BHXH bắt buộc với người quản lý không lương: Mức đóng, cách đóng thế nào

BHXH bắt buộc với người quản lý không lương: Mức đóng, cách đóng thế nào

bởi

trong

Chị Phương Chi (nhân viên một ngân hàng có chi nhánh ở Q.3, TP.HCM), đặt câu hỏi: “Theo khoản 1 điều 2 của luật BHXH năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2025), phạm vi người lao động tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng, bao gồm cả những người không hưởng lương nhưng giữ các chức vụ quản lý, như:

  • Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước hoặc phần vốn của doanh nghiệp theo quy định pháp luật.
  • Các chức danh quản lý được bầu trong hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã như: thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, thành viên ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên, và các chức danh quản lý khác theo luật Hợp tác xã.

Vậy mức lương và tỷ lệ đóng BHXH như thế nào?”.

BHXH bắt buộc với người quản lý không lương: Mức đóng, cách đóng thế nào

Người lao động giải quyết thủ tục ở cơ quan BHXH TP.HCM

ẢNH: P.T.N

Cơ quan BHXH trả lời

Trả lời câu hỏi này, BHXH TP.HCM cho biết đối với các diện này, mức lương làm căn cứ đóng BHXH sẽ do người lao động tự lựa chọn, nhưng không thấp hơn mức tham chiếu do Chính phủ quy định và không vượt quá 20 lần mức tham chiếu đó (điểm d khoản 1 điều 31 của luật nói trên).

Sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng BHXH theo mức lương đã lựa chọn, người lao động có quyền lựa chọn lại mức lương làm căn cứ đóng BHXH.

Mức lương mới phải đảm bảo không thấp hơn mức tham chiếu và không vượt quá 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.

Người lao động có thể lựa chọn đóng theo tháng, theo quý hoặc theo 6 tháng một lần. Thời hạn đóng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng sau kỳ hạn đã chọn.

Theo điều 32 của luật BHXH năm 2024, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc đối với các đối tượng này là:

  • 3% vào quỹ ốm đau và thai sản.
  • 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Tổng cộng, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc là 25% trên mức lương làm căn cứ đóng. Ngoài ra, theo quy định hiện hành, các đối tượng này cũng phải đóng:

  • 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
  • 4,5% vào quỹ bảo hiểm y tế.
  • Không áp dụng bảo hiểm thất nghiệp đối với các đối tượng này.

Người tham gia BHXH bắt buộc theo diện này sẽ được hưởng đầy đủ các chế độ BHXH, bao gồm: ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất.

Mức lương tham chiếu là gì?

Hiện nay, theo luật BHXH năm 2014, mức lương cơ sở được sử dụng để tính mức đóng và mức hưởng của một số chế độ BHXH.

Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1.7.2025, khi luật BHXH năm 2024 có hiệu lực, mức lương cơ sở sẽ không còn được áp dụng cho mục đích này nữa mà sẽ được thay thế bằng mức tham chiếu.

Theo điều 7 của luật BHXH năm 2024, mức tham chiếu là mức tiền do Chính phủ quy định, dùng để tính mức đóng và mức hưởng một số chế độ BHXH.

Mức tham chiếu này sẽ được điều chỉnh dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước cũng như quỹ BHXH.

Bên cạnh đó, khoản 13 điều 141 luật BHXH cũng quy định rằng khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu được hiểu là bằng mức lương cơ sở; và tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không được thấp hơn mức đó.

Hiện nay, theo Nghị định 73/2024 của Chính phủ, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng.

Vì vậy, cho đến khi có quy định mới, mức tham chiếu sẽ tạm thời được hiểu là 2,34 triệu đồng.