Xá lợi của Đức Phật được nhà khảo cổ học người Anh William Claxton Peppe phát hiện ở Kapilavastu năm 1898, được Ấn Độ công nhận là bảo vật quốc gia.
Theo kinh điển Phật giáo, sau khi thành đạo dưới gốc bồ đề, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không ngừng truyền bá giáo pháp, ban ngày thuyết pháp độ sinh, ban đêm nhập thiền định. Công phu tu tập của Ngài tích tụ thành nguồn năng lượng lớn. Khi viên tịch ở tuổi 80, nhục thân được hỏa táng, để lại vô số xá lợi – những tinh thể rắn, nhiều màu sắc.

Xá lợi Đức Phật tại bảo tàng Ấn Độ. Ảnh: Phật giáo Việt Nam
Giới nghiên cứu lý giải hiện tượng này giống quá trình kết tinh trong tự nhiên, như cây cổ thụ lâu năm có lõi gỗ rắn chắc hay lòng đất hình thành kim cương – kết quả của áp lực và thời gian. Với con người, quá trình tu tập, rèn luyện tâm linh bằng giới – định – tuệ cũng có thể kết tinh thành xá lợi.
Không chỉ Đức Phật, nhiều bậc thánh tăng, tổ sư trải qua quá trình tu hành liên tục cũng để lại xá lợi sau khi viên tịch. Đây được xem là kết tinh tinh túy của thân – tâm, vượt qua thời gian.
Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xá lợi của Đức Phật được chia thành 8 phần và an trí trong các bảo tháp tại nhiều địa phương trên lục địa Ấn Độ. Tuy nhiên, trải qua nhiều thế kỷ, cùng với sự suy tàn của Phật giáo tại Ấn Độ và các biến cố lịch sử, nhiều bảo tháp đã bị phá hủy hoặc rơi vào quên lãng.

Xá lợi Đức Phật. Ảnh: Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam
Năm 1898, nhà khảo cổ học người Anh William Claxton Peppe khai quật được xá lợi tại khu đất Birdpur Estate, làng Piprahwa, huyện Siddharthnagar, bang Uttar Pradesh – gần khu vực được xác định là Kapilavastu cổ đại, quê hương của Đức Phật. Xá lợi trong đó có một phần xương đầu của người sáng lập Phật giáo được tôn trí tại Bảo tàng quốc gia New Delhi. Thời gian đầu, xá lợi Phật được để chung với những cổ vật khác nhưng mỗi ngày người đến chiêm bái đông và bày tỏ niềm tôn kính nên sau đó được đặt ở vị trí tôn kính trong Viện bảo tàng quốc gia Ấn Độ. Năm 1997, cộng đồng Phật giáo Thái Lan và các nghệ nhân đã làm một tháp mạ vàng, trên đỉnh có 109 gam vàng tặng cho Ấn Độ để bày tỏ lòng tôn kính và đặt xá lợi Đức Phật trưng bày cho đến nay.
Xá lợi Đức Phật là bảo vật quốc gia của Ấn Độ, được quản lý nghiêm ngặt. Theo quy định ngoại giao, mỗi lần xuất ngoại của xá lợi tương đương một chuyến công du cấp nguyên thủ quốc gia.
Ngày 2/5, xá lợi được cung thỉnh từ bảo tàng quốc gia Ấn Độ tại New Delhi đưa về Việt Nam phục vụ Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025. Sự kiện lần này được thực hiện sau khi Chính phủ Việt Nam có công hàm đề nghị và nhận được sự chấp thuận từ phía Ấn Độ. Theo đó, xá lợi Đức Phật được cung thỉnh về Việt Nam và tôn trí để người dân chiêm bái trong 20 ngày.

Lễ rước xá lợi phật về chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh, TP HCM) hôm 2/5. Ảnh: Đức Đồng
Từ ngày 3 đến 8/5, xá lợi được an vị tại chùa Thanh Tâm, TP HCM, trong khuôn khổ Đại lễ Vesak tổ chức tại TP HCM. Trưa 8/5, xá lợi sẽ lần lượt được cung nghinh về Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, Tây Ninh. Từ ngày 8 đến 13/5, bảo vật được an vị tại đây, sau đó sẽ chuyển ra chùa Quán Sứ, Hà Nội từ ngày 14 đến 16/5, và chùa Tam Chúc, Hà Nam từ ngày 17 đến 21/5 để người dân chiêm bái.
Trước đó, xá lợi từng được cung thỉnh sang nhiều quốc gia. Năm 2015, xá lợi được tôn trí tại Sri Lanka nhân dịp kỷ niệm 2.600 năm ngày Đức Phật thành đạo. Năm 2022, xá lợi hiện diện trong triển lãm tại Ulaanbaatar, Mông Cổ. Năm 2024, Bộ Văn hóa Thái Lan phối hợp Chính phủ Ấn Độ cung thỉnh xá lợi về Thái Lan trong gần 26 ngày.
Theo Ban tổ chức, Vesak là ngày lễ thiêng liêng nhất của Phật giáo, nhằm tưởng niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật: đản sinh, giác ngộ và nhập Niết-bàn. Đại lễ được tổ chức vào ngày rằm tháng tư Âm lịch (tương ứng ngày trăng tròn tháng Vesak theo lịch Ấn Độ), mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, thể hiện hành trình vượt qua khổ đau để đạt đến trí tuệ và an lạc.
Ngày Vesak được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc công nhận là lễ hội văn hóa tôn giáo quốc tế vào ngày 15/12/1999, theo Nghị quyết 54/115. Việc công nhận này khẳng định giá trị nhân văn và ảnh hưởng tích cực của Phật giáo đối với hòa bình, phát triển bền vững trên toàn thế giới.
Tuấn Anh