Giá thuốc lá rẻ, mỗi năm người Việt chi 49.000 tỉ đồng để ‘mua bệnh vào người’

Giá thuốc lá rẻ, mỗi năm người Việt chi 49.000 tỉ đồng để ‘mua bệnh vào người’

bởi

trong
Giá thuốc lá rẻ, mỗi năm người Việt chi 49.000 tỉ đồng để ‘mua bệnh vào người’

Ước tính mỗi năm người Việt chi 49.000 tỉ đồng mua thuốc lá – Ảnh minh họa: NAM TRẦN

Gánh nặng kinh tế và sức khỏe

Theo thống kê của Bộ Y tế, với hơn 15 triệu người hút thuốc, Việt Nam hiện nằm trong số các quốc gia có số lượng người hút thuốc cao nhất thế giới.

Bà Phan Thị Hải – phó giám đốc Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá cho hay sử dụng thuốc lá là một trong nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất, trong đó có 69 chất gây ung thư, là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản.

Hơn 45 triệu người Việt Nam có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến thuốc lá và tử vong sớm do hút thuốc trực tiếp hoặc tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Mỗi năm hơn 103.300 người Việt tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, bao gồm 84.500 người chết do hút thuốc chủ động, và 18.800 người chết vì phơi nhiễm khói thuốc thụ động. 

Đáng lo ngại hơn, phần lớn những người tử vong này đang ở độ tuổi lao động, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng và quy mô nguồn nhân lực quốc gia.

Các bệnh lý gây ra bởi thuốc lá như ung thư, bệnh tim mạch và bệnh đường hô hấp không chỉ ảnh hưởng đến người hút mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe của người xung quanh họ.

Khi thuốc lá vẫn dễ mua với mức giá rẻ, thế hệ trẻ Việt Nam tiếp tục bị đặt vào nguy cơ vừa dễ thành người hút thuốc, vừa dễ phơi nhiễm với khói thuốc do số người hút thuốc vẫn rất cao, dẫn đến những gánh nặng y tế khổng lồ trong tương lai.

“Theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỉ đồng một năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia”, bà Hải nhấn mạnh.

Các chuyên gia đánh giá một trong những nguyên nhân khiến nhiều người sử dụng thuốc lá hiện nay là do giá thuốc lá tại Việt Nam còn quá rẻ.

Theo nghiên cứu của Trường đại học Y tế công cộng, có hơn 40 thương hiệu thuốc lá nội địa có giá dưới 10.000 đồng/bao, thậm chí còn rẻ hơn một chai nước suối bên lề đường.

Việt Nam cũng nằm trong nhóm các quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Hệ quả của mức giá rẻ này là thanh thiếu niên và người có thu nhập thấp dễ dàng tiếp cận thuốc lá hơn, dẫn đến gia tăng tỉ lệ hút thuốc và các bệnh liên quan.

Thuế từng tăng nhưng không đáng kể

Các chuyên gia đánh giá sử dụng thuốc lá hiện tại sẽ tiếp tục để lại hậu quả nặng nề trong vòng 10-20 năm tới, khi những người hút thuốc bắt đầu chịu các tác động lâu dài lên sức khỏe. 

Nếu không có biện pháp mạnh mẽ để điều chỉnh, như tăng thuế và kiểm soát giá thuốc lá, hệ thống y tế và kinh tế của Việt Nam sẽ ngày càng chịu thêm áp lực.

Bà Hải cho hay thời gian qua Việt Nam đã thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá nhưng mỗi lần tăng thuế đều rất thấp, chỉ khoảng 5%. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa các lần tăng thuế khá dài, từ năm 2008 – 2019 mới chỉ tăng 3 lần.

“Nếu mỗi bao thuốc giá bán lẻ 10.000 đồng thì giá xuất xưởng chỉ khoảng 3.900 đồng. 

Việc tăng thuế từ 70% lên 75% giá xuất xưởng sẽ làm giá tăng 220 đồng. Người bán lẻ có thể cùng tăng giá và sẽ làm giá tăng lên khoảng 300 đồng (3%).

Tuy nhiên lạm phát trung bình là 4%, và thu nhập tăng trung bình là 5%. Vì vậy việc tăng thuế có tác động, nhưng rất ít tới tiêu dùng trong các năm đó”, bà Hải phân tích rõ.

Theo chuyên gia này để đạt được hiệu quả giảm tiêu dùng thuốc lá, cần cải cách chính sách thuế thuốc lá theo hướng bổ sung thuế tuyệt đối (để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp) với mức đủ lớn. 

Tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 75% giá bán lẻ để góp phần đạt mục tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá.

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến nghị Việt Nam áp dụng một hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt hỗn hợp với thuốc lá, bằng cách bổ sung thuế tuyệt đối bên cạnh mức thuế theo tỉ lệ hiện hành với mức tăng thuế tuyệt đối là 5.000 đồng/bao vào năm 2026; 7.500 đồng/bao vào năm 2027; 10.000 đồng/bao vào năm 2028; 12.500 đồng/bao vào năm 2029 và 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỉ lệ 75%.

Phương án này sẽ giúp tăng tỉ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá lên mức 65,3% vào 2030 – gần đạt mức khuyến nghị của WHO.

Giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở nam và nữ giới trưởng thành lần lượt xuống dưới 36% và 1% – đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đặt ra vào năm 2030; đồng thời tăng đáng kể nguồn thu thuế thuốc lá hằng năm cho ngân sách nhà nước.