Không tính điểm 3 câu số phức kỳ thi đánh giá tư duy đợt 3

Không tính điểm 3 câu số phức kỳ thi đánh giá tư duy đợt 3

bởi

trong

Hôm nay 6.5, Đại học Bách khoa Hà Nội đã thông báo về kết quả thi đợt 3, kỳ thi đánh giá tư duy TSA 2025. 

Trong thông báo, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thông tin về việc xử lý với 3 câu hỏi liên quan tới số phức mà nhiều thí sinh gặp phải khi làm bài thi.

Không tính điểm 3 câu số phức kỳ thi đánh giá tư duy đợt 3

Thí sinh dự thi kỳ thi đánh giá tư duy TSA 2025 của Đại học Bách khoa Hà Nội

ẢNH: BÍCH NGỌC

Cụ thể, Hội đồng thi của kỳ thi đánh giá tư duy TSA ghi nhận trong kíp 3 của đợt thi có 3 câu hỏi thi liên quan tới số phức và 1 câu bị lỗi hiển thị. Ban đề thi đã xác định 4 câu hỏi thi này đều nằm trong “bộ cầu” dùng để cân bằng đề thi giữa các năm.

Hội đồng thi đã quyết định loại các câu hỏi thi này ra khỏi bộ cầu. “Số lượng các câu hỏi thi còn lại trong bộ cầu vẫn đảm bảo kỹ thuật tính toán các tham số cho việc cân bằng đề thi, đảm bảo tính công bằng cũng như không ảnh hưởng đến quá trình chấm điểm TSA của bài thi”, thông báo của Đại học Bách khoa Hà Nội viết.

Câu hỏi “cầu” là gì?

Theo đề án tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy TSA của Đại học Bách khoa Hà Nội, để đảm bảo tính công bằng về kết quả thi giữa các đợt thi, kỳ thi TSA áp dụng phương pháp sử dụng bộ câu hỏi “cầu” chuẩn giữa các đề thi để đưa các chỉ số đánh giá đề thi về cùng một thang đo.

Công nghệ này sẽ đảm bảo các thí sinh dự thi trong các đợt thi khác nhau đều được đánh giá trên cùng một thang đo, từ đó đảm bảo tính công bằng về kết quả giữa các đợt thi.

Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, bộ “cầu” là một thuật ngữ để chỉ công cụ đo lường năng lực của thí sinh, theo lý thuyết đáp ứng câu hỏi (IRT). Các câu “cầu” được dùng chung ở cả cặp 2 đề, để kéo kết quả thi các đợt thi và các kíp thi khác nhau về cùng một thang đo, nhằm đảm bảo kết quả thi các đợt – các kíp có tính tương đương, với mục đích đảm bảo công bằng cho thí sinh dù các em dự thi ở kíp thi nào.

Những câu hỏi tốt với các độ khó khác nhau (qua kết quả thử nghiệm) sẽ được lựa chọn để làm câu hỏi “cầu” cho các đợt thi. Đề thi của các ca thi chỉ được kết nối với nhau sử dụng các câu hỏi cầu trong lĩnh vực toán và khoa học/giải quyết vấn đề. 

Dưới đây là mô phỏng thiết kế đề thi, trong đó hiển thị vị trí câu hỏi “cầu”:

Không tính điểm 3 câu số phức kỳ thi đánh giá tư duy đợt 3 - Ảnh 2.

Với thiết kế như trên, mỗi 2 đề thi sẽ có 15 câu hỏi “cầu”. Tổng số câu hỏi cần để thiết kế 6 đề thi là 525 câu hỏi. Trong số 15 câu hỏi “cầu” có 8 câu hỏi toán và 7 câu hỏi lĩnh vực khoa học/giải quyết vấn đề, hoặc ngược lại. Đề đầu tiên có 85 câu và 15 câu “cầu”. Các đề thi thứ 2, thứ 3, thứ 4, thứ 5, thứ 6 có 70 câu và 2 đầu “cầu”, mỗi “cầu” 15 câu.

Tuy nhiên, mô phỏng trên là giai đoạn đầu. Hiện nay, kỳ thi đánh giá tư duy TSA đã vào giai đoạn ổn định, mỗi đề gồm 15 câu “cầu” và 85 câu mới.

Hệ thống chấm luôn loại bỏ yếu tố gây nhiễu

Đợt 3 là đợt thi cuối của kỳ thi đánh giá tư duy TSA năm 2025, được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức 4 kíp thi, gồm các kíp sáng và kíp chiều các ngày 26 – 27.4. 

Gần 24.000 thí sinh đăng ký dự thi đợt 3. Nội dung thi dựa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, trong đề thi của những thí sinh kíp 3 (sáng 27.4) có 3 câu số phức và 1 câu bị lỗi hiển thị. Trong khi đó, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh không được học về số phức.

Trong dư luận thí sinh có ý kiến cho rằng, việc hệ thống chấm điểm kỳ thi tư duy TSA Đại học Bách khoa Hà Nội không chấm 3 câu số phức tạo ra sự bất công cho những thí sinh làm các kíp thi khác và với những thí sinh kíp 3 làm được 3 câu ấy. Vì “cùng 60 phút nhưng một bên làm tận 40 câu, một bên chỉ cần làm 37 câu”.

Trước bình luận trên, PGS Vũ Duy Hải, Trưởng ban Tuyển sinh – Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội, nói: “Khi làm bài thì các bạn đều cố gắng làm hết 40 câu. Hơn nữa, khi áp dụng kỹ thuật bộ câu “cầu” để cân bằng đề và đưa về cùng thang đo, trong quá trình chấm, để đảm bảo độ tương quan tốt thì đều phải loại các câu “cầu” gây nhiễu (bị lệch xa so với đường chuẩn). Ví dụ như 3 câu phức trong bộ cầu này, phần lớn các bạn không làm được hoặc bỏ không làm. Nếu để lại trong bộ cầu khi chấm sẽ gây nhiễu”.