“Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi chính là được làm chiến sĩ giải phóng quân để thực hiện lời kêu gọi của Bác Hồ “không có gì quý hơn độc lập tự do, thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
ẢNH: ĐÌNH HUY
“Thời còn trẻ, chúng tôi tham gia chiến đấu với niềm tin rất lớn, góp phần mang lại độc lập cho dân tộc. Đó chính là lý tưởng mà cả đời tôi theo đuổi”, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Thanh Niên.
Đặt chén trà xuống bàn, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể, tháng 2.1965, khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên quê Hải Hậu (Nam Định) lên đường nhập ngũ.
Trong quá trình chiến đấu, ông Hiệu đã tham gia vào 4 chiến dịch lớn: chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971, chiến dịch mùa hè 1972 và đặc biệt là chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.
Cuộc hành quân Nam tiến 1.700 km
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 31.3.1975, tại Hà Nội, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp giao nhiệm vụ cho Binh đoàn Quyết Thắng: toàn bộ lực lượng của Binh đoàn (trừ Sư đoàn Bộ binh 308 ở lại miền Bắc) cơ động gấp vào miền Đông Nam bộ chuẩn bị cùng các cánh quân tiến công giải phóng Sài Gòn – Gia Định.
Từ hậu phương miền Bắc, bằng cuộc hành quân “thần tốc” liên tục trong 12 ngày đêm, phần lớn lực lượng và binh khí kỹ thuật của binh đoàn gồm 2.000 xe ô tô vận tải, các loại hỏa khí kỹ thuật cùng trên 31.000 cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua chặng đường 1.700 km, trong điều kiện khó khăn ác liệt, qua nhiều địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt, đã có mặt ở đúng vị trí tập kết chiến đấu theo quy định, đảm bảo thời gian, bí mật, an toàn, sẵn sàng chiến đấu.
Đây là cuộc hành quân có chặng đường dài nhất, thời gian ngắn nhất, quy mô nhất trong lịch sử quân sự Việt Nam. Thời điểm đó, ông Hiệu giữ chức Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 thuộc Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1, Binh đoàn Quyết Thắng. Ông Hiệu trực tiếp chỉ huy 3.000 người, đến nay, hơn 50 năm đã trôi qua nhưng ông vẫn nhớ như in cuộc hành quân lịch sử đó.
Ông kể, khi Trung đoàn 27 đang lao động trên công trường đắp đê sông Đáy, phân lũ sông Hồng thuộc địa phận H.Yên Mô, tỉnh Ninh Bình thì nhận được lệnh của sư đoàn báo: “Trung đoàn tổ chức hành quân cơ động gấp từ vị trí để đi nhận nhiệm vụ chiến đấu”.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nhớ lại cuộc hành quân 1.700 km
ẢNH: ĐÌNH HUY
Ngay lập tức tin trung đoàn lên đường đi chiến đấu được truyền nhanh khắp công trường, các chiến sĩ khẩn trương chuẩn bị quân trang lên đường ra trận. Trung đoàn do ông Hiệu chỉ huy hành quân theo đường Tây Trường Sơn, địa điểm tập kết tại Đồng Xoài, chuẩn bị cho chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ông thuật lại, thời điểm đó vào mùa khô, bụi bay mù mịt, máy bay địch liên tục bay lượn trên đầu, có đoạn xe sau cách xe trước chỉ 5 – 7 m nhưng không nhìn thấy nhau vì bụi. Bộ đội ăn lương khô, gạo rang, đầu tóc, quần áo bị bụi bám đỏ quạch nhưng không một ai kêu ca hay tỏ vẻ mệt mỏi.
Ký ức ngày đất nước thống nhất từ những nhân chứng lịch sử: 50 năm những hồi ức chưa quên
Từng đoàn xe chở bộ đội, hàng hoá, xe tăng, xe thiết giáp nối nhau chạy về miền Nam khiến đường Trường Sơn quá tải, nhiều đoàn xe bị lầy ở đèo Ang Bun.
Thế nhưng, trong lúc khó khăn đó, ông Hiệu và đồng đội nhận được bức điện của đại tướng Võ Nguyên Giáp qua 15 W: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa! Táo bạo, táo bạo hơn nữa! Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam! Quyết chiến và toàn thắng! – ký tên Anh Văn”.
“Nhận được bức điện, tôi phổ biến cho toàn bộ chiến sĩ đơn vị (khoảng 3.000 người) khiến tất cả bừng tỉnh, quên hết mệt nhọc để tiếp tục hành quân tiến vào Đồng Xoài, sẵn sàng cho trận đánh cuối cùng”, thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu kể lại và cho biết, cuộc hành quân diễn ra trong vòng 12 ngày đêm.
Ngày 14.4.975, Trung đoàn 27 có mặt ở Đồng Xoài, cách địch khoảng 50 km, hàng ngày địch vẫn cho máy bay đến ném bom để cản bước tiến của ta.
Tấm bản đồ chỉ đường cho đại quân đánh vào Sài Gòn
Sáng 26.4, chiến dịch bắt đầu, Trung đoàn 27 đánh vào Tân Uyên (Bình Dương). Hoàn thành nhiệm vụ tại Tân Uyên, trung đoàn theo trục đường đất đỏ di chuyển qua Bình Chuẩn dừng ở ngã tư Búng, chuẩn bị tiến công địch ở Lái Thiêu (TP.Thuận An, Bình Dương) vào ngày 29.4.
Tướng Hiệu nhớ lại, tại ngã tư Búng, theo hiệp đồng của mặt trận, nếu ông phát mật lệnh “Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh” mà phía đối diện đáp lại “muôn năm, muôn năm, muôn năm!” thì đây chính là cơ sở nằm vùng của ta.

Ông Hiệu (thứ 2 từ phải qua) trong nhà của má Sáu
ẢNH: NVCC
Khoảng 19 giờ ngày 29.4, ông Hiệu và anh Trịnh Minh Thư cùng tổ trinh sát phát hiện trong khu vực Búng (Bình Dương), có một ngôi nhà lá đơn sơ, trong nhà le lói ngọn đèn dầu, nhận định đây là cơ sở của ta nên tiến lại gần kiểm tra.
Tiếp cận ngôi nhà, ông Hiệu phát tín hiệu. Một lát sau, ở trong nhà có một bà má mở cửa đáp lại “muôn năm!”. Tại đây, ông Hiệu gặp má Huỳnh Thị Sáu (tên thường gọi là Sáu Ngẫu, giáo viên dạy tiếng Pháp ở Sài Gòn). Trong nhà má Sáu bày một cái bàn đơn sơ, trên bàn có một chiếc đèn dầu đang được thắp sáng, lúc đó có em Phước và em Đức con má ngồi bên.
Ông Hiệu thưa với má: “Con là chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam, chúng con có nhiệm vụ theo trục đường 13, ngày mai 30.4 đánh qua Lái Thiêu chiếm cầu Vĩnh Bình và đánh chiếm Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp của địch ở Gò Vấp để mở đường cho đại quân tiến vào đánh những mục tiêu chính”.
Rồi ông Hiệu đưa bản đồ chỉ huy cho má nhìn. Lúc đó, má đeo kính trắng, má xem và nói không rành bản đồ này. Má vào trong buồng lấy ra một tấm bản đồ đô thành Sài Gòn, đã ghi các điểm địch phòng thủ.
Má chỉ cách đây 5 km có trại Huỳnh Văn Lương, căn cứ có khoảng 2.000 hạ sĩ quan và tên đại tá Hinh chỉ huy. “Sáng mai tiến công các con không cần đánh mà kêu hàng”, ông Hiệu nhắc lại lời má dặn. Khi địch hàng, tiếp tục đánh qua Lái Thiêu, phải chiếm được cầu Vĩnh Bình – đây là tuyến tử thủ cuối cùng của quân địch cản bước tiến của ta vào nội đô.
“Tôi hỏi tiếp, thưa má, còn con đường nào khác để vào Sài Gòn không? Má nói chỉ có đường sắt Lái Thiêu nhưng xe tăng không đi được, chỉ có bộ binh đi được. Má nói, sáng mai cả gia đình má sẽ đi cùng nhưng tôi thưa “các em vẫn còn nhỏ đã có cô Hai Mỹ và Sáu Châu cùng đơn vị dẫn đường”. Chúng con sẽ giải phóng miền Nam xong rồi quay lại cảm ơn má và đồng bào. Má đồng ý”, ông Hiệu nhớ từng lời trong cuộc trao đổi với má Sáu.
Từ tấm bản đồ và chỉ dẫn của má Sáu Ngẫu, ông Hiệu cùng các cán bộ trong đơn vị lập tức lên kế hoạch tiến vào Sài Gòn trong đêm. Đến 4 giờ 30 sáng 30.4, ông Hiệu chỉ huy quân ta tấn công bằng đội hình cơ giới và “gọi hàng”. Quả nhiên, 2.000 người ở trại Huỳnh Văn Lương đã đầu hàng.

Trung đoàn 27 tiến công vào giải phóng Lái Thiêu
ẢNH: NVCC
Tại Lái Thiêu, ông Hiệu cài một tiểu đoàn đánh thọc sâu vào lòng địch, quân ta bắn cháy 3 xe tăng, bắt sống chỉ huy. Tuyến “tử thủ” mà địch đặt nhiều hy vọng sẽ chặn được các mũi tiến công của quân ta đã bị đập tan, cánh cửa phía bắc Sài Gòn rộng mở.
9 giờ sáng cùng ngày, ông Hiệu và đồng đội đến cầu Vĩnh Bình, cách Sài Gòn 10 km. Tại cầu Vĩnh Bình đã diễn ra trận chiến ác liệt khi địch đang co cụm lại phòng thủ, xe tăng của chúng nhiều vô kể, quân ta phải dùng pháo 37 ly đánh kìm đầu địch.
Lúc này, xe tăng của thiếu úy Hoàng Thọ Mạc Đại bị hỏng nên ông đã xuống chỉ huy bắn B40, B41, bắn cháy 3 xe giúp quân ta chiếm được cầu Vĩnh Bình nhưng không may bị thương nặng.
“Lúc đó, tôi nói với các anh em đưa anh Mạc lên xe để cùng tiến vào Sài Gòn. Khi đường đã thông, đoàn quân ào ào tiến vào Sài Gòn. Đến 10 giờ sáng, chúng tôi chiếm được Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp và 13 căn cứ lục quân công xưởng, tiếp quản Tổng y viện Cộng hòa (nay là Bệnh viện 175), bắt sống chuẩn tướng Phạm Hà Thanh, Cục trưởng Cục Quân y của địch”, ông Hiệu nói.
Sau đó, trung đoàn bắt liên lạc với các đơn vị bạn để đánh tiếp mục tiêu trong nội thành Sài Gòn.

Ban Chỉ huy Trung đoàn 27 tại nhà chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Thiết giáp quân Ngụy Sài Gòn
ẢNH: NVCC
Sau khi quân địch tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, biển người đổ ra đường, các tuyến phố rợp cờ hoa. “Tôi không bao giờ quên được hình ảnh đồng bào dọc hai bên đường phất cờ tung hô, mọi thứ như vỡ òa. Đấy là ngày vui nhất, đẹp nhất của dân tộc khi chúng ta đã thực hiện được lời dạy của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”, ông Hiệu kể lại với ánh mắt tự hào.
Giữ lời hứa với má Sáu, hôm sau ông Hiệu và đồng đội đã tổ chức về thăm, cảm ơn má và đồng bào. Dọc hai bên đường Lái Thiêu, đồng bào vẫy cờ hoa chào đón và tặng rất nhiều hoa quả.

Người dân Lái Thiêu đón mừng bộ đội giải phóng quê hương
ẢNH: NVCC
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Hiệu về Lạng Sơn và sang Nga tiếp tục học tập, sau đó nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội, cao nhất là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Kỷ niệm báo công với đại tướng Võ Nguyên Giáp
Trong quá trình tham gia chiến dịch, ông có dịp tiếp xúc với những vị tướng tài của dân tộc Việt Nam như đại tướng Võ Nguyên Giáp, đại tướng Văn Tiến Dũng, đại tướng Lê Trọng Tấn…
Đặc biệt, ông Hiệu không bao giờ quên kỷ niệm được trực tiếp báo công với đại tướng Võ Nguyên Giáp sau khi tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới ở Sáp Đá Mài (Quảng Trị), góp phần đánh bại chiến thuật “trâu rừng” của tướng Abrams.
“Đây là lần đầu tiên tôi gặp đại tướng Võ Nguyên Giáp nên rất hồi hộp. Khi tôi vừa bước vào thì đại tướng hỏi “đồng chí đã chuẩn bị báo cáo trận đánh chưa”, tôi thưa “cháu đã chuẩn bị xong rồi”. Đại tướng nói tiếp “không cần bản báo cáo đó, đồng chí nhìn lên bản đồ nói địch thế nào, ta thế nào và đồng chí chỉ huy trận đó như thế nào để giành thắng lợi”, ông Hiệu hồi tưởng.

Ông Hiệu (bìa trái) cùng đồng đội quyết tâm tiêu diệt địch ở Sáp Đá Mài
ẢNH: NVCC
Tôi nói tiếp: “Thưa đại tướng, chiến thuật của địch là ban ngày chúng dùng xe tăng càn quét kết hợp với hỏa lực máy bay ở trên không, pháo binh ở mặt đất để tiêu diệt quân giải phóng. Tối đến, chúng sẽ quay lại khu vực có thể bảo vệ toàn bộ lực lượng, mỗi đại đội sẽ tạo thành một cụm với khoảng 16 – 17 xe tăng, phía trước mỗi xe tăng, quân Mỹ ủi đất để chống B40 của ta bắn vào, cùng với đó là dây thép chắn phía trước, hỏa lực của ta sẽ bị ngăn lại, không thể trúng xe tăng được”.
Sau 4 ngày đêm quan sát để nắm quy luật, ông Hiệu chỉ huy đơn vị không đánh vòng ngoài mà đưa đại đội luồn sâu vào sau lưng địch. Đêm mùng 4 rạng sáng 5.4.1970, ông Hiệu đưa lọt 3 trung đội vào sau lưng địch, chỉ cách cụm bộ binh cơ giới Mỹ khoảng 30 m. Nhờ cách đánh luồn sâu, đánh từ phía sau, đánh bên trong lòng địch nên địch bất ngờ, phản ứng rất yếu kém, bị tiêu diệt trong khoảng thời gian rất ngắn.
Khoảng 3 giờ 30, qua ánh sáng của quả pháo sáng, ông Hiệu đếm được 16 chiếc xe tăng và ra lệnh cho đồng đội bắn cháy xe chỉ huy. Các trung đội còn lại của ta đồng loạt tấn công. Chỉ trong vòng 15 phút, ta đã tiêu diệt 8 xe tăng, 30 phút tiếp theo tiêu diệt thêm 8 chiếc, làm chủ hoàn toàn chiến trường.
Sáng hôm sau, 3 đại đội phân tán vào trong rừng mà không rút ra luôn vì sợ địch bắn pháo chặn đường lui, tới đêm mới cho đơn vị rút lui.
“Tôi trình bày xong được đại tướng Võ Nguyên Giáp cười và khen. Đại tướng nói, người đánh giỏi nhất là người đánh thắng nhưng ít thương vong. Câu nói đó khiến tôi mang theo trong suốt cuộc đời binh nghiệp của mình”, ông Hiệu tự hào.
Ông Hiệu kể thêm, năm 2004, ông cũng vinh dự được ngồi cạnh đại tướng Võ Nguyên Giáp vào dịp hội thảo kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, khi ấy ông ở trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ trì hội thảo.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu vinh dự ngồi cạnh đại tướng Võ Nguyên Giáp khi giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
ẢNH: NVCC
“Trong cuộc hội thảo có hàng trăm nhà khoa học đến từ 150 nước và vùng lãnh thổ, đại tướng Võ Nguyên Giáp nói bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Khi đại tướng nói bằng tiếng Pháp, tôi được phiên dịch nhưng trong cả cuộc hội thảo, tôi chỉ thấy đại tướng nói về đồng bào các dân tộc nước ta. Đại tướng không hề nói về mình mà chỉ nói về nghệ thuật chiến tranh nhân dân rồi cảm ơn sự giúp đỡ từ các nước đã giúp đỡ Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ giành thắng lợi”, ông Hiệu kể về sự ấn tượng của bản thân đối với đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá, đại thắng mùa Xuân năm 1975 không những ghi vào lịch sử dân tộc ta như mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX, mà còn là bài học kinh nghiệm quý báu về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Để đi đến thắng lợi to lớn này, trước hết phải kể đến vai trò lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Ông cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới thì thế hệ trẻ cần phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc để vượt qua mọi khó khăn.
“Các thế hệ trẻ phải hiểu, nắm rõ văn hóa, lịch sử của đất nước, nhất là nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Đặc biệt, tuổi trẻ phải làm chủ khoa học công nghệ, làm chủ vận mệnh – chính là phải đáp ứng được yêu cầu hội nhập, làm chủ công nghệ hiện đại để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”.
Thượng tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng (khóa VIII, IX, X), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, từng tham gia chiến đấu ở 4 chiến dịch lớn: chiến dịch Mậu Thân 1968, chiến dịch Đường 9 – Nam Lào 1971, chiến dịch mùa hè 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh 1975.
Trong cuộc đời binh nghiệp, ông đã đánh 67 trận, 26 tuổi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, năm 40 tuổi được phong quân hàm thiếu tướng, là vị tướng trẻ nhất của quân đội ta lúc đó.