Nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao
Nói về điện thì ai cũng biết, thời tiết tại miền Nam, ở đất “Sài Gòn hoa lệ” này chỉ có hai mùa mưa và nắng. Nhu cầu sử dụng điện vào mùa nắng nóng gia tăng rất cao. Trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp hòa lẫn cái nóng oi bức của tháng 5 như đổ lửa, lượng điện tiêu thụ tại mỗi hộ gia đình, cơ quan, đoàn thể cứ… chạy hết công suất.
Vì vậy, nguy cơ quá tải do sử dụng điện năng nhiều, liên tục ngày đêm để chống lại cái nắng “cháy da, chảy mỡ”. Hầu như các hộ gia đình, cá nhân… đều mở quạt máy, máy lạnh, và các thiết bị bình nước nóng lạnh hoạt động suốt ngày đêm.

Nhân viên Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) tư vấn tỉ mỉ cho khách hàng về sử dụng điện tiết kiệm và an toàn
Ảnh: Thanh Thiện
Do vậy, càng phải đề cao cảnh giác sự an toàn về điện, phòng chống cháy nổ, hỏa hoạn do điện gây ra trong mùa nắng nóng, ngăn ngừa những vụ hỏa hoạn, cháy nhà, gây tổn thất nghiêm trọng về nhân mạng và tài sản của người dân.
Ngoài việc cần tiết kiệm tối đa để giảm hóa đơn tiền điện hằng tháng của mỗi hộ gia đình, cơ quan, công ty, trường học…, thì lúc ra khỏi phòng, khỏi nhà nên rút hết các phích cắm điện, cúp cầu dao tổng trên đồng hồ điện, cắt hết nguồn điện, thiết bị điện khi không sử dụng.
Sự an toàn về điện, phòng chống cháy nổ, hỏa hoạn trong mùa khô nắng nóng là việc làm cấp bách, mọi người nên nhắc nhở nhau, truyền đạt cho nhau cách sử dụng các thiết bị điện, kiến thức và kỹ thuật an toàn về điện để tránh những rủi ro đáng tiếc về cháy nổ, chết người, hỏa hoạn.
An toàn điện là trên hết
Điện rất cần thiết cho đời sống con người, là nhu cầu không thể thiếu. Tuy nhiên, điện năng, các thiết bị điện gia dụng cùng với điện áp hạ thế 220 V hay trung thế, cao thế 380 V ngoài đường phố rất nguy hiểm nếu chúng ta không cẩn thận và có kiến thức về điện. Khi chúng ta “biết cách trị nó” thì nó cũng “né ta, tránh xa ta ra”.

Tác giả dùng bút thử điện để kiểm tra dòng điện trong nhà
Ảnh: TGCC
Có rất nhiều cách về an toàn điện cần phải hiểu để sử dụng phát huy hết hiệu quả:
1. Dùng cầu chì và rờ le tự ngắt.
2. Mắc điện đúng quy tắc an toàn.
3. Kiểm tra thiết bị điện thường xuyên.
4. Ngắt nguồn điện khi không sử dụng. Ngắt cầu dao đồng hồ điện chính, cầu dao đồng hồ tổng khi sửa chữa dòng điện trong nhà.
5. Sử dụng thiết bị bảo hộ cá nhân và thường xuyên kiểm tra hệ thống điện để đảm bảo dòng điện hoạt động ổn định và an toàn.
6. Thay mới các sợi dây điện của các thiết bị điện, của các sợi dây điện mắc thành hệ thống dòng điện toàn bộ trong nhà, nếu thấy sợi dây điện bị bong tróc lớp vỏ cao su bảo vệ, để lòi ra hai cọng dây đồng “âm dương, nóng nguội”, có nguy cơ chạm nhau gây cháy nổ, chết người nếu chạm vào nó.
7. Các ổ điện và dòng dây điện nên thiết kế lắp đặt trên cao, tránh xa tầm tay trẻ em. Khi ra đường nên tránh xa những khu vực có mạng lưới điện, cột đèn điện, tủ trạm điện cao thế, biến thế.
Nói đến đây thì những hình ảnh tạo nhiều cảm xúc của các anh nhân viên điện lực bất kể ngày đêm, nắng nóng và nhất là trời mưa gió, bão bùng rất nguy hiểm, nhưng vẫn sẵn sàng có trách nhiệm, bổn phận làm tròn công việc, treo mình trên các cột điện thế cao vời vợi để sửa chữa điện, đem lại ánh sáng cấp bách cho người dân.
Đó là tất cả những điều quan trọng để thực hiện tính “phòng điện hơn chữa điện” mà bạn bè họ hay cảnh báo, nhắc nhở tôi “an toàn điện là trên hết”. Luôn mang giày cao su, giày bata, đứng trên ghế gỗ, vật cách điện, đeo găng tay cao su, giày ống mủ, đội mũ bảo hiểm khi sửa chữa điện trong nhà. Điều cần nhớ nhất đó là phải ngắt cầu dao chính của dòng điện trước khi sửa chữa điện trong nhà.

Việc kiểm tra thường xuyên hệ thống điện cũng là cách để tránh tiêu hao và sử dụng luôn được an toàn
Ảnh: Thanh Thiện
Cuối cùng, những vật dẫn điện như: nước, sắt , nhôm, đồng, thau, tôn và vật dễ gây cháy nổ như giấy, gas, xăng dầu, cây gỗ, cao su, nhựa mũ… nên để xa các thiết bị điện, ổ cắm điện và dòng điện. Máy bơm nước, quạt máy không để thấm nước, để đề phòng máy bị rò rỉ dòng điện gây điện giật thương tổn, hoặc thiệt mạng đáng tiếc.
Ngoài ra, nhà ai có thói quen thắp nhang ở bàn thờ, thì lưu ý khi đi vắng đừng đốt nhang vì tàn nhang rơi rớt gặp vải, giấy sẽ gây tia lửa chạm vào dòng điện dễ gây nên cháy nổ, hỏa hoạn, rất nguy hiểm.
130 triệu đồng và quà tặng đang chờ chủ nhân
Tiếp nối thành công của 2 mùa thi trước, năm nay cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 3 có chủ đề An toàn – Tiết kiệm kinh nghiệm sẻ chia – hướng tới việc sử dụng điện an toàn, chia sẻ để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và đặc biệt là ngăn ngừa và phòng chống cháy nổ.
Quý độc giả có thể gửi bài dự thi qua email của chương trình: [email protected], hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn gửi bài dự thi từ ngày 22.4 – 22.7.2025. Xem chi tiết Thể lệ cuộc thi tại đây.
