Căng thẳng leo thang lên mức độ đáng quan ngại vào sáng nay 7.5 khi Ấn Độ tấn công vào những gì New Delhi cho là “trại khủng bố” ở Pakistan, bao gồm cả vùng lãnh thổ tranh chấp Kashmir, theo Reuters. Cuộc tấn công diễn ra sau vụ một nhóm vũ trang theo Hồi giáo ngày 22.4 giết hại 26 người đàn ông, chủ yếu là khách du lịch, ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Phía Pakistan cho biết có ít nhất 8 người thiệt mạng sau vụ tấn công của Ấn Độ và Pakistan cũng nhanh chóng đáp trả. Giao tranh ở ranh giới thực tế đã diễn ra. Phía Pakistan còn thông báo bắn hạ 5 máy bay của không quân Ấn Độ.
Ấn Độ không kích trả đũa vụ thảm sát Kashmir, Pakistan nói bắn rơi 5 máy bay
Trước đó, vụ tấn công vào du khách ở Kashmir ngày 22.4 gây ra làn sóng phẫn nộ tại Ấn Độ. New Delhi đổ lỗi cho Islamabad, trong khi chính phủ Pakistan phủ nhận mọi sự liên quan.
Vùng Kashmir ở dãy Himalaya, có đa số người Hồi giáo, được cả Ấn Độ và Pakistan tuyên bố chủ quyền và là nơi diễn ra nhiều cuộc chiến, nổi loạn và bế tắc ngoại giao. Dưới đây là tổng hợp của Reuters và một số hãng tin lớn về vùng đất này.

Lực lượng an ninh Ấn Độ đứng gác gần hiện trường vụ rơi máy bay chiến đấu ở phía nam vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát ngày 7.5
Ảnh: Reuters
Phân chia
Ngày 15.8.1947, sau hơn 300 năm dưới sự cai trị của Anh, tiểu lục địa Ấn Độ đã giành được độc lập và được chia thành hai quốc gia độc lập: Ấn Độ và Pakistan. Theo đó, vùng Kashmir được cho là trở thành một phần của Pakistan, giống như các khu vực có đa số người Hồi giáo khác.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo khu vực muốn Kashmir vẫn độc lập nhưng phải đối mặt với cuộc tấn công của những người Hồi giáo từ Pakistan, nên đã gia nhập Ấn Độ vào tháng 10.1947 để đổi lấy sự giúp đỡ.
Cuối cùng, khu vực này đã bị chia cắt thành: Ấn Độ kiểm soát thung lũng Kashmir, Ladakh và Jammu; Pakistan kiểm soát Azad Kashmir, hay “Kashmir Tự do”, và các khu vực phía bắc. Ngoài ra, Trung Quốc còn kiểm soát Aksai Chin.

Một khu vực thuộc vùng Kashmir do Pakistan quản lý
Ảnh: Reuters
Kashmir do Ấn Độ quản lý có dân số khoảng 7 triệu người, trong đó gần 70% là người Hồi giáo.
Điều 370
Một điều khoản trong Hiến pháp Ấn Độ là Điều 370 quy định quyền tự chủ một phần cho bang Jammu và Kashmir. Điều này đã được Thủ hiến lúc bấy giờ là Sheikh Abdullah soạn thảo vào năm 1947 và được thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ là ông Jawaharlal Nehru chấp thuận. Dù được coi là tạm thời, Điều 370 đã được đưa vào Hiến pháp Ấn Độ năm 1949.
Chiến tranh và các cuộc đối đầu quân sự
Ấn Độ và Pakistan đã có 3 cuộc chiến kể từ khi giành độc lập, trong đó có 2 cuộc chiến về Kashmir, xảy ra vào năm 1947 và 1965. Cuộc chiến thứ ba vào năm 1971 đã dẫn đến việc thành lập Bangladesh.
Năm 1999, Ấn Độ và Pakistan lại đụng độ ở khu vực Kargil trong vùng Kashmir.
Nổi dậy
Nhiều người Hồi giáo ở Kashmir do Ấn Độ kiểm soát phẫn nộ với những gì họ coi là sự cai trị tàn bạo của Ấn Độ. Năm 1989, một cuộc nổi loạn của những người Hồi giáo đòi ly khai ở Kashmir xảy ra. Ấn Độ đã đưa quân vào khu vực này. Giai đoạn này được cho là có hàng chục ngàn người đã thiệt mạng.
Ấn Độ cáo buộc Pakistan cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các tay súng. Islamabad phủ nhận báo cuộc, nói rằng họ chỉ cung cấp hỗ trợ về mặt tinh thần và ngoại giao.

Du khách bắn bóng bay khi đến thăm Pir Chinasi, một điểm du lịch ở Kashmir do Pakistan quản lý, ngày 4.5
Ảnh: Reuters
Hủy bỏ quy chế đặc biệt
Vào tháng 8.2019, chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hủy bỏ quy chế bán tự trị của vùng Kashmir trong một động thái họ cho là sẽ giúp vùng này hòa nhập tốt hơn với phần còn lại của đất nước. Theo đó, bang Jammu và Kashmir đã được tổ chức lại thành 2 vùng lãnh thổ do chính phủ liên bang quản lý, gồm Jammu – Kashmir, và Ladakh. Pakistan đã phản đối quyết liệt và hạ cấp quan hệ ngoại giao với Ấn Độ.
Ông Modi cho hay quyết định năm 2019 của ông đã mang lại sự bình thường cho vùng Kashmir sau nhiều thập niên đổ máu. Theo giới chức Ấn Độ, tình trạng bạo lực đã giảm bớt trong những năm gần đây, với ít vụ tấn công quy mô lớn hơn và lượng khách du lịch tăng lên. Tuy nhiên, vẫn có thông tin về các vụ giết người nhắm vào dân thường và lực lượng an ninh.
Bầu cử năm 2024
Vào năm 2024, Jammu và Kashmir đã tổ chức cuộc bầu cử địa phương đầu tiên kể từ khi quyền bán tự trị bị hủy bỏ vào năm 2019. Một số nhà lập pháp mới đắc cử đã thúc đẩy việc khôi phục một phần Điều 370. Một số vẫn không hài lòng với cuộc bỏ phiếu, nói rằng những người chiến thắng sẽ không có được bất kỳ quyền lực chính trị thực sự nào.