
Đám mây EOS là một trong những cấu trúc lớn nhất trên bầu trời đêm
ảnh: HdA/MPIA/NYU
Được đặt tên Eos theo nữ thần của bình minh theo truyền thuyết Hy Lạp, đám mây phân tử có sự hiện diện khổng lồ trên bầu trời đêm nếu có thể thấy được bằng mắt thường. Đám mây Eos có bề ngang gấp 40 lần mặt trăng và khối lượng gấp khoảng 3.400 lần mặt trời.
“Theo thiên văn học, việc tìm thấy một đối tượng chưa từng phát hiện trước đó đồng nghĩa nhân loại mở rộng năng lực quan sát nhờ vào các kính viễn vọng có độ nhạy cao, cho phép tìm ra những hành tinh nhỏ hơn, các thiên hà xa hơn”, Đài CNN dẫn lời đồng tác giả Thomas Haworth, nhà vật lý thiên văn của Đại học Nữ hoàng Queen ở London (Anh).
“Đám mây ở ngay sân sau của hệ mặt trời, và chúng ta lâu nay đã bỏ qua nó”, ông bổ sung.
Các đám mây phân tử có cấu tạo từ khí và bụi, từ đó cho phép các phân tử hydrogen và carbon monoxide có thể hình thành. Những khối kết tụ với mật độ cao bên trong những đám mây này có thể sụp đổ và tượng hình thành những ngôi sao trẻ.
Ông Haworth giải thích các nhà khoa học thường tìm ra một đám mây phân tử dựa vào các quan sát vô tuyến và hồng ngoại cho phép bắt được những chỉ dấu hóa học của chất carbon monoxide.
Tuy nhiên, đám mây Eos lâu nay tránh thoát được tầm quan sát của con người dù ở khoảng cách rất gần trái đất vì nó không chứa nhiều carbon monoxide.
Để tìm được Eos, đội ngũ nghiên cứu đã sử dụng cách tiếp cận hoàn toàn khác: tìm kiếm ánh sáng cực tím tỏa ra từ hydrogen.
“Lý do duy nhất chúng tôi giờ đây mới phát hiện đám mây vì tìm kiếm thông qua một màu sắc khác của ánh sáng”, ông Haworth nói.
Việc phân tích sâu hơn đám mây Eos có thể mang đến manh mối về cách thức sao và các hành tinh hình thành.