Tại sao U.23 Việt Nam không gặp Thái Lan và Indonesia?
Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã chính thức công bố kế hoạch tổ chức lễ bốc thăm chia bảng vòng loại giải U.23 châu Á 2026. Theo đó, lễ bốc thăm sẽ diễn ra vào chiều 29.5, tại trụ sở AFC ở Kuala Lumpur. Tại giải đấu này, U.23 Việt Nam được xếp vào nhóm hạt giống thứ 1.
Tại vòng loại giải U.23 châu Á 2026, bóng đá Đông Nam Á có Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Myanmar, Singapore, Lào, Timor Leste, Philippines và Brunei. Theo đó, U.23 Việt Nam chắc chắn sẽ không nằm cùng bảng với các đội bóng nhiều duyên nợ cùng khu vực như U.23 Thái Lan và U.23 Indonesia. Với U.23 Thái Lan, đội bóng xứ sở chùa vàng nằm cùng nhóm hạt giống số 1 như U.23 Việt Nam. Trong khi đó, Indonesia nằm trong số nước chủ nhà tổ chức bảng đấu, tương tự Việt Nam cũng là đơn vị đăng cai.

U.23 Việt Nam được đánh giá sáng cửa giành vé dự VCK U.23 châu Á 2026
ẢNH: MINH TÚ
11 quốc gia đăng cai bảng đấu vòng loại giải U.23 châu Á 2026 gồm: Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Jordan, Kyrgyzstan, Myanmar, Qatar, Tajikistan, Thái Lan, UAE và Việt Nam. Theo nguyên tắc bốc thăm: các đội được chia vào 4 nhóm hạt giống dựa trên hệ thống tính điểm do AFC phê duyệt. Ngoài ra, 11 quốc gia đăng cai bảng đấu được đưa vào một nhóm riêng và được bốc thăm trước để đảm bảo mỗi chủ nhà nằm ở một bảng khác nhau. Các đội chủ nhà sẽ được phân vào các vị trí trong bảng tương ứng với nhóm hạt giống của họ.
Có trường hợp hy hữu thú vị xảy ra, đó là bảng đấu với sự xuất hiện của 4 đội bóng thuộc khu vực Đông Nam Á. Xét theo nguyên tắc bốc thăm, một bảng đấu như nói trên nếu xuất hiện sẽ có: Việt Nam, Malaysia, Lào/Timor Leste/Philippines, Brunei; hoặc Thái Lan, Malaysia, Lào/Timor Leste/Philippines, Brunei.
U.23 Việt Nam có lợi thế
Vòng loại giải U.23 châu Á 2026 có sự tham gia của 44 đội tuyển, được chia đều vào 11 bảng đấu, mỗi bảng gồm 4 đội. Các trận đấu sẽ diễn ra theo thể thức vòng tròn một lượt tại mỗi địa điểm đăng cai, từ ngày 1.9 đến 9.9. Tại vòng loại giải này, U.23 Việt Nam sẽ được chơi trên sân nhà, đồng thời nằm ở nhóm hạt giống số 1. Nhóm hạt giống số 1 còn có Uzbekistan, Nhật Bản, Iraq, Hàn Quốc, Việt Nam, Úc, Qatar, Thái Lan, Jordan, Tajikistan, UAE.
Có thể thấy, U.23 Việt Nam đang nắm trong tay 2 yếu tố rất thuận lợi. Đầu tiên, việc được thi đấu trên sân nhà với sự cổ vũ của đông đảo người hâm mộ Việt Nam là lợi thế lớn về mặt tinh thần cho thầy trò HLV Kim Sang-sik. Với các đội bóng cấp độ trẻ, tâm lý luôn đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến màn thể hiện của cầu thủ trên sân cỏ. Thứ hai, việc nằm ở nhóm hạt giống số 1 cũng khiến cho cơ hội giành vé vào chung kết U.23 châu Á 2026 của U.23 Việt Nam tăng lên. Bởi, Khuất Văn Khang và các đồng đội chắc chắn sẽ tránh được các đối thủ đáng gờm nhất ở khu vực châu Á vì cùng nằm ở nhóm hạt giống số 1, trong đó nổi bật là Nhật Bản, Hàn Quốc, Uzbekistan, Iraq…
Để chuẩn bị cho vòng loại U.23 châu Á 2026, U.23 Việt Nam sẽ tiếp tục được VFF tạo điều kiện tập trung, tập huấn cùng thời điểm tập trung các đợt FIFA Days của đội tuyển quốc gia. Đợt FIFA Days tiếp theo trong năm 2025 diễn ra vào đầu tháng 6.
Danh sách 4 nhóm hạt giống (theo thứ tự xếp hạng)
Nhóm 1: Uzbekistan, Nhật Bản, Iraq, Hàn Quốc, Việt Nam, Úc, Qatar, Thái Lan, Jordan, Tajikistan, UAE
Nhóm 2: Indonesia, Kuwait, Iran, Turmenistan, Malaysia, Trung Quốc, Bahrain, Palestine, Syria, Yemen, Campuchia
Nhóm 3: Myanmar, Oman, Singapore, Kyrgyzstan, Ấn Độ, Li Băng, Lào, Timor Leste, Đài Loan, Philippines, Hồng Kông
Nhóm 4: Afghanistan, Bangladesh, Mông Cổ, Guam, Pakistan, Macau, Nepal, Brunei, Bhutan, Quần đảo Bắc Mariana