Khánh Hòa kiến nghị Trung ương điều gì sau sáp nhập?

Khánh Hòa kiến nghị Trung ương điều gì sau sáp nhập?

bởi

trong

Trong tờ trình gửi Chính phủ hôm qua 29.4 về Đề án sắp xếp tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có 3 kiến nghị quan trọng nhằm đảm bảo quá trình sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận diễn ra thuận lợi, ổn định.

Theo đề án, sau khi sáp nhập với tỉnh Ninh Thuận, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ trở thành đơn vị hành chính có diện tích 8.555,86 km2 và dân số 2.243.554 người. Việc sáp nhập này không chỉ là bước tiến trong cải cách hành chính mà còn mở ra cơ hội phát triển mới có quy mô lớn hơn cho cả hai địa phương.

Kiến nghị đầu tiên, Khánh Hòa đề nghị T.Ư cho phép tỉnh mới sau sáp nhập tiếp tục được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù đã được phê duyệt áp dụng cho cả Khánh Hòa và Ninh Thuận. Theo tỉnh, việc duy trì các cơ chế này sẽ tạo động lực phát triển liên tục, không gây đứt gãy trong quá trình chuyển đổi.

Khánh Hòa kiến nghị Trung ương điều gì sau sáp nhập?

TP.Nha Trang được chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa mới với nhiều lý do chiến lược và thực tiễn

ẢNH: BÁ DUY

Tiếp đến Khánh Hòa kiến nghị T.Ư sớm ban hành các chế độ, chính sách đồng bộ để kịp thời hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức được điều động. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ nhà ở và điều kiện thuận lợi, giúp họ yên tâm công tác khi làm việc xa nơi cư trú. Đây được xem là yếu tố quan trọng đảm bảo ổn định tâm lý và nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ trong giai đoạn chuyển tiếp.

Kiến nghị thứ ba là đề nghị T.Ư tiếp tục quan tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm, cũng như các chương trình, dự án đã được xác định triển khai trên địa bàn hai tỉnh. Qua đó góp phần tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội hài hòa, bền vững cho khu vực sau khi sáp nhập.

Những kiến nghị này được đưa ra xuất phát từ nhu cầu cấp thiết tạo động lực phát triển mới sau sáp nhập. Việc sáp nhập hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa dự kiến sẽ tạo ra một không gian phát triển mới, kết nối vùng, khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển và các hành lang kinh tế, hình thành cực tăng trưởng mới, góp phần phát triển nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, việc tổ chức lại bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả sẽ giúp giảm đầu mối, tiết kiệm ngân sách, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Khánh Hòa kiến nghị Trung ương điều gì sau sáp nhập?- Ảnh 2.

Khánh Hòa và Ninh Thuận có mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi cho việc đi lại

ẢNH: BÁ DUY

Theo tờ trình, tỉnh Khánh Hòa dự kiến đầu tư trụ sở làm việc với quy mô phục vụ khoảng 1.200 người, tổng diện tích 92.100 m2, tổng mức đầu tư 1.867 tỉ đồng, thực hiện từ năm 2025-2027.

Về phương án đảm bảo điều kiện làm việc cho cán bộ, tỉnh đã chuẩn bị 38 căn nhà ở công vụ, 12 căn tại Nhà khách Tỉnh ủy. Ba ký túc xá trên địa bàn thành phố cũng được chuẩn bị cho cán bộ ở tạm thời.

Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ thống nhất với Văn phòng T.Ư Đảng để bố trí khoảng 70 phòng nghỉ tại Nhà khách Văn phòng T.Ư Đảng (44 Trần Phú, Nha Trang) để bổ sung vào quỹ nhà ở công vụ để bố trí cho cán bộ thuộc đối tượng theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định.

Về phương án đi lại, UBND tỉnh Khánh Hòa dự kiến bố trí phương tiện đưa đón hằng tuần (1 chiều đi và 1 chiều về) cho cán bộ công chức lựa chọn phù hợp nguyện vọng cá nhân. Các phương án này được xây dựng dựa trên Công văn số 4891/BTC-QLCS ngày 15.4.2025 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn bố trí xe ô tô và phương tiện đi lại.