Đề xuất giao xã phường cấp phép kinh doanh, quản lý đất đai khi bỏ cấp huyện

Đề xuất giao xã phường cấp phép kinh doanh, quản lý đất đai khi bỏ cấp huyện

bởi

trong

Đề xuất trên được tiến sĩ Huỳnh Thành Lập, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM nêu ra tại tọa đàm khoa học với chủ đề “Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn Việt Nam và những kiến giải nhằm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hiện nay”, diễn ra sáng 6.5 trong bối cảnh sắp tới sẽ bỏ cấp huyện.

Tọa đàm do Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Viện Nhà nước và pháp luật và phân hiệu Học viện Hành chính và quản trị công tại TP.HCM, phối hợp tổ chức để góp ý thêm cho cơ quan Trung ương trong việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Tiến sĩ Huỳnh Thành Lập đánh giá bỏ cấp huyện là xu hướng tích cực và phổ biến ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là trong xu thế tiến bộ của khoa học công nghệ, mọi việc đều rất gần gũi, nhanh chóng với người dân.

“Bỏ cấp trung gian thì bỏ được độ trễ, không phải họp hành nhiều để triển khai, tránh được ách tắc, giúp xã chủ động hơn, không phải chờ chỉ đạo của cấp huyện”, chuyên gia phân tích.

Đề xuất giao xã phường cấp phép kinh doanh, quản lý đất đai khi bỏ cấp huyện

Tiến sĩ Huỳnh Thành Lập, nguyên Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng cần trao quyền tự quyết cho xã, phường rõ ràng hơn khi bỏ cấp huyện

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Để tăng cường gần dân, sát dân hơn khi không tổ chức cấp huyện, ông Lập cho rằng phải trao quyền tự quyết cho xã, phường rõ ràng hơn như cấp phép kinh doanh, quản lý đất đai, an sinh xã hội và giải quyết tranh chấp dân sự. Bởi thực tế, hiện nay cấp xã vẫn làm ở một số khâu như ký xác nhận rồi mới trình lên cấp huyện quyết định, có thủ tục thì do cấp tỉnh quyết định.

“Khi bỏ cấp trung gian thì phải tính quy mô các xã sáp nhập cho đủ lớn và tương thích với quyền năng mới của cấp xã. Nếu quy mô xã nhỏ, manh mún thì bộ máy hành chính sẽ nhiều hơn, vận hành không hiệu quả như mong đợi”, ông Huỳnh Thành Lập góp ý.

Tiến sĩ Trương Cộng Hòa, Giám đốc phân hiệu Học viện Hành chính và quản trị công tại TP.HCM, cho biết trải qua các giai đoạn cải cách hành chính, nước ta đã triển khai thí điểm một số mô hình ở cấp chính quyền địa phương, nhằm xác định các mô hình phù hợp hơn với yêu cầu quản lý nhà nước hiện đại.

 - Ảnh 2.

Việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (tỉnh và xã) giúp bỏ tầng nấc trung gian, đưa nền hành chính gần dân, sát dân hơn

ẢNH: NHẬT THỊNH

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tồn tại không ít bất cập, chồng chéo trong chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền, đặc biệt là giữa cấp tỉnh và cấp huyện, giữa cấp huyện và cấp xã. Nhiều địa phương vẫn còn lúng túng trong phân định thẩm quyền, dẫn đến hiện tượng bộ máy cồng kềnh, kém linh hoạt, gây lãng phí nguồn lực, làm giảm hiệu suất phục vụ người dân và doanh nghiệp.

“Mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tầng nấc trung gian, tăng cường tính chủ động và trách nhiệm trong quản trị, điều hành, từ đó nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp”, tiến sĩ Hòa nhận định.

Chọn cán bộ đủ năng lực, đạo đức khi bỏ cấp huyện

Tiến sĩ Phí Vĩnh Tường, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nêu 2 thách thức khi bỏ cấp huyện gồm năng lực đội ngũ cán bộ, công chức và ngân sách cho các dịch vụ công.

Cụ thể, nhà nước cần phải có giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu người dân khi giảm bộ máy chính quyền, khối lượng công việc tăng lên rất nhiều. Còn về ngân sách, cấp xã cần được bố trí ngân sách nhằm đáp ứng dịch vụ công và nhu cầu người dân.

“Cách đây 10 năm, TP.HCM từng bàn đến chuyện thay đổi cách thức quản lý, đề xuất Trung ương quản lý về con người hoặc là ngân sách để chủ động nâng cao chất lượng dịch vụ công. Nếu cùng lúc quản cả 2 cái thì rất khó có dư địa”, tiến sĩ Tường cho biết, đồng thời đặt vấn đề cần thay đổi cách thức quản lý.

Chuyên gia này dẫn chứng kinh nghiệm tại một số quốc, ngoài ngân sách Trung ương thì địa phương cũng có ngân sách riêng. Như ở thành phố Kyoto (Nhật Bản), chính quyền địa phương có ngân sách, đảm bảo cho trẻ em dưới 7 tuổi được miễn phí chăm sóc răng miệng.

Một vấn đề khác được ông Tường cho rằng cần đặc biệt quan tâm là trong quá trình chuyển tiếp phải giải quyết tốt việc chuyển giao trách nhiệm về đầu tư công, xây dựng kết cấu hạ tầng, tránh lãng phí, tham nhũng, chất lượng hạ tầng không đảm bảo.

 - Ảnh 3.

PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, phát biểu tổng kết tọa đàm

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Trong phần kết luận tọa đàm, PGS-TS Vũ Tuấn Hưng nhận định tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương không chỉ là yêu cầu cải cách hành chính mà còn là điều kiện tiên quyết để xây dựng nhà nước kiến tạo, phục vụ người dân, phù hợp xu thế phát triển hiện đại và hội nhập quốc tế.

Việc giảm cấp chính quyền phải đi kèm với cải cách thể chế, phân quyền rõ ràng, ứng dụng công nghệ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. PGS-TS Hưng cho rằng cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm rõ chức năng giữa cấp tỉnh và cấp xã trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tăng cường chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính.

“Cần đổi mới công tác cán bộ, bảo đảm chỉ những người có năng lực, đạo đức mới có thể vận hành mô hình tinh gọn, hiệu quả”, chuyên gia khuyến nghị.