
Hiện tượng “chặt chém” du khách lại nổi lên khi một điểm giữ xe ở quận 3 (TP.HCM) thu phí giữ xe 100.000 đồng/lượt trong dịp lễ 30-4, rồi một quán ăn ở Nha Trang (Khánh Hòa) bị tố “chặt chém”, bán cá bò hòm 3,5 triệu đồng/kg. Tình trạng “chặt chém” vẫn tái diễn.
Có thể thấy nguyên nhân xuất phát từ lòng tham của một bộ phận nhỏ người kinh doanh nhưng sâu xa hơn còn là vấn đề quản lý chưa triệt để, chế tài chưa đủ sức răn đe và cả tâm lý ngại phản ảnh của khách hàng.
Không thể phủ nhận rằng vào những dịp lễ, Tết hoặc có một sự kiện lớn nào, lượng khách tăng vọt, cung vượt cầu, nhiều dịch vụ có xu hướng tăng giá là điều dễ hiểu. Nhưng việc đẩy giá lên mức phi lý, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của du khách là hành vi không thể chấp nhận. Nhất là khi việc này diễn ra ở những địa phương xa xôi, nơi du khách ít có sự lựa chọn thay thế.
Làm thế nào để hạn chế triệt để tình trạng này? Trước tiên chính quyền địa phương cần siết chặt công tác kiểm tra, xử phạt. Việc lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ảnh từ du khách là một biện pháp hữu ích nhưng nó cần thực sự hoạt động hiệu quả, tiếp nhận phản ảnh và có hành động xử lý nhanh chóng.
Một số nước đã áp dụng mô hình thanh tra du lịch độc lập, nơi du khách có thể phản ảnh trực tiếp và được bảo vệ quyền lợi ngay lập tức. Đây có thể là một hướng đi đáng cân nhắc.
Các đơn vị kinh doanh cần minh bạch giá cả, niêm yết công khai. Hình thức kiểm soát giá bằng công nghệ, như đăng ký giá trên nền tảng số, có thể là một giải pháp giúp quản lý chặt chẽ hơn. Du khách cũng nên mạnh dạn phản ảnh khi gặp tình trạng ép giá. Nếu cộng đồng cùng lên tiếng, các cơ sở kinh doanh sẽ buộc phải thay đổi để duy trì uy tín và cạnh tranh.