Bấm còi liên tục
Còi được thiết kế để tài xế báo hiệu cho người xung quanh biết có nguy hiểm hoặc để xin đường, nhưng đã bị nhiều người lạm dụng, gây ô nhiễm tiếng ồn, gây ức chế cho người khác, và thậm chí có thể gián tiếp gây tai nạn cho người khác nếu còi xe được “độ” lại có âm lượng lớn.

Với nhiều người, việc bấm còi không chỉ để cảnh báo, mà còn là thói quen, là… niềm vui (Ảnh minh họa: Getty Images).
Trên thực tế, đã có một số vụ tai nạn xảy ra được cho là do tài xế xe tải, xe container bấm còi hơi, khiến người đi xe đạp, xe máy giật mình loạng choạng tay lái.
Luôn bật đèn pha
Đèn pha có cường độ ánh sáng mạnh, góc chiếu xa hơn và cao hơn đèn cốt, nhằm giúp tài xế quan sát được các vật ở xa, như chướng ngại và các biển báo giao thông. Đây là chế độ đèn được khuyến cáo sử dụng khi đi đường trường, cao tốc, nhưng tài xế cần chuyển sang chế độ đèn cốt khi vượt, để tránh gây lóa mắt cho các tài xế khác, cả cùng chiều (quan sát qua gương chiếu hậu) và ngược chiều.
Tuy nhiên, do nhiều người điều khiển phương tiện, do không hiểu biết hoặc cố tình gây chú ý, nên đã dùng sai chế độ đèn chiếu xa, như không chuyển sang chế độ đèn cốt khi vượt, hoặc bật đèn pha khi đi trong phố…

Khi thấy xe đối diện nháy đèn, có thể tài xế đang nhắc bạn tắt đèn pha, hãy kiểm tra (Ảnh minh họa: ST).
Để người đi đối diện không bị chói mắt, tài xế cần chú ý chỉ dùng đèn cốt, không bật đèn pha khi lái xe đi trong thành phố và khu dân cư vào buổi tối. Trong trường hợp đường vắng, thiếu sáng, hoặc trên đường cao tốc, bạn mới nên chuyển sang chế độ đèn pha để tăng khả năng quan sát.
Tuy nhiên, khi tới gần xe khác, cả ngược chiều và cùng chiều, nên chuyển sang chế độ đèn cốt để không gây chói mắt cho tài xế khác. Ngay cả khi đi cùng chiều phía sau xe khác, cũng không nên bật đèn pha vì sẽ làm tài xế xe đi trước bị lóa mắt khi nhìn vào gương chiếu hậu.
Không nên lắp các loại đèn pha sai công suất và không đúng chuẩn, hoặc lắp thêm đèn trợ sáng, gây lóa mắt và nguy hiểm cho người khác cùng tham gia giao thông.
Tạt đầu, chuyển làn tùy tiện
Bật đèn báo rẽ rồi đợi khi có đủ điều kiện an toàn mới cho xe chuyển hướng là nguyên tắc an toàn cơ bản mà bất kỳ tài xế nào có giấy phép lái xe đều phải nắm được. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều tài xế cho xe chuyển làn, tạt đầu xe khác rất tùy tiện, dễ dẫn đến va chạm.
Việc này đặc biệt nguy hiểm khi lưu thông cùng các xe cỡ lớn, có nhiều điểm mù. Khi muốn chuyển làn hoặc vượt xe khác trên đường cao tốc, đặc biệt là khi vượt xe kích thước lớn, cần xác định xem có đủ điều kiện an toàn để vượt không.
Nếu xác định đủ điều kiện an toàn để vượt, bạn hãy ra tín hiệu xin vượt và chỉ vượt khi thấy xe bị vượt đã sẵn sàng nhường đường. Hãy vượt thật dứt khoát, cố gắng không di chuyển quá lâu trong khu vực điểm mù ở hai bên xe lớn.
Lấn làn ngược chiều, chen hàng
Khi thấy đường phía trước đông, có dấu hiệu ùn ứ, trong khi ở làn đối diện vắng, nhiều tài xế đã khôn lỏi cho xe chạy lấn sang làn ngược chiều để vượt. Việc này vừa gây ức chế cho các tài xế đang kiên nhẫn xếp hàng, vừa có thể khiến giao thông thêm tắc nghẽn và có nguy cơ dẫn tới va chạm với các xe ở hướng đối diện.

Việc chạy lấn sang làn đường ngược chiều để chen hàng không chỉ thuộc phạm trù văn hóa giao thông, mà còn là hành vi phạm luật, với mức phạt khá nặng (Ảnh: EveryPixel).
Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định mức phạt 4-6 triệu đồng và trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe đối với hành vi điều khiển ô tô đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định (làn cùng chiều hoặc làn ngược chiều).
Nếu người điều khiển ô tô đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định mà gây tai nạn sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đến 22 triệu đồng và trừ 10 điểm trên giấy phép lái xe.
Ngoài việc bị phạt tiền theo quy định pháp luật, tài xế ô tô chạy lấn làn gây tai nạn còn phải bồi thường thiệt hại cho chủ xe bị đâm.
Vừa lái xe vừa dùng điện thoại
Dấu hiệu nhận biết những tài xế vừa lái xe vừa dùng điện thoại thường là việc ô tô chạy kiểu “rùa bò” trên đường, gây cản trở giao thông, khiến tài xế các xe đi phía sau rất ức chế.
Việc dùng điện thoại sẽ khiến tài xế bị phân tâm, mất tập trung, giảm khả năng quan sát, giảm khả năng kiểm soát tốc độ và điều khiển xe, dễ dẫn tới tai nạn khi xảy ra tình huống bất ngờ.
Đi quá chậm, bám làn trái trên đường cao tốc
Không ít tài xế cho rằng chỉ cần tuân thủ quy định chung về tốc độ tối đa và tối thiểu cho từng đoạn hoặc toàn tuyến đường cao tốc; ví dụ, có thể duy trì tốc độ 60km/h ở làn đường có giới hạn tốc độ tối đa là 120km/h.
Việc này dẫn đến việc nhiều xe chạy chậm nhưng tài xế kiên quyết bám làn bên trái trên đường cao tốc, gây cản trở giao thông, khiến các phương tiện phía sau muốn vượt lên gặp nhiều khó khăn.
Để không gây ức chế cho tài xế các xe phía sau muốn vượt, cũng là đảm bảo an toàn cho bản thân, các tài xế chỉ nên sử dụng làn ngoài cùng bên trái khi có nhu cầu vượt; sau khi vượt xong, hãy di chuyển sang làn giữa hoặc làn bên phải.
Dừng xe tùy tiện
Việc này được ví như hành động “thử phanh” của xe phía sau, cực kỳ nguy hiểm nếu phía sau là xe có tải trọng lớn, vì loại xe này cần nhiều thời gian và khoảng cách hơn để dừng lại hẳn sau khi tài xế đạp phanh.
Phát sinh nhu cầu bất ngờ khi thấy có hàng quán bên đường, mất tập trung hoặc không quen đường, có nguy cơ đi quá chỗ rẽ, địa chỉ cần đến, lối ra trên đường cao tốc… là những lý do phổ biến khiến tài xế dừng xe đột ngột giữa đường, đẩy người di chuyển phía sau vào thế bị động, không phản ứng kịp, dễ dẫn đến tai nạn.
Để khắc phục tình trạng này, tài xế cần luôn tập trung quan sát, sử dụng các ứng dụng chỉ đường để có thể chủ động hành trình.