Ứng viện phí cấp cứu: Bệnh nhân khó, bệnh viện cũng khổ

Ứng viện phí cấp cứu: Bệnh nhân khó, bệnh viện cũng khổ

bởi

trong
Ứng viện phí cấp cứu: Bệnh nhân khó, bệnh viện cũng khổ

Bệnh nhi ở Nam Định đã có chuyển biến tích cực sau 2 ngày điều trị tại Bệnh viên Nhi Trung ương – Ảnh: BVCC

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, chiều 3-5 một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh một người đàn ông bế cháu bé bị tai nạn giao thông đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu

Người đàn ông này bức xúc cho rằng bệnh viện yêu cầu đóng đủ viện phí tạm ứng mới tiếp nhận cấp cứu, trong khi anh chỉ có 500.000 đồng và không phải là người thân của cháu bé.

Bài học kinh nghiệm cho nhân viên y tế

Trước phản ánh này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định khẳng định không từ chối cấp cứu vì thiếu viện phí. 

Theo báo cáo của bệnh viện, cháu bé được tiếp nhận và chỉ định thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng trong vòng 7 phút sau khi vào viện. Ngay sau đó cháu bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục điều trị.

Tuy nhiên để làm rõ vụ việc, bệnh viện đã tạm đình chỉ 5 nhân viên y tế, gồm 3 bác sĩ và 2 điều dưỡng trong kíp trực ngày hôm đó. 

Sở Y tế tỉnh Nam Định đã chỉ đạo rà soát quy trình tiếp nhận và cấp cứu bệnh nhân, đồng thời yêu cầu chấn chỉnh thái độ phục vụ của nhân viên y tế.

Vụ việc này đã thu hút sự chú ý của dư luận và làm dấy lên những lo ngại về việc yêu cầu đóng viện phí trước khi cấp cứu, đặc biệt đối với những trường hợp khẩn cấp. 

Nhiều bạn đọc cho rằng cần có quy định về quy trình liên quan đến viện phí cấp cứu, nhằm đảm bảo mọi bệnh nhân đều được tiếp cận dịch vụ y tế kịp thời, không bị gián đoạn điều trị do rào cản tài chính.

Theo bạn đọc Vinh, đây là chuyện không hiếm bởi anh từng chứng kiến nhiều bệnh viện từ tuyến huyện đến tỉnh, thành phố bắt buộc phải có người thân/người bảo lãnh bệnh nhân cấp cứu ký biên bản và đóng tiền tạm ứng mới được cấp cứu, nếu không phải nằm đợi ở phòng cấp cứu.

Còn bạn đọc Chi cho rằng bệnh viện phải ưu tiên tập trung cứu chữa bệnh nhân cấp cứu trước. Đây lại là bệnh nhi bị tai nạn giao thông, không phải đi khám chữa bệnh thông thường.

Nhiều bạn đọc bày tỏ nếu vụ việc là do “hiểu lầm” như giải trình của bệnh viện thì cần rút kinh nghiệm cho toàn bệnh viện, và cũng là bài học cho các nhân viên y tế khi tiếp nhận trường hợp cấp cứu.

Cần có quy định rõ ràng

Sau vụ việc, nhiều bạn đọc cũng bày tỏ thông cảm cho nhân viên y tế bởi có thể họ chỉ làm theo thủ tục hành chính.

Bạn đọc Toan bình luận muốn giải quyết một vấn đề cần phải nhìn ra nguyên nhân của vấn đề.

Hành động của nhân viên y tế xuất phát từ thực trạng nhiều người trốn viện sau khi được cấp cứu, phần viện phí bị thiếu sẽ bị quy về các nhân viên y tế trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, nghĩa là phải tự bỏ tiền túi ra trả.

“Thực trạng này khiến nhân viên y tế rất lo lắng khi có người bệnh thiếu viện phí, một số người sẽ hành xử máy móc giống như trường hợp trên.

Cần phải có biện pháp xử lý các trường hợp trốn viện, thiếu viện phí giống như việc thu hồi nợ của ngân hàng, thay vì đổ hết lên đầu của nhân viên y tế”, bạn đọc Toan bày tỏ.

Bạn đọc Kevin viết: “Cũng nên thông cảm cho các bác sĩ theo tình thì đúng là có cứng nhắc. 

Tuy nhiên theo tôi được biết có những trường hợp người nhà chây ì, hoặc không có tiền đóng viện phí thì bệnh viện phải thanh toán, cụ thể là ê kíp trực”.

Một bạn đọc khác cũng cho rằng đã đến lúc Bộ Y tế phải ra một quy định tất cả các bệnh viện dù công hay tư đều phải tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu và điều trị nhanh nhất có thể để cứu bệnh nhân, còn tiền bạc có thể tính sau.

“Nếu như sau điều trị, bệnh nhân không có tiền trả thì bênh viện nên đưa thông tin qua Hội Chữ thập đỏ để vận động tiền từ thiện thanh toán. 

Nếu vận động không được nữa thì báo cáo Bộ Y tế có thể trích tiền quỹ nào đó để thanh toán. Rất mong Bộ Y tế ra tay để bảo vệ quyền của bệnh nhân và y đức của nghề”, bạn đọc này bình luận.

Miễn viện phí để không ai bị bỏ lại phía sau

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, đại biểu chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, chia sẻ mới đây Tổng Bí thư Tô Lâm có phát biểu về việc chú trọng phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiến tới miễn viện phí cho tất cả người dân.

Đó không chỉ là một tầm nhìn đầy nhân văn, mà còn là minh chứng rõ ràng cho sự chuyển mình mạnh mẽ trong tư duy điều hành đất nước – một tư duy đặt con người vào trung tâm, hướng đến sự công bằng, bao trùm và phát triển bền vững.

Để hiện thực hóa được khát vọng lớn lao này không phải là điều đơn giản. Tuy nhiên nếu không có sự đổi mới tư duy và hành động trong quản trị quốc gia, sẽ không thể nói đến giấc mơ miễn viện phí cho toàn dân.

Không có sự tiết kiệm chi thường xuyên, chống lãng phí, giảm chồng chéo, tăng hiệu quả đầu tư công, sẽ không thể dồn lực cho ngành y tế một cách căn cơ và lâu dài.

Và cũng không thể nói đến chuyện “miễn phí” nếu như chúng ta không từng bước tạo dựng một nền tài chính công lành mạnh, minh bạch và hướng đến lợi ích chung.

Một đất nước chỉ thực sự hùng cường khi không ai bị bỏ lại phía sau – nhất là khi họ đau yếu, bệnh tật. Và một nền y tế công bằng, nhân văn, miễn viện phí – đó chính là dấu ấn rõ nét nhất của một nhà nước vì dân, do dân và của dân.

Nếu tiếp tục giữ vững niềm tin, kiên trì cải cách thì ngày giấc mơ ấy thành hiện thực sẽ không còn xa.