
Du khách trải nghiệm thể thao biển tại Đà Nẵng dịp 30-4 vừa qua – Ảnh: B.D.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 6-5, ông Nguyễn Thanh Hồng – giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam – cho biết đang đợi hướng dẫn từ các cơ quan chức năng để cấp phép, tổ chức thể thao mặt biển.
Quảng Nam muốn đầu tư xứng tầm cho thể thao mặt nước
Theo ông Hồng, tỉnh Quảng Nam có 125km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp. Lâu nay nhu cầu tổ chức các hoạt động thể thao biển (dưới mặt nước biển) của các doanh nghiệp là rất lớn.
Tuy nhiên hiện nay thiếu các cơ sở pháp lý và liên quan nhiều cơ quan quản lý và địa phương vẫn cần có hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành về việc cấp phép, quy hoạch, tổ chức các hoạt động thể thao dưới nước ở bờ biển Quảng Nam.
Nhiều du khách khi đến miền Trung du lịch ấn tượng với cảnh náo nhiệt, đa dạng các hoạt động trên các bãi biển ở Thanh Hóa, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Các vị trí diễn ra thể thao mặt nước được thiết kế riêng, giám sát và quản lý chặt.
Ngoài tắm biển, nhiều doanh nghiệp cũng tổ chức các hoạt động thể thao mặt nước như mô tô nước, dù kéo, chèo thuyền kayak… Các dịch vụ này không chỉ thu hút khách chi tiêu rất lớn mà còn thúc đẩy nhiều dịch vụ “ăn theo” trong ngành du lịch.

Vệt biển đẹp ở Hoiana được làm không gian Lễ hội diều quốc tế Quảng Nam 2024 – Ảnh: B.D.
Quảng Nam có dải bờ biển đẹp kéo dài từ Hội An về tới huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Núi Thành. Dù lượng khách có nhu cầu rất lớn, đặc biệt là ở vệt biển An Bàng (Hội An) nhưng hiện nay du khách đa phần chỉ ra biển để dạo mát, tắm biển, ăn uống mà chưa được trải nghiệm thể thao biển vốn đang rất thịnh hành ở nhiều tỉnh, thành.
Trước việc một số vụ tai nạn nên hoạt động mô tô nước trên biển đã được tạm dừng như ở Đà Nẵng. Dù vậy bãi biển vẫn náo nhiệt với hàng chục dịch vụ thể thao mặt nước hấp dẫn như ca nô kéo dù, lướt ván, thuyền buồm…
Nhiều thời điểm một số hoạt động thể thao biển được doanh nghiệp tổ chức tự phát nhưng sau đó buộc phải dừng vì vướng pháp lý.
Doanh nghiệp và tỉnh đều có muốn nhưng chưa có hướng dẫn
Lý giải về việc nằm liền kề nhau nhưng Đà Nẵng có nhiều trải nghiệm, các dịch vụ thể thao biển cho du khách nhưng Quảng Nam lại không, ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết 125km bờ biển hiện vẫn chưa được các cơ quan cấp trên đưa vào quy hoạch, cấp phép các hoạt động thể thao.
“Quảng Nam bờ biển dài, nhiều vị trí rất đẹp. Tiềm năng cho các hoạt động thể thao mặt nước là rất lớn góp phần thúc đẩy du lịch, khai thác các giá trị nhưng tới nay các quy định về cấp phép, quy hoạch… vẫn chưa được hướng dẫn từ cấp trên. Chúng tôi rất mong muốn được sớm triển khai” – ông Hồng nói.
Trong văn bản kiến nghị tới tỉnh Quảng Nam mới đây, Công ty TNHH Indochina Resort cho rằng đơn vị này đầu tư khu lưu trú 5 sao ở phường Điện Dương (Điện Bàn) theo giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007.
Khi mở khu lưu trú, công ty này có đăng ký nhiều dịch vụ thể thao giải trí dưới nước nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai do vướng giấy phép.

Các môn thể thao biển đang thu hút đông du khách tại Đà Nẵng – Ảnh: B.D.
Theo Công ty TNHH Indochina Resort, các môn thể thao như dù bay, ca nô kéo dù, kayak, lướt ván, lướt sóng… đang rất phổ biển và thu hút du khách tại các quốc gia như Thái Lan, Úc, Pháp…
Đây cũng là những bộ môn giúp tăng trưởng lớn cho ngành du lịch. Việt Nam sở hữu nhiều bãi biển đẹp, trải dài các tỉnh, thành nhưng thể thao mặt nước hiện mới phổ biến ở Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…
“Quảng Nam có tiềm năng rất lớn cho thể thao dưới nước. Chúng tôi xin ý kiến tỉnh Quảng Nam về việc có chấp thuận, cho phép kinh doanh thể thao dưới nước hay không.
Nếu được thì chúng tôi muốn được hướng dẫn cụ thể, trong trường hợp không được thì cho chúng tôi văn bản phản hồi và nêu rõ lý do” – văn bản của Công ty TNHH Indochina Resort đề cập.
Quảng Nam vẫn đang đợi ý kiến từ bộ
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết cuối năm 2024 đơn vị này đã gửi kiến nghị ra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị tháo gỡ.
Trong văn bản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết gần đây nhiều hoạt động thể thao biển đang thu hút ngày càng đông du khách. Tuy nhiên hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn quy định cấp giấy phép kinh doanh.
Mặt khác Quảng Nam đang lập quy hoạch vùng hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí dưới nước nên ít nhiều ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp.
“Tỉnh mong các đơn vị cho ý kiến về dự thảo hướng dẫn quy trình, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí dưới nước và sản phẩm du lịch mạo hiểm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” – văn bản nêu.