
Dọc sông Krông Nô có cả trăm hecta đất sạt lở 3 năm trở lại đây nhưng dân chưa được bồi thường – Ảnh: TÂM AN
Ngày 6-5, ông Trịnh Văn Toàn (51 tuổi, xã Nâm N’Đir, Krông Nô) xót xa nhìn gần 1 sào đất vừa bị trôi xuống sông Krông Nô. Cuối năm 2024, ông đã mất 3 sào đất vì sạt lở. “Hằng ngày chỉ biết nhìn đất trôi xuống sông mà bất lực”, ông nói.
Đất sạt lở trôi sông Krông Nô, người dân bất lực
Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Xuyên Hà, xã Đức Xuyên) đã mất hơn 1,5 sào đất trong 6 năm qua. “Rẫy cà phê trước kia cách sông hơn chục mét, giờ còn vài tấc. Cà phê rụng mà không dám hái vì sợ lở đất, nguy hiểm tính mạng”, ông Sơn lo lắng.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Thu mất gần 3 sào đất trồng hoa màu. “Mỗi khi mưa lớn hoặc thủy điện xả nước, cả nhà thức trắng đêm vì lo sạt lở”, bà chia sẻ.
Theo UBND xã Đức Xuyên, từ năm 2019, xã đã kiểm đếm thiệt hại của 28 hộ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, các phương án hỗ trợ chưa thể triển khai do vướng cơ chế và thiếu hướng dẫn từ cấp trên. Người dân chỉ biết cố giữ phần đất còn lại, sản xuất cầm chừng và lo sợ sạt lở tiếp diễn.

Ông Trịnh Văn Toàn (51 tuổi, xã Nâm N’Đir, Krông Nô) xót xa khi vừa có gần 1 sào đất vừa bị trôi xuống sông – Ảnh: TÂM AN
Ông Trần Đăng Ánh – phó chủ tịch UBND huyện Krông Nô – cho biết huyện đã phê duyệt phương án hỗ trợ hơn 130ha đất bị sạt lở, ngập úng tại ba xã Quảng Phú, Đức Xuyên, Nâm N’Đir, tuy nhiên vẫn chưa thể thực hiện do thiếu căn cứ pháp lý.
Huyện từng đề nghị Công ty thủy điện Buôn Kuốp tự thỏa thuận bồi thường, nhưng phía công ty từ chối vì chưa có căn cứ pháp lý rõ ràng. Từ năm 2022 đến nay, việc bồi thường bị dừng lại.
Chính quyền nói gì về chậm trễ?

Các bên vẫn tranh cãi xem việc sạt lở đất của dân do doanh nghiệp khai thác cát hay các thủy điện – Ảnh: TÂM AN
Lãnh đạo UBND huyện Krông Nô cho biết theo Luật Đất đai 2013, chưa có quy định rõ để bồi thường đất bị sạt lở ven sông. Dù đã lập danh sách thiệt hại, huyện không thể tự quyết khi chưa có hướng dẫn từ cấp có thẩm quyền.
Huyện đã nhiều lần gửi văn bản đến UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), nhưng chưa nhận được phản hồi cụ thể.
UBND huyện cũng kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) ban hành cơ chế riêng cho các khu vực như Đức Xuyên. Tháng 8-2024, bộ có văn bản trả lời, chỉ xem xét hỗ trợ nếu nguyên nhân sạt lở là do thiên tai.

Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khảo sát tình hình sạt lở dòng sông Krông Nô cuối năm 2024 – Ảnh: TÂM AN
Tuy nhiên, các khu vực bị sạt lở lại nằm trong ranh giới vùng được cấp phép khai thác khoáng sản, nhưng chưa có đơn vị nào khai thác. Đây cũng là vùng cấm hoặc tạm cấm khai thác do nguy cơ sạt lở cao, khiến việc xác định nguyên nhân thêm phức tạp, chưa rõ do thiên tai hay thủy điện, khai thác cát.
Mới đây, UBND huyện Krông Nô tiếp tục kiến nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đề xuất Bộ Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên đến nay, huyện vẫn chưa nhận được phản hồi. Lãnh đạo huyện này cho hay sau khi có chỉ đạo từ cấp trên, huyện sẽ triển khai các giải pháp theo quy định.