Ngày 6/5, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Viện Nhà nước và Pháp luật (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cùng Phân hiệu Học viện Hành chính và Quản trị công tại TPHCM tổ chức tọa đàm “Tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn Việt Nam và những kiến giải nhằm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hiện nay”.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại đầu cầu TPHCM và Hà Nội đã cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở nhiều quốc gia. Các khách mời cũng xem xét ưu điểm, hạn chế để đưa ra những góp ý phù hợp cho chủ trương thực hiện chính quyền địa phương hai cấp ở Việt Nam.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: H.Q.).
PGS.TS Huỳnh Văn Thới, nguyên quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính và Quản trị công tại TPHCM, cho rằng trước thời điểm thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, mô hình của nước ta vẫn cơ bản vận hành theo Hiến pháp năm 1980. Cấp chính quyền địa phương cũng giống như cấp Trung ương thu nhỏ, lấy lãnh thổ là cơ sở duy nhất thiết lập cơ quan hành chính.
PGS.TS Huỳnh Văn Thới cho rằng việc bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện), sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh là yêu cầu tất yếu trong thời điểm này, đây cũng là xu thế được nhiều quốc gia trên thế giới nhận diện. Đi cùng với cải cách bộ máy, vấn đề phân cấp, phân quyền cần được nhận thức đầy đủ và hoàn thiện hơn.
“Hai quan điểm cần tránh khi tiến hành phân cấp, phân quyền là sợ chính quyền địa phương không đủ sức thực hiện và thực hiện tràn lan, đại trà mà không định liệu khả năng, điều kiện thực hiện”, PGS.TS Huỳnh Văn Thới nêu rõ.
GS.TS Võ Khánh Vinh, nguyên Phó chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, nêu quan điểm, việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính là chủ trương được thống nhất từ Nghị quyết 18 năm 2017 và Nghị quyết 27 năm 2022. Vừa qua, các cơ quan đã thực hiện việc sắp xếp ở cấp quản trị quốc gia, sắp xếp các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
“Cần khẳng định lại, chúng ta đang thực hiện cuộc cách mạng đổi mới tư duy về quản trị địa phương. Việc không tổ chức cấp huyện là vấn đề lớn, tư duy và hành động của chúng ta cần thay đổi để thực hiện”, GS.TS Võ Khánh Vinh nhấn mạnh.

PGS.TS Huỳnh Văn Thới chia sẻ ý kiến tại buổi làm việc (Ảnh: H.Q.).
Vị chuyên gia cho rằng, giai đoạn sắp tới, cấu trúc bộ máy chính quyền các cấp có nhiều sự thay đổi. Điều đó dẫn tới cấu trúc quyền lực ở địa phương thay đổi, đòi hỏi vấn đề kiểm soát quyền lực cần được đặc biệt chú trọng.
Tại tọa đàm, TS Phí Vĩnh Tường, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, nhấn mạnh về tầm quan trọng của con người và nguồn lực trong quá trình sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính. Vị chuyên gia dẫn chứng, cách đây khoảng 10 năm, TPHCM từng nêu phương án được chủ động quản lý về con người hoặc ngân sách thay vì Trung ương quản lý toàn bộ, để địa phương có dư địa phát triển, nâng cao chất lượng phục vụ người dân.
Mặt khác, Nhà nước cần phải có giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu người dân khi giảm bộ máy chính quyền, khối lượng công việc tăng. Về ngân sách, cấp xã cần được bố trí ngân sách nhằm đáp ứng dịch vụ công và nhu cầu người dân.
“Tôi cho rằng, chúng ta cần thảo luận và nghiên cứu vấn đề giao trách nhiệm trong quá trình chuyển tiếp. Cụ thể là việc theo dõi các dự án đầu tư công, xây dựng hạ tầng và các vấn đề khác để tránh lãng phí, tham ô và công trình kém chất lượng”, vị chuyên gia bày tỏ.
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ, cho biết việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là yêu cầu khách quan từ quá trình đổi mới và phát triển đất nước. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để xây dựng Nhà nước kiến tạo, phục vụ người dân, phù hợp xu thế phát triển hiện đại và hội nhập quốc tế.
Việc giảm cấp chính quyền phải đi kèm với cải cách thể chế, phân quyền rõ ràng, ứng dụng công nghệ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cho rằng, các cơ quan cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, làm rõ chức năng giữa cấp tỉnh và cấp xã trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tăng cường chuyển đổi số, hiện đại hóa nền hành chính.