Chồng lấn địa giới, hơn 1.000 người dân ‘kẹt’ giữa Kon Tum và Quảng Nam

Chồng lấn địa giới, hơn 1.000 người dân ‘kẹt’ giữa Kon Tum và Quảng Nam

bởi

trong

Làng “mắc kẹt”

Xã Đăk Nên (H.Kon Plông, Kon Tum) nằm cách trung tâm tỉnh lỵ hơn 120 km. Từ trung tâm xã, phải tiếp tục vượt thêm 20 km đường đất xuyên rừng mới đến được khu vực giáp ranh với xã Trà Vinh (H.Nam Trà My, Quảng Nam), nơi đang xảy ra chồng lấn địa giới hành chính giữa hai tỉnh.

Chồng lấn địa giới, hơn 1.000 người dân ‘kẹt’ giữa Kon Tum và Quảng Nam

Vùng giáp ranh hai tỉnh Kon Tum – Quảng Nam có một ngôi làng với hơn 1.000 đang “mắc kẹt”

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Ông Nguyễn Xuân Bốn (67 tuổi, dân tộc Ca Dong) là một trong hàng trăm người dân đã sinh sống ổn định tại khu vực này hơn 20 năm qua. Gia đình ông canh tác trên đất thuộc quản lý của xã Đăk Nên (H.Kon Plông, Kon Tum), nhưng hộ khẩu lại đăng ký tại thôn 3, xã Trà Vinh (H.Nam Trà My, Quảng Nam). Chính sự chồng lấn địa giới khiến ông không thể làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được vay vốn ngân hàng, cũng không thể chuyển nhượng đất đai hợp pháp.

Không chỉ thiếu giấy tờ, cuộc sống người dân nơi đây còn thiếu thốn đủ bề: không đường, không điện, không trường học, không trạm y tế. Trẻ em từ lớp 3 trở đi phải gửi xuống xã Trà Vinh để học, có khi cả tháng mới được về nhà. Người ốm đau phải khiêng võng băng rừng vượt suối để đi cấp cứu.

Ông Hồ Văn Vân (45 tuổi, dân tộc Ca Dong) sống tại khu vực giáp ranh từ nhỏ. Đến nay, gia đình ông vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, phải dùng tua-bin nước tự chế. Việc sản xuất nông nghiệp cũng gặp khó khăn vì đường sá xuống cấp. Dù có vài sào đất trồng quế, mì cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng mỗi năm, nhưng chi phí vận chuyển cao khiến việc buôn bán thua lỗ.

Đường đến trường của con ông cũng đầy trắc trở. Học từ lớp 3 đến lớp 9, các con phải xuống Trà Vinh cách nhà hơn 10 km. Lên cấp 3 thì đi xa hơn xuống tận trung tâm H.Nam Trà My. Cũng bởi vậy mà con đầu của ông Vân chỉ học hết lớp 9 rồi nghỉ.

Dù vậy, ông Vân vẫn mong được tiếp tục là cư dân Quảng Nam như tổ tiên. “Từ đây đi Trà My gần hơn Kon Plông rất nhiều. Phong tục, tập quán cũng quen thuộc hơn. Chúng tôi chỉ mong sớm được ổn định cuộc sống”, ông Vân nói.

Chồng lấn địa giới, hơn 1.000 người dân kẹt giữa Kon Tum và Quảng Nam - Ảnh 2.

Ông Hồ Văn Vân (trái) trao đổi với PV Thanh Niên

ẢNH: THIÊN ÂN

Tương tự, ông Hồ Văn Cường (44 tuổi) cũng không thể làm sổ đỏ trên mảnh đất mà gia đình đã khai hoang, canh tác hơn 20 năm. Không có tài sản đảm bảo, ông không thể vay vốn để mở rộng sản xuất.

“Chúng tôi lên đây theo cha mẹ, sống bám vào rẫy quế, rẫy mì từ nhỏ. Giờ đất không có giấy tờ, đời sống cứ mãi loanh quanh”, ông Cường chia sẻ.

Người Quảng Nam sống trên đất Kon Tum

Theo ông Phạm Thanh Nam, Chủ tịch UBND xã Đăk Nên, khu vực chồng lấn địa giới giữa hai tỉnh hiện có hơn 1.000 người dân sinh sống. Đất thuộc quyền quản lý của Kon Tum, nhưng dân cư lại có hộ khẩu ở Quảng Nam.

Lần gần nhất Bộ Nội vụ đến khảo sát, người dân chia thành 2 luồng ý kiến. Một số hộ thì muốn về với Kon Tum, số còn lại thì vẫn muốn được làm người Quảng Nam.

“Đất đai thì do xã Đăk Nên quản lý nhưng về con người thì do xã Trà Vinh quản lý. Theo số liệu mới nhất, có khoảng 364 hộ sinh sống ở khu vực chồng lấn địa giới và có thể hơn. Số người dân này canh tác trên khoảng 380 ha đất của xã Đăk Nên”, ông Nam nói.

Chồng lấn địa giới, hơn 1.000 người dân kẹt giữa Kon Tum và Quảng Nam - Ảnh 3.

Vì nằm trong vùng chồng lấn địa giới, cơ sở hạ tầng tại khu vực này vẫn chưa được đầu tư đúng mức

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Chính sự chồng lấn địa giới này khiến hai địa phương không thể triển khai các chương trình đầu tư hạ tầng tại khu vực này. “Nếu Kon Tum đầu tư thì không phù hợp vì người dân không thuộc hộ khẩu tỉnh. Còn Quảng Nam cũng không thể rót vốn vì đất lại thuộc về Kon Tum”, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, nói

Theo ông Tuấn, tình trạng này chủ yếu do xâm canh kéo dài từ trước. Khi khu vực còn hẻo lánh, giao thông khó khăn, chính quyền địa phương thiếu kiểm tra, giám sát, dẫn đến người dân từ Quảng Nam sang khai hoang, định cư trên đất Kon Tum mà không có quy hoạch cụ thể.

Bộ Nội vụ vào cuộc

Ngày 26.4, Bộ Nội vụ có văn bản gửi UBND hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đề nghị phối hợp giải quyết dứt điểm vấn đề chồng lấn địa giới hành chính tại khu vực giáp ranh giữa xã Trà Vinh và xã Đăk Nên.

Theo văn bản này, đường địa giới hành chính đã được xác định rõ trong bản đồ lập theo Chỉ thị 364-CT ngày 6.11.1991 của Hội đồng Bộ trưởng. Các địa phương được yêu cầu phối hợp hoàn thiện hồ sơ, bản đồ địa giới các cấp, bảo đảm thống nhất với hồ sơ gốc, có xác nhận pháp lý.

Bộ Nội vụ cũng đề nghị hai tỉnh phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chồng lấn địa giới, hơn 1.000 người dân kẹt giữa Kon Tum và Quảng Nam - Ảnh 4.

Vì vướng chồng lấn địa giới hành chính nên cả hai tỉnh đều chưa thể đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực này

ẢNH: ĐỨC NHẬT

Trong đề án sắp xếp địa giới hành chính trình ngày 29.4, tỉnh Kon Tum đề xuất hai phương án: một là chuyển 1.034 nhân khẩu khu vực chồng lấn này về TP.Đà Nẵng (tỉnh Quảng Nam sáp nhập vào TP.Đà Nẵng); hai là chuyển số người dân này về nhập khẩu tại tỉnh Quảng Ngãi (tỉnh Kon Tum nhập vào tỉnh Quảng Ngãi).

“Bộ Nội vụ đã có ý kiến giữ nguyên địa giới theo Chỉ thị 364-CT, thì phương án khả thi nhất là chuyển toàn bộ dân về Kon Tum. Tỉnh sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân ổn định cuộc sống”, ông Lê Ngọc Tuấn nói.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh sẽ chỉ đạo tổ chức ký pháp lý theo chỉ đạo của Chính phủ theo chỉ thị 364; đồng thời chỉ đạo UBND H.Nam Trà My lấy ý kiến người dân thôn 3, xã Trà Vinh theo 2 phương án. 

Phương án 1 ở lại định cư tại chỗ và chính quyền các địa phương có trách nhiệm chuyển hộ khẩu về xã Đăk Nên. 

Phương án 2, theo đề nghị của UBND tỉnh Kon Tum, nếu H.Nam Trà My bố trí được khu tái định cư thì chuyển toàn bộ số dân về xã Trà Vinh.