
Tôi chia sẻ câu chuyện của mình với các bạn đang có ý định ra nước ngoài kiếm việc làm.
Trên VnExpress đã có nhiều bài viết về chuyệnlao động. Cá nhân tôi không dám khẳng định nên hay không nên, vì tùy hoàn cảnh riêng mà mỗi người sẽ có lựa chọn phù hợp nhất cho mình. Lúc ở Việt Nam, dù tốt nghiệp đại học có tiếng, làm ngành Y, nhưng tôi sớm nhận ra không phải vị trí nào cũng đem lại cho mình tiền tài, danh vọng. Tôi chăm chỉ, học khá nhưng do xuất thân nghèo khó, gia đình ít học, bản thân chỉ hiền lành chứ không lanh lợi, nên khi đi làm thu nhập cũng chỉ đủ sống. Sau nhiều năm, tôi vẫn ở trọ, đi xe máy cũ. Đi làm, tôi luôn sợ từ sếp, y tá, đến bệnh nhân, cố tránh va chạm tối đa.
Trong gia đình, tôi cũng chỉ là một người làm công ăn lương bình thường như mọi người con khác, không được coi trọng hơn chút nào. Là phụ nữ nên tiếng nói trong cả gia đình lẫn xã hội của tôi đều có phần hạn chế. Tôi không được mấy tài sản thừa kế vì hầu như chúng đều thuộc về con trai. Vì thu nhập trung bình, tôi phải mua thực phẩm ở chợ cóc, mặc đồ cũ, con học trường công, trung tâm ngoại ngữ bình dân, không được đi học ngoại khóa…
>>
Tiền lương của tôi chỉ vừa đủ để chi tiêu cơ bản, hầu như không tích lũy được bao, bất động sản không có, cũng chưa dám vay ngân hàng khoản lớn để mua nhà riêng vì sợ thu nhập không đủ trả nếu mất việc.
Về công việc, không có mối quan hệ tốt nên tôi rất khó được thăng tiến. Chuyện nhà cửa tôi cũng không biết bao giờ mình mới mua được? Tất cả những điều ấy khiến tôi nung nấu một ý định: ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội.
Nghĩ là làm, tôi di cư sang châu Âu theo diện du học và ở lại đây để định cư lâu dài. Tại đất nước mới, tôi có công việc đúng chuyên môn, lương cơ bản sau thuế hơn 3.000 euro. Cộng thêm thu nhập của chồng, mỗi tháng chúng tôi kiếm được khoảng 6.000 – 8.000 euro. Mức thu nhập này đủ để gia đình tôi thuê trọ, sinh thêm con, và đều đặn tiết kiệm được 2.000 – 3.000 euro mỗi tháng. Sau vài năm, chúng tôi mua được nhà nhờ vay 90% từ ngân hàng với lãi suất không quá cao.
Cũng như phần lớn người dân ở đây, tôi sử dụng ôtô cũ, đi mua sắm ở siêu thị, con tôi được học trường công, một năm cả nhà đi du lịch nước ngoài đôi lần. Nếu muốn nhảy việc, tôi cũng không thấy sợ, vì càng làm có kinh nghiệm càng dễ xin việc, không lo thất nghiệp ở tuổi trung niên.
>>
Tôi có người bạn làm công nhân ở đây mà vẫn mua được nhà và xe hơi. Thu nhập của công nhân bên này cũng rất cao, nên tôi không lo chuyện con học kém, không thể vào đại học. Tôi để con tự học theo khả năng, làm điều con thích. Một số người sang Mỹ hay những nước nói tiếng Anh có thể thấy cuộc sống cạnh tranh hơn và y tế không được miễn phí nên cuộc sống khó khăn hơn. Còn tôi hiện tại đang rất thoải mái với cuộc sống mới của mình.
Tôi đồng ý rằng phần hòa nhập vào xã hội nước ngoài có thể là một hạn chế với người Việt. Dù có tiếng Anh và tiếng bản xứ tốt, tôi vẫn khó khăn để hòa nhập hoàn toàn vào xã hội sở tại. Nhưng với tôi, điều đó cũng không quá quan trọng. Ít nhất, tôi vẫn có một số bạn bè và đồng nghiệp tốt.
Nếu có ý định thử sức ở trời Tây giống tôi, các bạn hãy chuẩn bị thật kỹ về mặt tâm lý, sẵn sàng đối mặt với những thách thức ban đầu. Với những ai có đủ sự quyết tâm và kiến thức, chắc chắn sẽ luôn có một cơ hội chờ bạn nắm lấy.
- 4 lý do khiến tôi du học loại giỏi nhưng ngại về nước
- 10 năm chi tiền cho con du học vẫn không thể định cư ở Mỹ
- Những khó khăn khi định cư tại Mỹ
- Tôi không hối tiếc vì hủy quyết định ra nước ngoài định cư
- Từ chối lương 2.000 USD một tháng sau khi du học về nước
- Đắn đo về nước sau du học vì sợ cảnh luồn cúi