Nhà tù khét tiếng một thời của Mỹ mà ông Trump muốn mở lại

Nhà tù khét tiếng một thời của Mỹ mà ông Trump muốn mở lại

bởi

trong

Nhà tù trên đảo Alcatraz từng nổi tiếng là nơi giam các tù nhân khét tiếng ở Mỹ và giờ ông Trump muốn mở lại sau 60 năm đóng cửa.

Trong gần một thế kỷ qua, đảo Alcatraz luôn xuất hiện trong tâm trí người Mỹ như là nơi có một nhà tù an ninh nghiêm ngặt với đầy những tên tội phạm khét tiếng. Ở đó, việc vượt ngục gần như là điều không thể.

Nhà tù như một pháo đài này nằm trên hòn đảo nhỏ ở San Francisco, bang California và có biệt danh là “The Rock”. Đây là nhà tù liên bang từ năm 1934 và từng giam nhiều tội phạm nguy hiểm ở Mỹ như George Kelly “Súng máy”, kẻ buôn lậu, cướp ngân hàng và bắt cóc, hay Al Capone, trùm mafia khét tiếng khiến bao người khiếp sợ.

Nhà tù biệt lập trên đảo này đóng cửa năm 1963 sau 29 năm hoạt động. Tuy nhiên, Alcatraz lần nữa trở thành tâm điểm chú ý sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/5 cho biết đã ra lệnh xây dựng lại và mở rộng nhà tù này để giam giữ những tội phạm “tàn nhẫn và bạo lực nhất” đất nước.

“Khi là một quốc gia nghiêm khắc hơn so với bây giờ, chúng ta đã không ngần ngại nhốt những tên tội phạm nguy hiểm nhất và giữ họ tránh xa bất kỳ ai mà họ có thể làm hại”, ông Trump viết trên mạng xã hội.





Nhà tù khét tiếng một thời của Mỹ mà ông Trump muốn mở lại

Nhà tù Alcatraz trên đảo cùng tên ở bang California, Mỹ. Ảnh: AFP

Trong suốt 29 năm hoạt động trước đây, Alcatraz nổi tiếng là nơi dừng chân cuối cùng cho các tù nhân không thể kiểm soát tại những cơ sở giam giữ khác, theo Cục Nhà tù Liên bang Mỹ (BOP). Cơ sở này thường giam trung bình 260-275 tù nhân, ít hơn 1% so với các nhà tù liên bang thời điểm đó.

Điều khiến Alcatraz trở nên độc đáo là những quy định nghiêm ngặt của nó. Các tù nhân chỉ được hưởng 4 quyền cơ bản gồm thực phẩm, quần áo, chỗ ở và chăm sóc y tế. Mọi quyền khác như được gia đình tới thăm hay tới thư viện chỉ được xem xét nếu tù nhân có hành vi cải tạo tốt.

Cơ sở giam giữ này được thiết lập nhằm giáo huấn nghiêm khắc các tù nhân và họ thường phải ở lại 5 năm trước khi được đưa tới các cơ sở khác, theo BOP. Vị trí biệt lập của nhà tù cũng khiến phạm nhân gần như không thể trốn thoát. Trong lịch sử hoạt động, 36 tù nhân từng tìm cách trốn khỏi nhà tù nhưng hầu hết bị bắt lại, thiệt mạng hoặc chết đuối trên biển.

Năm 1962, ba tù nhân gồm Frank Morris cùng hai anh em John và Clarence Anglin đã tìm cách trốn khỏi Alcatraz. Họ sau đó được thông báo là “mất tích và chết đuối”, nhưng không tìm thấy thi thể.

Năm 2018, xuất hiện một lá thư gửi cho cảnh sát San Francisco từ năm 2013 với người viết tự nhận là John Anglin. Người này cho hay bản thân là người duy nhất sống sót sau nỗ lực vượt ngục với hai người khác vào tháng 6/1962. Một đại diện cảnh sát Mỹ khi đó nói rằng bức thư không đáng tin cậy.

Trái ngược với suy đoán của nhiều người về mối đe dọa từ cá mập xung quanh nhà tù Alcatraz, BOP nói rằng vùng Vịnh San Francisco không có cá mập ăn thịt người. Thay vào đó, thách thức thực sự với những người vượt ngục là nhiệt độ lạnh giá ở vùng biển này, dao động từ 10 đến 12 độ C. Bên cạnh đó, dòng hải lưu mạnh và khoảng cách tới bờ dài 2 km khiến mọi nỗ lực vượt biển để đào thoát trở nên vô vọng.

Trước khi trở thành nhà tù liên bang, đảo Alcatraz từng là căn cứ quân sự. Tổng thống thứ 13 của Mỹ Millard Fillmore năm 1850 nhắm tới hòn đảo như địa điểm lý tưởng cho cơ sở quân sự ở Bờ Tây. Được bố trí hơn 100 khẩu đại bác, Alcatraz đã trở thành một phần trong “tam giác phòng thủ”, cùng với Fort Point ở phía nam và Lime Point ở phía bắc, theo BOP.

Bốn năm sau, Alcatraz trở thành nơi có ngọn hải đăng đầu tiên hoạt động ở Bờ Tây, giúp củng cố vai trò trạm quan sát quan trọng cho khu vực Vịnh San Francisco.

Alcatraz sau đó được dùng làm nơi kỷ luật những binh sĩ vi phạm trong quân đội, trước khi trở thành nhà tù giam những người Mỹ bản địa. Trong những năm 1890, 19 thành viên của bộ lạc Hopi từng được đưa tới Alcatraz sau khi chống lại chương trình đồng hóa của chính phủ liên bang.

Khi Thế chiến I bắt đầu, những người phản đối chiến tranh như Robert Simmons đã bị giam ở Alcatraz. Simons đến cơ sở này vào năm 1918 và bị giam trong “ngục tù tối đen với những bức tường nhày nhụa và chuột”.

Tới những năm 1930, nhà tù được mở rộng thành điểm giam giữ những tên tội phạm có hành vi giết hoặc làm bị thương tù nhân, lính canh ở các trại giam khác.





Vị trí Alcatraz. Đồ họa: WP

Vị trí Alcatraz. Đồ họa: WP

Alcatraz ngừng hoạt động năm 1963 khi đối mặt chi phí vận hành quá lớn. Cơ sở này cần tới 3-5 triệu USD để trùng tu, trong khi chi phí hoạt động hàng ngày cao hơn ba lần so với một nhà tù tương tự ở Atlanta. Do vị trí biệt lập trên đảo, các nhu yếu phẩm như thực phẩm, nhiên liệu hay nước uống đều phải vận chuyển từ đất liền bằng sà lan mỗi tuần.

Đảo Alcatraz bị bỏ hoang sau khi nhà tù đóng cửa. Tuy nhiên, đến năm 1969, các thành viên một số bộ lạc bản địa chiếm đóng hòn đảo trong 19 tháng, nhằm tìm cách gây áp lực buộc Tổng thống Richard M. Nixon bãi bỏ các chính sách liên bang mang tên “chấm dứt và di dời”.

Sau khi cuộc chiếm đóng kết thúc năm 1971, hòn đảo và nhà tù được chuyển giao cho Khu giải trí quốc gia Cổng Vàng thuộc Cục Công viên Quốc gia Mỹ năm 1972. Alcatraz mở cửa trở lại như điểm du lịch hút khách một năm sau đó. Cục Công viên Quốc gia Mỹ cho biết đảo Alcatraz đón khoảng 1,2 triệu lượt khách mỗi năm, với các tour tham quan nhà tù cũ để nâng cao nhận thức về tội phạm, trừng phạt và công lý.

Niềm đam mê của công chúng với Alcatraz đã thúc đẩy nhiều nhà làm phim và viết sách khai thác câu chuyện liên quan tới hòn đảo và nhà tù. Phim Trốn khỏi Alcatraz năm 1979 đã tái hiện nỗ lực vượt ngục năm 1962, trong đó diễn viên Clint Eastwood đóng vai kẻ cầm đầu Frank Morris.

Phim này được chiếu lại trên truyền hình ở Nam Florida hôm 3/5, khi Tổng thống Trump đang nghỉ dưỡng trong dinh thự Mar-a-Lago của ông tại khu vực này. Một ngày sau, ông Trump công bố quyết định mở lại Alcatraz.

“Tôi đoán tôi được coi là nhà làm phim. Quyết định này đại diện cho điều gì đó rất quyết liệt, rất quyền lực về mặt luật pháp và trật tự”, ông Trump nói với phóng viên tại Phòng Bầu dục. “Không ai có thể trốn thoát khỏi nhà tù này. Một người gần như đã làm được, nhưng rồi người ta phát hiện quần áo anh ta rách bươm, trên người có nhiều vết cá mập cắn”.

Thùy Lâm (Theo Washington Post, ABC News)