Alo bác sĩ nghe: 5 cách đơn giản phát hiện sớm nguy cơ tim mạch tại nhà

Alo bác sĩ nghe: 5 cách đơn giản phát hiện sớm nguy cơ tim mạch tại nhà

bởi

trong

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Mỹ Bảo Anh, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn trả lời, mỗi năm có đến hàng trăm nghìn người tử vong vì các bệnh lý tim mạch, trong đó nhiều trường hợp không hề có triệu chứng cảnh báo trước. Được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, bệnh tim có thể âm thầm tiến triển suốt nhiều năm. Tuy nhiên, chỉ với vài cách đơn giản tại nhà, bạn hoàn toàn có thể nhận diện sớm nguy cơ để kịp thời thăm khám và điều trị.

Nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch… thường không có triệu chứng rõ ràng và có thể tiến triển âm thầm trong nhiều năm. Không ít người chỉ phát hiện bệnh khi đã rơi vào tình trạng khẩn cấp như đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Theo thống kê cho thấy mỗi năm, bệnh tim mạch cướp đi sinh mạng của khoảng 200.000 người tại Việt Nam – một con số đáng báo động.

Alo bác sĩ nghe: 5 cách đơn giản phát hiện sớm nguy cơ tim mạch tại nhà

Bệnh lý tim mạch thường diễn tiến thầm lặng

“Bệnh tim mạch được xem là ‘kẻ giết người thầm lặng’ nhưng nếu biết lắng nghe cơ thể và chú ý các dấu hiệu bất thường, người bệnh hoàn toàn có thể chủ động phát hiện sớm để điều trị kịp thời”, bác sĩ Bảo Anh chia sẻ.

5 việc làm giúp phát hiện sớm nguy cơ tim mạch tại nhà

Bác sĩ Bảo Anh chia sẻ 5 việc làm có thể giúp theo dõi và phát hiện sớm nguy cơ tim mạch tại nhà bao gồm:

  • Đo huyết áp định kỳ.
  • Theo dõi nhịp tim khi nghỉ ngơi.
  • Quan sát dấu hiệu phù chân, khó thở, mệt mỏi.
  • Kiểm tra vòng eo và cân nặng.
  • Theo dõi mỡ máu, đường huyết định kỳ.

Tăng huyết áp là “cửa ngõ” của nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm như đột quỵ, suy tim và bệnh thận. Nếu huyết áp ≥ 140/90 mmHg trong nhiều lần đo khác nhau thì cần đến sớm cơ sở y tế để thăm khám kỹ lưỡng.

Nhịp tim bình thường khi nghỉ là 60-100 lần/phút. Nếu nhịp tim quá nhanh hoặc chậm bất thường, hồi hộp, loạn nhịp hoặc đánh trống ngực, có thể là dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp hoặc bệnh tim tiềm ẩn bên trong. Đừng chủ quan nếu hiện tượng này xảy ra lặp lại.

Alo bác sĩ nghe: 5 cách đơn giản phát hiện sớm nguy cơ tim mạch tại nhà - Ảnh 2.

Theo dõi huyết áp, nhịp tim giúp phát hiện sớm nguy cơ bệnh tim mạch tại nhà

ẢNH MINH HỌA: AI

Đây là những biểu hiện thường gặp của suy tim giai đoạn đầu mà nhiều người dễ nhầm lẫn với mệt mỏi thông thường. Cảm giác mệt khi gắng sức, phù hai chân, nặng ngực hoặc khó thở khi nằm là lý do mà bạn nên đi kiểm tra tim.

Béo phì là dấu hiệu cảnh báo sớm của rối loạn chuyển hóa – yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tim. Vòng eo của nữ >80 cm, vòng eo của nam >90 cm cùng chỉ số BMI ≥ 25 cho thấy nguy cơ thừa cân, xơ vữa động mạch và tăng huyết áp.

Các chỉ số sinh hóa như LDL-cholesterol (mỡ máu xấu), triglycerid (chất béo trung tính) và đường huyết có thể âm thầm làm tổn thương thành mạch trong nhiều năm nếu không kiểm soát. Bạn có thể sử dụng thiết bị tự đo đường huyết và máy đo cholesterol tại nhà để theo dõi các chỉ số này.

“Việc tự theo dõi tại nhà là rất hữu ích, nhưng không thể thay thế cho việc kiểm tra sức khỏe định kỳ tại bệnh viện. Thăm khám bác sĩ chuyên khoa giúp phát hiện sớm những dấu hiệu bệnh lý tiềm ẩn mà chưa có triệu chứng biểu lộ ra ngoài”, bác sĩ Bảo Anh lưu ý.

Một số đối tượng nên đặc biệt cảnh giác với bệnh tim mạch bao gồm người hút thuốc lá, người có bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, người ít vận động, ăn nhiều muối – chất béo bão hòa và những ai có tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm. Với nhóm này, việc tầm soát bệnh tim mạch định kỳ 6-12 tháng/lần và điều chỉnh lối sống là cực kỳ quan trọng.