Ai có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?

Ai có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?

bởi

trong

Nam giới từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt, tỷ lệ gia tăng nếu có cha hoặc anh em trai mắc bệnh này.

Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến ở nam giới. Tất cả nam giới đều có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài giới tính nam, có những yếu tố khác góp phần vào nguy cơ này.

Tuổi tác

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt nhiều nhất là tuổi tác. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), khoảng 60% ca ung thư tuyến tiền liệt được chẩn đoán ở nam giới từ 65 tuổi trở lên và ít gặp ở nam giới dưới 40 tuổi. Độ tuổi trung bình khi được chẩn đoán lần đầu là khoảng 67. Người bệnh được chẩn đoán khi càng lớn tuổi, tình trạng càng nặng, đặc biệt là sau 70 tuổi.

Tiền sử gia đình

Đàn ông có người thân mắc ung thư tuyến tiền liệt thì khả năng mắc bệnh cao hơn. Có cha hoặc anh trai mắc bệnh làm tăng gấp đôi nguy cơ. Càng nhiều thành viên trong gia đình bị ung thư tuyến tiền liệt, nguy cơ càng tăng. Do đó, nhóm nam giới này nên bắt đầu sàng lọc ở độ tuổi 40.

Các nghiên cứu đã xác định được một số gene di truyền có thể làm tăng tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Các chuyên gia ước tính rằng dạng ung thư tuyến tiền liệt di truyền chỉ chiếm 5-10% trong số tất cả các trường hợp.

Chủng tộc

Tỷ lệ mắc ung thư tuyến tiền liệt ở người châu Á thấp hơn so với người da trắng và da đen ở châu Âu, châu Phi. Nguyên nhân chưa được làm rõ, nhưng các chuyên gia cho rằng liên quan đến những yếu tố trong môi trường sống như chế độ ăn không lành mạnh, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tiếp xúc với kim loại nặng như cadmium, hút thuốc lá…

Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống nhiều chất béo có thể liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt. Căn bệnh này phổ biến hơn nhiều ở các quốc gia mà thịt và các sản phẩm từ sữa chiếm phần lớn trong chế độ ăn uống, so với những quốc gia có chế độ ăn uống cơ bản bao gồm gạo, các sản phẩm từ đậu nành và rau.

Béo phì

Một số nghiên cứu cho thấy nam giới béo phì có nguy cơ cao hơn mắc ở giai đoạn tiến triển và tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.

Lối sống ít vận động

Chưa có nhiều nghiên cứu tìm ra mối liên hệ chặt chẽ giữa ít hoạt động thể chất với ung thư tuyến tiền liệt. Song lối sống ít vận động thường đi kèm với béo phì và hội chứng chuyển hóa nên có thể có liên quan với ung thư tuyến tiền liệt.





Ai có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt?

Ăn uống, tập thể dục và sinh hoạt lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. Ảnh minh họa: Quỳnh Trần

Biến đổi gene BRCA1 hoặc BRCA2

Các gene BRCA1 và BRCA2 di truyền trong gia đình, nhưng chỉ ảnh hưởng đến một số người. Chúng làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng ở phụ nữ cũng như tuyến tiền liệt ở một số nam giới.

Hội chứng Lynch

Hội chứng Lynch hay ung thư đại tràng không polyp di truyền (HNPCC) cũng là một biến đổi gene bẩm sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư tuyến tiền liệt.

Nam giới từ 50 tuổi trở lên nên tầm soát ung thư tuyến tiền liệt dù không triệu chứng. Người có những nguy cơ cao trên nên kiểm tra sớm hơn từ 45 tuổi. Ăn uống và sinh hoạt lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Nếu phát hiện ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có khả năng chữa khỏi khoảng 80-90%, tỷ lệ sống ít nhất 5 năm là 99%. Ở giai đoạn muộn, u tiến triển và di căn, nguy hiểm đến tính mạng, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng 30%.

Anh Ngọc (Theo Webmd)

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu để bác sĩ giải đáp