Ấn Độ phản đối cuộc đấu giá di vật Đức Phật

Ấn Độ phản đối cuộc đấu giá di vật Đức Phật

bởi

trong

Chính phủ Ấn Độ gửi thông báo pháp lý yêu cầu Sotheby’s hủy cuộc bán đấu giá bộ sưu tập đá quý di vật của Đức Phật tại Hong Kong.

Bộ Văn hóa Ấn Độ ngày 5/5 gửi thông báo pháp lý phản đối nhà đấu giá Sotheby’s tại Hong Kong bán bộ sưu tập được mô tả trên trang chủ của hãng là “đá quý Piprahwa của Đức Phật, thuộc đế chế Maurya, thời Ashoka, niên đại 240-200 trước Công nguyên”.

Sotheby’s ước tính bộ sưu tập đá quý này sẽ được bán với giá khoảng 100 triệu đôla Hong Kong (hơn 12,9 triệu USD) trong cuộc đấu giá dự kiến diễn ra ngày 7/5.

Bộ sưu tập gồm ngọc thạch anh tím, ngọc trai, san hô, thạch anh, ngọc hồng lựu và vàng được khai quật vào năm 1898 bởi kỹ sư người Anh William Claxton Peppe tại khu vực nay là vùng Piprahwa, bang Uttar Pradesh, miền bắc Ấn Độ. Số di vật được phát hiện cùng với tro cốt và xương được cho là của Đức Phật, được chôn cất trong một bảo tháp cổ trong điền trang của kỹ sư Peppe.

Bộ Văn hóa Ấn Độ khẳng định hoạt động bán đấu giá là “trái đạo đức”, vi phạm luật pháp Ấn Độ và luật quốc tế. Cơ quan này đồng thời yêu cầu nhà đấu giá hoàn trả các di vật trở về Ấn Độ để nước này bảo quản và phục vụ mục đích tôn giáo.





Ấn Độ phản đối cuộc đấu giá di vật Đức Phật

Bộ sưu tập đá quý Piprahwa của Đức Phật. Ảnh: Sotheby’s

Bộ Văn hóa Ấn Độ nhấn mạnh rằng các di vật này là “di sản tôn giáo và văn hóa không thể chuyển nhượng của Ấn Độ và cộng đồng Phật giáo toàn cầu”. Trong văn bản gửi Sotheby’s và ông Chris Peppe, hậu duệ của kỹ sư William Claxton Peppe, Bộ Văn hóa Ấn Độ yêu cầu ngừng ngay lập tức cuộc đấu giá. Các bên phải công khai xin lỗi và cung cấp đầy đủ tài liệu về nguồn gốc của số di vật.

Chính phủ Ấn Độ nhấn mạnh ông Peppe không có thẩm quyền bán các cổ vật và chỉ trích Sotheby’s “tham gia kéo dài hành vi trục lợi kiểu thực dân” khi tổ chức cuộc đấu giá. Bộ Văn hóa Ấn Độ cảnh báo sẽ kiện cả ông Peppe và hãng Sotheby’s ra tòa án ở Ấn Độ lẫn Hong Kong nếu các bên không hủy buổi bán đấu giá và xin lỗi công khai.

Chris Peppe, đang làm việc tại Mỹ, cho biết gia đình đã xem xét tặng các di vật cho các chùa và bảo tàng nhưng gặp nhiều trở ngại. Ông cho rằng đấu giá là “cách công bằng và minh bạch nhất” để chuyển giao các di vật cho cộng đồng Phật giáo.

“Từ góc độ đạo đức Phật giáo, khai quật một bảo tháp và bán các di vật là hành động cướp đoạt”, giáo sư Steve Jenkins từ Đại học Humboldt nhận định.

Sotheby’s cho biết họ đã thực hiện đầy đủ các thủ tục xác minh nguồn gốc và tính hợp pháp của các di vật, và đang xem xét nghiêm túc yêu cầu từ phía Ấn Độ. Ivy Wong, cố vấn pháp lý của Sotheby’s, cũng xác nhận họ nhận được thông báo từ Bộ Văn hóa Ấn Độ và cam kết sẽ có biện pháp phù hợp.

Thanh Danh (Theo Guardian, Indian Express)