
Khu vực đề xuất khôi phục cầu Mã Đà (bị đánh sập trong chiến tranh), hình thành đường kết nối trực tiếp Bình Phước với Đồng Nai – Ảnh: A LỘC
Ngày 6-5, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà.
Văn bản được gửi đến các bộ: Xây dựng, Nông nghiệp và Môi trường, Tài chính, UBND hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Rà soát, đánh giá kỹ lưỡng dự án đường kết nối hai địa phương
Theo đó, phó thủ tướng đề nghị UBND tỉnh Bình Phước và Đồng Nai tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng nghiên cứu đầu tư tuyến đường kết nối hai tỉnh theo quy định, hoàn tất các quy trình thủ tục (trong trường hợp đầu tư dự án).
Trong đó lưu ý rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tác động đến môi trường, hệ sinh thái, liên kết đa dạng sinh học, lâm nghiệp, di sản văn hóa, điều ước quốc tế…
Các bộ hướng dẫn, phối hợp hai địa phương trong quá trình triển khai các nội dung liên quan, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Trước đó, Bộ Xây dựng có văn bản gửi Thủ tướng và Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư tuyến đường kết nối tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai qua cầu Mã Đà.
Bộ Xây dựng đánh giá hiện nay Bình Phước kết nối với Đồng Nai đều thông qua tỉnh Bình Dương, chưa có đường kết nối trực tiếp nào với tỉnh Đồng Nai và khu vực TP.HCM.
Do đó việc nghiên cứu đầu tư công trình giao thông kết nối trực tiếp giữa Bình Phước và Đồng Nai là cần thiết.
Căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương và khu vực, Đồng Nai và Bình Phước đã thống nhất lựa chọn phương án kết nối từ thành phố Đồng Xoài đi theo đường tỉnh ĐT 753 qua cầu Mã Đà sang địa phận tỉnh Đồng Nai.
Sau đó đi theo các tuyến đường địa phương kết nối với đường vành đai 4 TP.HCM nhằm lưu thông thuận tiện và hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ.
Đường kết nối đi qua Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai
Tuyến đường kết nối Đồng Nai và Bình Phước qua cầu Mã Đà có tổng chiều dài khoảng 74km (qua Bình Phước dài khoảng 30km, qua Đồng Nai dài khoảng 44km).
Trong đó đoạn qua Đồng Nai gồm 27km qua Khu bảo tồn thiên nhiên – văn hóa Đồng Nai (xây dựng khoảng 5km cầu cạn qua khu vực rừng tự nhiên) và mở mới khoảng 17km, quy mô đầu tư 4-10 làn xe.
Do vai trò kết nối trực tiếp giữa hai tỉnh nên cần nghiên cứu với quy mô đầu tư thích hợp để đáp ứng nhu cầu vận tải, hỗ trợ phát triển đô thị, dịch vụ và du lịch khu vực.
Bộ Xây dựng lưu ý trong quá trình chuẩn bị đầu tư dự án, đề nghị Đồng Nai và Bình Phước rà soát phạm vi, quy mô dự án để xác định quy mô đầu tư, hướng tuyến bảo đảm phù hợp nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn vốn, hiệu quả dự án.
Trong đó khi tính toán quy mô dự án cần xem xét tổng thể hiện trạng, quy hoạch giao thông khu vực trong điều kiện khu vực có các tuyến đường ĐT 741, quốc lộ 13, quốc lộ 13C và đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành kết nối từ thành phố Đồng Xoài đến đường vành đai 4.
Ngoài ra, tuyến đường kết nối Bình Phước và Đồng Nai qua cầu Mã Đà đi qua Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai. Bộ đề nghị các địa phương rà soát, nghiên cứu, phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các tác động đến môi trường, hệ sinh thái, liên kết đa dạng sinh học để lựa chọn hướng tuyến chi tiết cho phù hợp.