Làm việc tốt vì… thói quen
Sau buổi sơ duyệt diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hình ảnh 2 học sinh lặng lẽ cúi nhặt từng mẩu rác trên đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM) náo nhiệt, đặc kín người xe đã thức tỉnh tinh thần trách nhiệm của cộng đồng. Hai em là Võ Thụy Du và Lê Đức Trí, đôi bạn cùng lớp 9A3 Trường THCS Vân Đồn, quận 4.
Từ ngạc nhiên và tò mò, những người lớn đứng xung quanh hai em nhanh chóng nhận ra điều cần làm. Họ cùng cúi xuống nhặt rác dưới chân mình. Một con phố bề bộn sau nhiều giờ tập trung đông người trở nên sạch sẽ chỉ từ hành động hồn nhiên từ hai đứa trẻ.
Chia sẻ về lý do đi nhặt rác, Thụy Du thật thà bày tỏ: “Em thấy trên đường phố có rất nhiều rác, cả những lá cờ nhỏ còn vương lại. Em nhìn thấy thì xót lắm nên rủ Trí cùng nhau dọn dẹp”.
Thụy Du và Đức Trí đều bất ngờ khi việc làm của mình lại được chú ý và tạo sự lan tỏa trên mạng xã hội. Bởi như Đức Trí nói, việc làm đó dường như là một thói quen, bởi ở trường, ở nhà, các em luôn tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường do Đoàn, Đội tổ chức.

Hình ảnh nhặt rác của Võ Thụy Du và Lê Đức Trí đang được đăng tải trên nhiều trang mạng xã hội với vô vàn lời khen ngợi (Ảnh tư liệu).
Câu chuyện nhặt rác trong đêm sơ duyệt diễu binh của hai học sinh lớp 9 là một trong rất vô vàn những hành động tốt đẹp của những cô cậu học trò. Khắp dải đất hình chữ S, những “hạt mầm trách nhiệm” cứ thế nảy nở.
Tiếp nối hành động ấy, khắp dải đất hình chữ S, những hành động đẹp của tuổi học trò cứ thế lan tỏa. Tại Hải Khê (Quảng Trị), tháng 3 vừa qua, hai em Lê Thanh Tình và Trần Thị Linh Đan, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học và THCS Hải Khê, đã không chút đắn đo trao trả một cây vàng nhặt được.
Khen thưởng cho 2 học sinh, Phó bí thư Huyện đoàn Hải Lăng Lê Quý Trí đánh giá cao hành động của 2 em, cho rằng đây không chỉ là biểu hiện của phẩm chất trung thực mà còn là tấm gương sáng, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về đạo đức và trách nhiệm xã hội.

Hai học sinh Lê Thanh Tình và Trần Thị Linh Đan nhận Giấy khen (Ảnh: Nhà trường cung cấp).
Cùng thời điểm ấy, ở Thanh Hóa, 4 học sinh lớp 7D Trường THCS Trần Phú là Hoàng Hải Long, Bùi Anh Thắng, Trần Tuấn Hưng và Lê Thị Ngọc Hân, đã cùng nhau mang nộp hơn 40 triệu đồng cho cơ quan chức năng.
Trước đó, vào năm 2024, tại Đắk Nông, cậu bé lớp 6 Nguyễn Ngọc Vũ cũng đã cẩn thận giữ gìn và trình báo công an số tiền 20 triệu đồng nhặt được.
Ở các bậc học cao hơn, những cô cậu học trò cấp 3, đại học vẫn giữ tinh thần mạnh mẽ, trong sáng. Như em Nguyễn Bá Biền, lớp 12A7, Trường THPT Nguyễn Trãi, Bắc Ninh, đi tìm chủ nhân 1 chiếc cặp vải có 635 triệu đồng tiền mặt và một số giấy tờ cá nhân.
Hay Phan Võ Thành Phát, sinh viên năm nhất tại Trường Cao đẳng nghề TPHCM mang đến công an chiếc túi hồ sơ có 400 triệu đồng tiền mặt nhờ tìm người đánh rơi ở Tiền Giang.
Không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm và lòng trung thực, nhiều học sinh còn dũng cảm đáng quý. Đó là em Huỳnh Triệu Điền (12 tuổi), ở Long Biên Hà Nội, trong chuyến về quê ở Quảng Nam đã lao ra biển cứu người.
Khi cứu bạn, Điền chỉ 11 tuổi, học bơi chưa lâu, nhưng cậu bé đã dũng cảm cứu được một bạn to cao hơn mình bị đuối nước trên biển. Hành động dũng cảm và nhanh trí của cậu bé lớp 5 khiến người lớn cảm phục. Tuy nhiên, khi được nhiều người hỏi về việc làm tốt của mình, em Điền khiêm tốn nói: “Con thấy việc mình làm cũng bình thường. Con rất vui vì đã cứu được bạn”.

Lúc đấy con chẳng nghĩ gì nữa, chỉ nghĩ sao có thể cứu được người. Con thấy việc mình làm cũng bình thường. Con rất vui vì đã cứu được bạn.
Khi được khen thưởng, biết gia đình bạn vừa được cứu khó khăn, Điền bày tỏ mong muốn chia sẻ phần thưởng để bạn mua đồ dùng học tập cho năm học mới.
Những hành động đẹp này, dù lớn hay nhỏ, đều cho thấy sự vun đắp tình yêu thương trong mỗi gia đình và sự dày công giáo dục đạo đức, giáo dục công dân trong mỗi nhà trường , nơi công tác Đoàn, Đội đóng vai trò quan trọng.
Thạc sĩ Lê Thị Thùy, Hiệu trưởng Trường THCS Vân Đồn (quận 4, TPHCM), tự hào chia sẻ về các hoạt động bảo vệ môi trường được nhà trường triển khai, trong đó Đoàn, Đội là lực lượng nòng cốt, giúp các em hình thành ý thức trách nhiệm với cộng đồng.
Thông qua những hoạt động thiết thực như tham gia lao động, dọn dẹp vệ sinh trong lớp học, trong khuôn viên trường, phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng túi nhựa và các vật dụng nhựa dùng 1 lần, giữ gìn vệ sinh mọi lúc, mọi nơi… giúp rèn luyện bản lĩnh cho các em học sinh.
“Lá lành” đùm bọc yêu thương
Năm 2024, siêu bão Yagi gây nhiều thiệt hại cho miền núi phía Bắc. Giữa những khó khăn chồng chất, hình ảnh những chiếc “lá lành” – các em học sinh – đã góp phần lan tỏa tinh thần tương thân tương ái.
Trịnh Hồng Vinh, một học sinh lớp 4 ở Bình Định, đã dùng toàn bộ số tiền 1,7 triệu đồng dành dụm suốt bốn năm trong con heo đất của mình để gửi đến người dân miền Bắc bị thiệt hại do bão lũ.
Bức thư giản dị, chân tình, em gửi gắm cùng số tiền đã chạm đến trái tim của biết bao người: “Con có số tiền lẻ dì Hai với ba mẹ cho con, con để dành từ lớp 1 để mua siêu nhân biến hình. Giờ con nhờ ba gửi tặng các bạn con bị lũ lụt. Con để dành tiền mua siêu nhân sau”.
Nhiều học sinh dành dụm tiền tiết kiệm để ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ (Ảnh: Gia đình cung cấp).
Đào Minh Đức, học sinh lớp 4 ở Hà Nội, cũng tự tay gấp một chiếc phong bì và viết một bức thư gửi đến đồng bào vùng bão lũ, kèm theo toàn bộ số tiền tiết kiệm từ học bổng và giải thưởng lớn nhỏ của mình. Những dòng chữ nắn nót của em đã khiến người không khỏi xúc động.
Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ hình ảnh những khoản tiền ủng hộ bão lũ rất nhỏ, chỉ vài chục nghìn đồng, thậm chí vài nghìn lẻ, kèm theo đó là nội dung chuyển khoản thật thà: “Cháu là học sinh không có nhiều ạ”, “Đây là tấm lòng của cháu, mong mọi người vượt qua…”.
Vài nghìn lẻ trong tài khoản chuyển đi và những chú lợn đất nuôi bằng tiền học bổng, tiền mừng tuổi, tiền làm việc nhà ấy chứa đựng tình cảm trong sáng mà lớn lao nơi những cô cậu học trò.

Bức thư tay viết xin học bổng cho bạn có hoàn cảnh khó khăn của em Trần Bằng Nhi (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Lòng tốt hồn hậu, không chút tính toán, vụ lợi của các em như chiếc lá lành, khơi dậy và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, mạnh mẽ trong cộng đồng.
Hay như câu chuyện của nữ sinh Trần Bằng Nhi, lớp 7A, Trường THCS Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh, đã viết thư tay xin học bổng cho bạn có hoàn cảnh khó khăn đã làm lay động biết bao nhiêu trái tim.
Có thể nói, ngày càng nhiều tấm gương sáng về lòng trung thực, tinh thần trách nhiệm, sự sẻ chia và lòng dũng cảm nở rộ, đặc biệt khi các em vẫn đang là học sinh, là đội viên, thiếu niên, nhi đồng, tạo nên những dấu ấn sâu sắc trong cộng đồng.
Những hành động ấy không chỉ tô đẹp thêm hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam mà còn khẳng định vai trò quan trọng của gia đình, nhà trường và đặc biệt là tổ chức Đoàn, Đội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho các em.
Công tác Đoàn, Đội – Nơi ươm dưỡng những “lá lành”
Cô Nguyễn Thị Hẹn, nguyên giáo viên ngữ văn, Trường THCS Xuân Sơn, Quảng Ninh, bày tỏ: “Trên mạng xã hội, tôi rất hay gặp mấy dòng thơ của nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại: “Người vá trời lấp bể. Kẻ đắp lũy xây thành. Ta chỉ là chiếc lá. Việc của mình là xanh”.
Nhưng cô không muốn học sinh của mình mang tâm thế ấy: “Chúng tôi sinh ra trong chiến tranh, đất nước không cho phép người ta chỉ sống cho mình. Ngày nay đất nước hòa bình, độc lập, kinh tế phát triển, thế hệ trẻ cũng không thể chỉ sống cho mình”.
Các em phải được dạy dỗ về tinh thần dân tộc hùng cường, phải nỗ lực học tập rèn luyện để phát triển bản thân và cống hiến cho đất nước, để đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu, đảm bảo cho một nền hòa bình lâu dài, bền vững.
Để đạt được điều đó, cô Hẹn nhấn mạnh vai trò then chốt của công tác Đoàn, Đội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi. Cô nhận thấy phong trào Đoàn, Đội ngày càng có nhiều hình thức hoạt động sáng tạo, thiết thực và hiệu quả, như phiên tòa giả định, hội chợ từ thiện, phong trào “Kế hoạch nhỏ”, “Nuôi heo đất”…

Đoàn, Đội thực sự là nơi tập hợp sức mạnh của những trái tim trong sáng, nơi các em được học hỏi lẫn nhau, khuyến khích nhau làm việc tốt mỗi ngày và lan tỏa điều đó ra cộng đồng
Cô Hẹn lưu ý về sự cần thiết của công tác Đoàn Đội hiệu quả sẽ giúp học sinh có một môi trường sinh hoạt lành mạnh, hữu ích, tránh xa những cám dỗ trên không gian mạng.
“Nếu làm chiếc lá, hãy sống như một chiếc lá lành để sẵn sàng đùm bọc, tương hỗ những người xung quanh mình, cộng đồng xung quanh mình và rộng hơn là đất nước. Như lời dạy của Bác Hồ: Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”, cô giáo Hẹn nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của thế hệ trẻ trong việc xây dựng một xã hội đoàn kết, yêu thương. Những hành động tốt lành nhỏ bé của học sinh trên khắp mọi miền đất nước – minh chứng sống động cho một thế hệ trẻ giàu lòng nhân ái, trung thực, dũng cảm và có tinh thần trách nhiệm cao – chính là những viên gạch đầu tiên trên hành trình dựng xây đó.
Hoàng Hồng – Huyên Nguyễn