AI có đáng sợ với người viết nhạc?

AI có đáng sợ với người viết nhạc?

bởi

trong

Tôi có người anh hay cà phê trò chuyện. Anh có cậu con trai đang du học âm nhạc ở Mỹ. Trong một lần cà phê sáng, khi bàn về AI với tương lai của âm nhạc, anh kể với tôi anh có hỏi con trai mình rằng: “Tương lai con có sợ mối nguy từ AI không?”. Cậu con trai thản nhiên đáp: “Nếu mà AI viết nhạc hay hơn mình, thì phải xem lại mình á ba! Bởi vì âm nhạc mình không đủ mới, không đủ hay, chỉ là cái cũ kỹ vô hồn mà mình không biết đó thôi. Vì AI chỉ tổng hợp từ dữ liệu khổng lồ đã có. Nó không thể nhận diện cái mà nó chưa bao giờ biết. Cái đó chính là ‘con bài’ của chúng ta!”.

AI có đáng sợ với người viết nhạc?

AI chỉ có thể hỗ trợ rất tốt về kỹ thuật, công nghệ cho sáng tạo âm nhạc

ẢNH: VÕ THIỆN THANH

Tôi hoàn toàn đồng ý với quan điểm của cậu ấy. Thật ra, ngay cả khi AI chưa xuất hiện, ta đã vốn bị giam cầm trong chính lối mòn, thói quen và cái kho kinh nghiệm cũ của ta. Khi AI xuất hiện, nó chỉ là người đảm nhận quá trình truy xuất ấy. Chợt nhớ Osho đã từng nói: “Những nhà phát minh thường là những người không bị giam cầm trong cái kho kinh nghiệm cũ…”.

Và vì thế, tình hình mới đặt ra cho giới viết nhạc và sản xuất âm nhạc là: phải mới mẻ và sáng tạo thật mãnh liệt, nếu không muốn bị thua trong cuộc đua với AI. Mà nói thẳng ra, là ta thua chính kho siêu dữ liệu cũ kỹ của chính ta, chứ không phải AI.

Theo nhận thức cốt lõi của sáng tạo là thế. Và nó như “vũ khí” cuối cùng để chống lại sự “xâm lăng” của AI cho giới viết nhạc. Nếu cũ kỹ, ắt sẽ chết! Nhưng ngay cả khi bạn chưa thể thoát khỏi cái cũ, thì cũng chưa sao! Còn một “thượng phương bảo kiếm” nữa mà AI chưa thể hạ gục bạn: một khi đã thấm đẫm tâm hồn, những nốt nhạc của bạn như chiếc lá thấm đẫm cơn mưa, như khu rừng xào xạc từng cơn gió, như nụ hoa đón ánh mặt trời. Làm sao AI có thể biết chạnh lòng trước một mảnh đời bất hạnh? Biết xao xuyến khi tình yêu vừa đến? Biết xao động với thiên nhiên ngoài kia…? Nó chỉ biết là phải chính xác 100% về kỹ thuật.

AI sẽ hạ gục ta khi…

Có một đồng nghiệp trẻ hoảng hốt gửi cho tôi đường dẫn Facebook, kèm theo lời nhắn:

– Ngày này cũng tới rồi anh ạ! Dịch vụ sáng tác theo yêu cầu, chỉ 500 ngàn đồng một ca khúc. Em nghe là biết AI!

– Em lo gì AI, hãy lo là mình còn cảm hứng với cuộc sống chung quanh mình không? Lo còn cảm xúc không? Vì những cái đó AI chưa thể có được.

– Anh làm em yên tâm phần nào…

– Trừ khi mình ngày càng trở thành một người vô cảm. Lúc đó, AI sẽ hạ gục mình ngay lập tức, vì vô cảm là địa hạt của nó mà!

Tôi nhớ có lần xem một chương trình discovery nói về AI trong chiến tranh tương lai. Người ta công nhận một điều rằng AI có độ chính xác 100% khi tìm và tiêu diệt mục tiêu. Nhưng điều lo ngại là nó không thể phân biệt trẻ em, người già hay tàn tật…! Nó cứ giết tất. Nó làm gì có lương tri! Và như thế đồng nghĩa với tính nhân đạo không thể tồn tại ở công nghệ chiến tranh tương lai.

Rồi trong một chương trình của đài truyền hình DW của Đức, một họa sĩ khi được hỏi rằng hội họa có nguy cơ bị xâm lăng bởi AI không? Người họa sĩ trả lời rất hay, rằng AI hoàn toàn có thể tạo ra một bức tranh với độ hoàn hảo 100%. Nhưng với một họa sĩ, kiểu gì thì bức tranh của anh ấy vẫn có một tỉ lệ không hoàn hảo nào đó. Nhưng chính cái không hoàn hảo đó nó mới là “con người”, cái mà AI không thể có!

Vậy là, chính lương tri cùng sự không hoàn hảo rất “người” của mỗi chúng ta ở mỗi tác phẩm nghệ thuật là lá chắn không thể xuyên thủng trước sự “xâm lăng” của AI trong tương lai. Không ai là hoàn hảo cả! Nhưng sự vị tha cùng tình yêu thương giúp chúng ta chấp nhận kẻ khác và yêu thương họ, điều mà AI chưa thể hiểu được. Đối với nó, phải 100% hoàn hảo.

AI có đáng sợ với người viết nhạc?- Ảnh 2.

Âm nhạc là thế giới của tinh thần. Một tác phẩm hay chỉ có thể xuất phát từ tâm hồn…

ẢNH: VÕ THIỆN THANH

Là con người, bạn không thể nào cầm lòng trước nỗi đau của người khác. Bạn không thể nào dửng dưng khi một tình yêu vừa đến. Và khi bạn yêu một người, bạn sẽ yêu luôn cái không hoàn hảo của người ấy. Cũng như bạn cũng không thể nào là một người hoàn hảo, mà người ấy vẫn yêu bạn đấy thôi!

AI không bay bổng được

Có thể AI mua vui cho bạn bằng vài bài nhạc pop dễ nghe, ngộ nghĩnh hay viết 10 bài hát vô thưởng vô phạt trong một phút quảng cáo nào đó. Và điều tệ hại nữa là nó khiến bạn nghĩ một cách dễ dãi rằng sáng tạo âm nhạc chỉ có thế thôi sao! Nhưng tôi dám chắc những nhãn hàng đẳng cấp thì luôn tìm kiếm người nhạc sĩ tài danh. Vì họ luôn biết điều gì chinh phục khách hàng của họ: cảm xúc và tình yêu chân thật.

Có thể một ngày nào đó một tác phẩm âm nhạc từ AI sẽ khiến thế giới choáng ngợp không anh?

– Có thể lắm! Nhưng anh chắc chắn nó không thể là concerto No.2 cho piano của Rachmaninov. Nó không thể là Main Theme trong Schindler’s List của John Williams. Nó không thể là Fly Me To The Moon của Frank Sinatra, không thể là Besame Mucho,The Girl From Inpanema…, vì âm nhạc đó là sự hòa quyện hoàn hảo giữa học thuật, sự tôi luyện và tâm hồn bay bổng của con người. AI không bay bổng được! Sự bắt chước của máy móc không thể nào chạm tới tâm hồn con người được.

AI có đáng sợ với người viết nhạc?- Ảnh 3.

AI cũng chỉ là phương tiện. Chính con người mới tạo nên sự kỳ diệu của âm nhạc

ẢNH: VÕ THIỆN THANH

Phải thừa nhận lợi ích đáng kinh ngạc của AI trong hầu hết mọi lĩnh vực. Nó giúp cho con người tiết kiệm thời gian, tính hiệu quả và độ chính xác cực cao về mặt kỹ thuật, nhưng chỉ là ở địa hạt vật chất, khoa học và công nghệ. Còn với nghệ thuật, địa hạt của thế giới tinh thần, AI chưa thể nào len vào được. Vì một tác phẩm nghệ thuật, đâu phải chỉ là những nốt nhạc, âm thanh vang lên, những bột màu khung tranh, những ngôn từ thấy được trên trang sách… Mà nó đến từ cõi sâu thẳm trong tâm hồn, cõi phi thời gian, ở đó Thượng đế ở cùng ta, và Ngài luôn luôn mới!

Bởi thế, bạn sẽ luôn luôn mới! Sợ gì AI chứ!