũng đã có vaccine. Trong đó, vaccine rotavirus cần hoàn thành trước 8 tháng tuổi, tả và thương hàn tiêm từ 2 tuổi và người lớn.

Ngoài tiêm vaccine, mọi người nên thực hiện ăn chín uống sôi, mang khẩu trang khi đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay, súc họng để tránh vi khuẩn, virus xâm nhập. Cần tránh nhậu quá chén, không sử dụng chung đồ cá nhân. Trong trường hợp không may mắc bệnh cần điều trị sớm, theo phác đồ của bác sĩ để có thể kiểm soát tốt bệnh đang mắc.

Diệu Thuần