AFP làm rõ tin đồn dùng quá nhiều axit folic có thể gây ung thư

AFP làm rõ tin đồn dùng quá nhiều axit folic có thể gây ung thư

bởi

trong
AFP làm rõ tin đồn dùng quá nhiều axit folic có thể gây ung thư

Việc tăng cường axit folic là một chương trình y tế công cộng rất quan trọng – Ảnh: FREEPIK

Hãng tin AFP xác nhận các cảnh báo cho rằng cộng đồng nên tránh xa axit folic, và dùng quá nhiều có thể dẫn đến những tác hại bao gồm cả ung thư là thông tin gây hiểu lầm.

Hiểu đúng về vai trò của axit folic

Một bài đăng trên Facebook ngày 27-6 viết: “Một số loại ngũ cốc tăng cường (ngũ cốc tinh chế được bổ sung thêm chất dinh dưỡng – PV) không hề bổ dưỡng hơn. Quá trình chế biến đã loại bỏ các chất dinh dưỡng tự nhiên, sau đó chúng được phun axit folic tổng hợp – một phiên bản nhân tạo của vitamin B9”.

Bài viết còn cho rằng: “Có tới 60% người mang đột biến gene MTHFR khiến họ khó chuyển hóa axit folic, thậm chí không thể. Cơ thể những người này tích trữ axit folic như một chất độc thay vì sử dụng”.

Trên TikTok, một người đàn ông tuyên bố: “Các nghiên cứu cho thấy 90% người tiêu thụ thực phẩm bổ sung hoặc bột mì tăng cường có axit folic chưa chuyển hóa trong cơ thể. Điều này có thể làm suy giảm miễn dịch và liên quan đến một số loại ung thư ở một số người”.

Theo Hãng tin AFP, folate là một loại vitamin B có tự nhiên trong các thực phẩm như rau lá xanh đậm, đậu và trứng. Axit folic là dạng tổng hợp, được bổ sung vào thực phẩm và thực phẩm chức năng, đã được chứng minh là hấp thụ tốt hơn.

Folate cần thiết cho việc tạo DNA và sửa đổi protein, đặc biệt quan trọng trong thai kỳ vì giúp ngăn dị tật ống thần kinh như tật nứt đốt sống (spina bifida).

Dịch vụ Y tế công cộng Mỹ khuyến nghị bổ sung axit folic trước và trong giai đoạn đầu thai kỳ, vì hầu hết dị tật ống thần kinh xảy ra trong bốn tuần đầu.

Trước nguy cơ thiếu hụt folate, một số nước đã yêu cầu bổ sung axit folic vào bánh mì, ngũ cốc và mì ống – biện pháp giúp giảm đáng kể tỉ lệ dị tật ống thần kinh ở Mỹ và Canada kể từ khi áp dụng năm 1998.

“Việc tăng cường axit folic là một chương trình y tế công cộng rất quan trọng”, giáo sư Walter Willett, chuyên gia dịch tễ học và dinh dưỡng tại Trường Y tế công cộng Harvard TH Chan (Mỹ), nhấn mạnh.

Axit folic mang lại nhiều lợi ích

Ngoài thai kỳ, người trưởng thành được khuyến nghị bổ sung 400 microgam folate mỗi ngày. Giáo sư Walter Willett dẫn bằng chứng cho thấy ngoài việc giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh, axit folic còn giúp giảm nguy cơ đột quỵ.

“Trong thời đại có quá nhiều điều đáng lo, thì axit folic bổ sung trong thực phẩm không phải là một trong số đó”, giáo sư Willett chia sẻ với AFP qua email. “Tuy nhiên, bổ sung quá 400 microgam mỗi ngày là không cần thiết, trừ khi có chỉ định y tế. Cái gì quá mức cũng không tốt”.

Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) khuyến nghị mức tối đa hằng ngày của axit folic là 1.000 microgam. Các nghiên cứu cho thấy dùng quá mức này lâu dài có thể làm che giấu tình trạng thiếu hụt vitamin B12.

Liên quan đến biến thể gene, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khẳng định: “Người mang biến thể gene MTHFR vẫn có thể chuyển hóa mọi loại folate, kể cả axit folic”.

Tương tự, Bệnh viện Nhi Đại học North Carolina cho biết các hướng dẫn hiện tại không khuyến nghị xét nghiệm MTHFR. Nguyên nhân là các biến thể gene này phổ biến trong cộng đồng và không gây ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe hay điều trị lâm sàng.

Ở góc độ khác, giáo sư y học Raphael Cuomo (Đại học California, San Diego) nói với AFP rằng có bằng chứng cho thấy bổ sung axit folic có thể giúp phòng ngừa ung thư.

Nếu bổ sung dưới 200 microgam mỗi ngày, nguy cơ ung thư thậm chí có thể tăng. Ông nhấn mạnh: folate rất cần thiết để duy trì hoạt động của tế bào khỏe mạnh.

Một nghiên cứu cũng chỉ ra hấp thụ đủ folate có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú ở người thường xuyên uống rượu.

Một số bài viết khuyên nên tránh axit folic và thay bằng methylfolate – dạng folate hoạt động sinh học. Tuy nhiên, giáo sư Cuomo khẳng định: “Không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ dạng folate cụ thể nào gây ung thư“.

Theo ông, mối lo ngại chủ yếu xuất hiện ở những người từng mắc ung thư hoặc có tổn thương tiền ung thư. Trong các trường hợp dùng liều cao axit folic trong thời gian dài, ông cho biết “rất ít bằng chứng cho thấy nguy cơ tái phát ung thư tăng lên”.

Nhưng nếu nguy cơ có tồn tại, thì khả năng cao là do dùng thực phẩm chức năng thường xuyên, chứ không phải do thực phẩm tăng cường.

Theo Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), thực phẩm bổ sung là sản phẩm dùng qua đường uống, chứa một “thành phần dinh dưỡng” như vitamin, khoáng chất, thảo mộc, axit amin… nhằm bổ sung hoặc hỗ trợ chế độ ăn uống. Chúng cũng có thể ở dạng chiết xuất hoặc tinh chất cô đặc và tồn tại dưới nhiều hình thức như viên nén, viên nang, viên mềm, viên nang gel, chất lỏng hoặc bột.

Còn theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thực phẩm tăng cường là thực phẩm hoặc gia vị được bổ sung thêm một hoặc nhiều loại vitamin và khoáng chất, nhằm nâng cao giá trị dinh dưỡng, bù đắp lượng vi chất hao hụt do chế biến và mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng với rủi ro thấp nhất có thể.