
Lý Hải và ê kíp đã bỏ ra nhiều công sức cho Lật mặt 8: Vòng tay nắng nhưng bộ phim xứng đáng có một kịch bản tốt hơn – Ảnh: ĐPCC
Sau “quả bom tấn phòng vé” 482 tỉ đồng Lật mặt 7: Một điều ước, đạo diễn kiêm biên kịch Lý Hải chọn tiếp đề tài gia đình cho Lật mặt 8: Vòng tay nắng.
Nếu ở Lật mặt 7 quy tụ một đại gia đình gồm 5 gia đình nhỏ thì Lật mặt 8 cũng vậy: đại gia đình ở đây là những người bạn trẻ cùng thành lập nên nhóm nhạc The Light và 5 gia đình riêng của họ, cùng hai người bạn mồ côi khác.
To lớn hơn, đông đảo hơn, nhưng…
Gia đình được chọn làm trung tâm, chiếm thời lượng lớn hơn cả là gia đình ông Phước (Long Đẹp Trai) – bà Hiền (NSƯT Tuyết Thu) với con trai Tâm (Đoàn Thế Vinh), con gái Phúc (Hồng Thu) và bà ngoại (NSƯT Kim Phương).
Nhưng các gia đình khác cũng chiếm khá nhiều thời lượng trong phim, được mô tả hoàn cảnh sống, vấn đề riêng của mỗi nhà.
Trailer phim Lật mặt 8: Vòng tay nắng
Và điểm sáng của phim là nhóm bạn The Light trông thực sự gắn kết, đặc biệt là giữa những đứa trẻ nhà nghèo, dù lối thể hiện không quá tinh tế hay đặc sắc. Hầu hết họ là những thiếu niên con nhà nghèo hoặc mồ côi cha mẹ, riêng cô bé xinh đẹp My (Bảo Ngọc đóng) là con nhà giàu.
Đây là điểm mạnh chung trong các phim Lật mặt của Lý Hải. Anh có tài khiến dàn nhân vật trong phim và dàn diễn viên ngoài đời trông gắn kết, có “chemistry” với nhau.
Hầu như phần nào của Lật mặt cũng có một nhóm bạn thân được phân chia thời lượng đồng đều, “spotlight” không quá tập trung vào một ai.
Kể từ phần 7, Lật mặt hướng đến sự đông đảo, hùng hậu, quy tụ hàng chục diễn viên. Không khó hiểu khi lối làm phim này đến từ một đạo diễn say mê đại cảnh. Hầu như phim nào của Lý Hải cũng có đại cảnh 1.000 người, thậm chí đông hơn.
Về bối cảnh, lúc nào anh cũng chọn ít nhất một nơi thật rộng lớn, giống như đồi cát bạt ngàn trong ánh nắng ngập tràn ở Bình Thuận trong Lật mặt 8 lên phim rất đẹp.

“Lật mặt 8: Vòng tay nắng” rất đầu tư sản xuất nhưng chới với trong việc kể một câu chuyện đủ thuyết phục khán giả – Ảnh: ĐPCC
Nhưng khi mọi thứ được mở rộng quy mô, được đẩy lên mức to lớn, hùng hậu, thì Lật mặt 8 lại và chuỗi Lật mặt nói chung ngày càng lộ rõ sự thiếu tinh tế về những chi tiết nhỏ bé.
Trong toàn bộ thời lượng phim, giọng dẫn truyện của Phúc – em gái nhân vật chính – làm phiền khán giả nhiều hơn là làm rõ nội dung hay mang đến cảm xúc cần thiết. Bởi những gì Phúc kể ra và bình phẩm không có gì là khó cảm nhận, hoàn toàn có thể nắm bắt trọn vẹn qua những lời thoại và biểu cảm, diễn xuất của các nhân vật khác.
Không chỉ lời dẫn truyện của Phúc thừa, nhiều lời thoại khác trong phim cũng thừa. Các nhân vật như kể thay, mô tả thay cho nhân vật khác, cho câu chuyện phim thay vì thực sự đối thoại.
Chẳng hạn như khi Tâm đã rất hối hận, đáng lẽ phải để khán giả cảm nhận nỗi đau của Tâm, thì Phúc vẫn phải “bình luận” ngay: “Anh còn nợ ba một lời xin lỗi đấy”.
Điểm yếu cố hữu của phim Việt là đi ngược nguyên tắc “Show, don’t tell”, lúc nào cũng diễn giải mọi suy nghĩ, cảm nhận, lấp đầy mọi chỗ trống trong tâm trí khán giả đến mức họ chẳng cần tự cảm nhận gì.
Tuy nhiên, vì Lý Hải là nhà làm phim có 10 năm kinh nghiệm, khán giả có quyền yêu cầu nhiều hơn là lối kể chuyện đơn giản như thế.

Bối cảnh nhà ông Phước được sắp đặt đời thường, dù nghèo nhưng có sự phóng khoáng – Ảnh: ĐPCC
Hụt hẫng Lật mặt 8
Nhiều yếu tố của Lật mặt 8 gây cảm giác khiên cưỡng và chưa tới. Hai điểm khiên cưỡng lớn nhất là đường dây tâm lý nhân vật thay đổi như chong chóng và loạt tình tiết đầy sắp đặt cuối phim, trong đó có cái kết khiến khán giả buộc phải đặt câu hỏi: Tại sao? Có nhất thiết phải vậy không?
Ông Phước (Long Đẹp Trai) là nhân vật được xây dựng đường dây tâm lý kỹ lưỡng nhất phim, ông cũng có thay đổi bước ngoặt trong quan điểm dạy con và ứng xử với ước mơ của con, tương ứng với tên phim “Lật mặt”. Nhưng thay đổi này diễn ra quá dễ dàng, khán giả khó tin nổi khi trước đó ông Phước rất gay gắt và cứng rắn với quan điểm cũ.
Chi tiết bà Hiền bị phát hiện không biết chữ nhưng trước đó mười mấy năm vẫn sống bình thường, yên ổn bên chồng con mà không gặp bất cứ sự cố nào là khá vô lý.

30 phút cuối của Lật mặt 8 khiến khán giả đặt quá nhiều câu hỏi “Tại sao?” – Ảnh: ĐPCC
Nhưng đỉnh điểm của sự khiên cưỡng và khó hiểu là loạt tình tiết trong khoảng 30 phút cuối phim. Nhân vật tham gia một sự kiện quan trọng trong đời nhưng lại không chuẩn bị kỹ lưỡng, thiếu phương án dự phòng, không chịu nghĩ cách xử lý kịp thời mà đẩy xuống những phút cuối cùng mới chịu làm dù cũng chẳng khó khăn gì.
Trong hoàn cảnh gấp rút, nhân vật vẫn đứng sửa xe, cười điềm đạm mà không tìm người giúp. Sau đó đột nhiên kịch bản vẽ ra một điều kiện thời tiết bất lợi quá sức tưởng tượng, gần như thiên tai. Mọi thứ tổng hòa khiến 30 phút cuối phim dàn trải và đuối về cảm xúc, giống như một hạt sạn khổng lồ.
Thông điệp dành cho Lý Hải
Một lần nữa, vì Lý Hải là nhà làm phim 10 năm kinh nghiệm và cũng từng làm ra những phim tốt hơn, khán giả có quyền hy vọng ở anh.

Tâm huyết của Lý Hải đối với công tác sản xuất phim là đáng ghi nhận – Ảnh: ĐPCC
Anh đã chuẩn bị Lật mặt 8 sớm hơn hai tháng so với những phần Lật mặt khác.
Toàn bộ diễn viên trẻ tuyến chính phải tập hát và nhảy, còn anh đích thân chạy đi chạy về kiểm tra bối cảnh ở Ninh Thuận, Bình Thuận, vừa cho diễn viên chạy thoại và diễn xuất, cực hơn mọi năm nhiều.
Điều đó cho thấy anh vẫn rất tâm huyết với thương hiệu phim chiếu rạp mạnh bậc nhất Việt Nam do chính tay mình gây dựng nên.
Do đó, anh càng không nên đi vào lối mòn của nhiều bộ phim điện ảnh Việt mấy năm nay.
Đó là: chất lượng sản xuất rất đầu tư, thậm chí quá cầu kỳ, nhưng kịch bản và tâm lý lại quá hời hợt.