
Tôi đề xuất chia đều 12.000 m2 đất thừa kế làm ba phần, nhưng hai đứa em nhảy dựng lên.
Đọc bài “”, tôi cảm thấy buồn cho những bậc sinh thành khi chứng kiến cảnh con cái bất hòa vì chuyện tranh giành tài sản. Tôi cũng là một người có may mắn được thừa kế tài sản từ bố mẹ đã mất. Bố mẹ tôi có ba người con trai. Tôi là anh cả trong gia đình.
Với quan điểm của người xưa “Tam nam bất phú”, ngày tôi thi tốt nghiệp lớp 9 xong, chưa cần biết kết quả như thế nào, tôi lao về nhà xếp vài bộ đồ vào cái bịch nilon và xin phép bố cho mình được đi Sài Gòn. Suy nghĩ hồi lâu, bố tôi cũng gật đầu đồng ý. Hai bố con nhìn nhau không nói lời nào, nhưng tôi thấy trong ánh mắt của ông gần như nước mắt chỉ chờ trào ra nhưng không bao giờ chảy ra được. Kể từ đó, tôi lên Sài Gòn vừa học vừa làm với muôn vàn khó khăn khi một thân một mình lo đủ thứ để trụ lại được thành phố phồn vinh bậc nhất nước.
Và rồi, thời gian cứ thế trôi qua, tôi học xong, đi làm, dành dụm được tiền, cưới vợ và mua được một căn nhà nho nhỏ tại Nhà Bè. Trong thời gian đi làm, mỗi tháng tôi đều gửi về cho gia đình một ít tiền để phụ bố mẹ lo cho hai đứa em ăn học. Càng lớn, anh em tôi càng ít trò chuyện, nhưng rất hiểu và thương nhau. Khi chúng lập gia đình và có con, tất cả con trai, con dâu và cháu nội đều sống chung một nhà với nhau.
>>
Bố mẹ tôi có một căn nhà 400 m2 ở Quốc Lộ 20 và 12.000 m2 đất rẫy đang trồng chôm chôm, sầu riêng và vài loại trái cây khác cho vui. Một ngày nọ, bố mẹ kêu đứa em kế tôi xây cái nhà sau lưng căn nhà hiện tại. Bố mẹ cho một ít, tôi cũng ủng hộ một khoản, còn lại vợ chồng em tự bỏ tiền phần còn lại để xây. Thấy nhà đẹp đẽ, khang trang, tôi cũng thấy vui cho em. Nhưng có điều là bố tôi không làm thủ tục tách thửa ra để cho em hẳn phần đất đó. Tức là nhà em xây nhưng miếng đất vẫn đứng tên bố.
Chuyện không có gì đặc biệt, cho đến một ngày năm 2018, em tôi gọi điện lên báo mẹ bệnh nặng, phải chuyển lên Sài Gòn. Kết quả khám sau đó cho biết mẹ bị ung thư phổi giai đoạn 4, đã di căn. Cả nhà tôi ngồi lại, bàn cách chữa trị cho mẹ, nhưng quan trọng là số tiền sẽ rất lớn. Tôi không suy nghĩ nhiều, quyết định bán ngay căn nhà ở Nhà Bè để lo cho mẹ. Còn hai đứa em tôi lo về tinh thần, chăm sóc cho bà tại nhà.
Đến năm 2022 bố tôi bất ngờ qua đời sau một cơn đột quỵ. Một năm sau đến lượt mẹ tôi cũng không qua khỏi. Mọi chi phí lo hậu sự cho cả hai đều do tôi một mình lo hết. Rồi cũng tới lúc ba anh em tôi phải ngồi lại để phân chia số tài sản mà bố mẹ để lại.
Là anh cả, tôi lên tiếng trước, đề xuất phương án: hai căn nhà trên đất ở mặt tiền sẽ giao lại cho hai đứa em, nhà của bố mẹ trước đây sẽ là của cậu út, tiện lo bàn thờ ông bà và ba mẹ. Tôi sẽ làm phòng thờ trên căn nhà đó. Nhiệm vu của em út là chăm lo cho khu thờ luôn sạch sẽ. Còn căn nhà sau là của em kế và tôi sẽ ký cho ra sổ từng đứa. Bản thân tôi không nhận gì. Còn số đất rẫy, tôi sẽ chia làm ba (mỗi phần 4.000 m2) và cho hai đứa em chọn trước khu đất mình muốn.
Nói tới đây, hai đứa em tôi bỗng nhảy dựng lên, nhất quyết không đồng ý. Chúng đòi chỉ chia đất làm hai (mỗi phần 6.000 m2): một phần thuộc về tôi, phần còn lại của hai đứa em và cho chúng chọn phần đất trước. Và thế là ba anh em tôi chia xong phần tài sản thừa kế mà chẳng tốn thời gian tranh giành lẫn nhau, tất cả đều vui với lựa chọn của mình. Còn bà con hàng xóm nhìn vào, ai nấy cũng đều bất ngờ vì họ cứ nghĩ ba đứa con trai chúng tôi sẽ phải “đánh nhau sứt đầu mẻ trán” vì miếng đất thừa kế của cha mẹ.
Thế nên, chia thừa kế thế nào là công bằng tùy thuộc vào hoàn cảnh và suy nghĩ của mỗi nhà, mỗi người. Nếu biết suy nghĩ cho nhau, giảm bớt sự tham lam của mình xuống thì tôi tin chẳng cần phải chia đều sòng phẳng mới là công bằng.
- Bố mẹ khinh tôi vì sợ con gái về đòi phần thừa kế
- Mẹ bảo tôi ‘đừng trông đợi’ vì toàn bộ thừa kế thuộc về em trai
- Em đi tù, anh đi viện vì 1.000 m2 đất thừa kế mẹ chia không đều
- Chia hết thừa kế cho con gái để hai con trai ‘vùng vẫy tứ phương’
- Phận con út bị anh chị giành giật miếng đất từ đường
- ‘Cú lừa’ thừa kế căn nhà của bố mẹ chồng