Kết nối cảm xúc – bài toán của quy hoạch đô thị hiện đại

Kết nối cảm xúc – bài toán của quy hoạch đô thị hiện đại

bởi

trong

Quy hoạch khu đô thị cần chú trọng kết nối cảm xúc thông qua thúc đẩy các trải nghiệm cộng đồng, thay vì tạo dựng các khối công trình đơn lẻ.

Tan ca, chị Thu Ngân trở về căn hộ cao cấp ở quận 4. Quẹt thẻ lần một qua cổng bảo vệ, lần hai trong thang máy và lần ba để mở cửa căn hộ – những thao tác lặp lại quen thuộc mỗi ngày. Căn hộ chị vay mua ngân hàng không hề rẻ, để đổi lấy một góc riêng tư và thuận tiện đi làm trong trung tâm. Bữa tối gần như chị Ngân chỉ đặt giao đến. Vừa ăn, vừa lướt màn hình điện thoại trở thành thói quen khi cư dân này không cảm thấy kết nối với nơi mình sống.





Kết nối cảm xúc – bài toán của quy hoạch đô thị hiện đại

Các thành phố lớn được nhiều người nhận xét “không ngừng nén chặt không gian sống”. Ảnh minh họa: iStock

Theo kiến trúc sư Đồng Lâm Thanh Tùng, cảm giác “cô đơn” trong đời sống đô thị là điều ngày càng phổ biến và rõ nét ở TP HCM – nơi không gian sống bị nén chặt, mất đi tính kết nối trong cảm xúc. “Một thành phố văn minh thực sự phải đo bằng chất lượng những cuộc chuyện trò không bị màn hình điện thoại phân tâm, chứ không phải chiều cao những tòa nhà”, kiến trúc sư đánh giá.

Những “vết nứt” cảm xúc

Là tiến trình tất yếu của xã hội hiện đại, đô thị hóa mang theo những cơ hội và thách thức đan xen. Quá trình này làm gia tăng về số lượng và quy mô của các thành phố, tạo chuyển dịch về lối sống, cấu trúc gia đình và các mối quan hệ xã hội. Tiến trình này càng được thúc đẩy khi sáp nhập địa giới giữa các tỉnh thành, quận huyện.





Các đô thị có mật độ dân số cao, có thể dẫn đến mất kết nối giữa cư dân. Ảnh: Đồng Lâm Thanh Tùng

Các đô thị có mật độ dân số cao, có thể dẫn đến mất kết nối giữa cư dân. Ảnh: Đồng Lâm Thanh Tùng

Một trong những đặc trưng của đô thị là mật độ dân số cao. Mật độ dân số Việt Nam trung bình là 305 người/km2 vào năm 2024. Nhưng thực tế, đô thị lớn có mật độ cao hơn, từ 1.000 đến trên 3.500 người/km2 tùy loại. Năm 2024, tỷ lệ dân số đô thị đạt 38,2%, tương đương gần 38,6 triệu người.

Nhà xã hội học Georg Simmel, trong công trình “Đô thị lớn và đời sống tinh thần”, đã chỉ ra rằng các tương tác xã hội ở đô thị thường chỉ mang tính chức năng, lý trí và phi cá nhân. Điều này dẫn đến việc cá nhân ít được nhận diện hoặc ghi nhớ giữa đám đông. Nhà nhân học Marc Augé gọi những không gian như sân bay, siêu thị, cao tốc là “không gian phi địa điểm” (non-places) bởi chúng thiếu vắng các mối liên hệ cá nhân, lịch sử hay bản sắc riêng.

Hệ quả của cảm giác này là dần hình thành sự đứt gãy, vết nứt kết nối giữa người với người.

Theo các chuyên gia, quy hoạch đô thị bài bản là sắp xếp đường sá, tòa nhà khoa học, đồng thời phải kiến tạo môi trường nuôi dưỡng cảm xúc. Các yếu tố như kiến trúc công trình, thiết kế cảnh quan, mật độ dân cư, sự hiện diện của âm thanh hay cách bố trí ánh sáng… tất cả đều tác động đến tâm trạng, hành vi và sự gắn kết của con người.





Thạc sĩ, nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư Đồng Lâm Thanh Tùng. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ, nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư Đồng Lâm Thanh Tùng. Ảnh: NVCC

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ, nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư Đồng Lâm Thanh Tùng – đồng sáng lập Cam Cam – dự án về di sản Chợ Lớn, cảnh báo rằng đô thị thiếu những “khoảng lặng” cần thiết có nguy cơ biến thành một “cỗ máy khổng lồ”. Ông nói rằng, có thể nơi đây chỉ còn “những con đường chỉ để đi, không để dừng lại, không gian chỉ còn là điểm đến chứ không là nơi chốn”.

Ông cũng nhấn mạnh, hệ lụy lớn nhất của lối quy hoạch này “không phải là thiếu không gian, mà là thiếu ‘đất’ dành cho sự kết nối. “Đó là nghịch lý đô thị hiện đại. Chúng ta có thể xây nhiều nhà hơn, đường rộng hơn, nhưng lại đang thiếu đi những không gian thực sự nuôi dưỡng tâm hồn”, ông lý giải.

Tìm lại không gian kết nối cho đô thị

Cũng theo kiến trúc sư Thanh Tùng, nhìn vào các đô thị lớn, hầu hết các chỉ số như cơ sở hạ tầng, tiện ích đều có thể đo lường và thấy rõ. Tuy nhiên, các chỉ số hạnh phúc và sức khỏe tinh thần con người, mức gắn kết cộng đồng, cảm giác thân thuộc, cảm xúc tích cực với nơi sống gần như vắng bóng.

“Tôi cho rằng xa nhau giữa đám đông là hệ quả của cả hai, khi nhịp sống nhanh khiến ta không dám chậm lại để dành thời gian cho những quan sát, quan tâm”, ông nói.

Vì khó định lượng và quy chuẩn hóa, cảm xúc con người thường bị “bỏ quên” trong các bản vẽ quy hoạch hay quyết sách phát triển đô thị. Không gian cho kết nối con người lép vế trước áp lực về mật độ, tối ưu hóa công năng và lợi nhuận. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi.

Chia sẻ về tầm quan trọng của cảm xúc con người trong phát triển đô thị, ông Tùng khẳng định đô thị sôi động nhất không phải ở tiếng còi xe, mà ở sự “rung cảm” của cư dân, con người. Do đó, việc quy hoạch, phát triển một không gian sống cần bắt nguồn từ bản sắc và nhu cầu của cộng đồng.

Các chuyên gia cho rằng để “trám” vết đứt gãy trong kết nối cộng đồng, lời giải không thể chỉ nằm ở việc gia tăng mật độ hay xây thêm công trình, mà cần sự chuyển hướng trong tư duy thiết kế và quy hoạch. “Con người làm trung tâm”, ưu tiên kiến tạo không gian có khả năng nuôi dưỡng tâm hồn, đời sống tinh thần, tạo lập mối liên hệ xã hội là trọng tâm.

Để hiện thực hóa triết lý đó, việc ưu tiên phát triển không gian cộng đồng chất lượng cao là yếu tố then chốt. Thay vì tận dụng mọi khoảng đất cho công trình bê tông, đô thị cần dành quỹ đất cho công viên cây xanh, quảng trường công cộng – nơi mọi người có thể gặp gỡ, giao lưu. Trẻ em phải có những sân chơi an toàn và sáng tạo. Mạng lưới đường đi bộ, làn đường xe đạp thân thiện cần mở rộng. Các kiến trúc sư đều nhận định những không gian này vừa là “lá phổi xanh” và “trái tim xã hội”, tạo nên sự tương tác và sức sống cộng đồng cư dân.

Nhu cầu cuộc sống cần được các nhà phát triển tính toán theo hướng bền vững. Các khu dân cư mới có thể theo mô hình “làng đô thị”, tích hợp đầy đủ tiện ích thiết yếu như trường học, chợ, cơ sở y tế, không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao ngay trong phạm vi đi bộ hoặc dễ dàng tiếp cận. Thiết kế này nâng cao chất lượng sống, tạo ra cơ hội để cư dân gặp gỡ, làm quen và xây dựng nên tình làng nghĩa xóm trong bối cảnh hiện đại.





Không gian xanh giúp cư dân cảm thấy thêm kết nối. Ảnh: Vân Nguyễn

Không gian xanh giúp cư dân cảm thấy thêm kết nối. Ảnh: Vân Nguyễn

Kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh tính hiệu quả của cách tiếp cận này. Copenhagen (Đan Mạch) được xem như hình mẫu về đô thị thân thiện với người đi bộ và xe đạp. Vienna (Áo) liên tục dẫn đầu thế giới về chất lượng sống nhờ chiến lược phát triển nhà ở xã hội gắn liền với không gian công cộng đa dạng, chất lượng. Ngay tại châu Á, Singapore, dù đối mặt với áp lực đất đai vẫn nỗ lực tích hợp mảng xanh, mặt nước và các tiện ích cộng đồng vào mọi dự án phát triển.

Kiến trúc sư Thanh Tùng cùng nhiều chuyên gia khác kỳ vọng các đô thị Việt Nam phát triển theo hướng tương tự. Một thành phố hiện đại, thông minh kết hợp đầy đủ các yếu tố về hạ tầng, cảnh quan và tạo được cảm giác gắn bó cho cư dân.

Hoài Phương