Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tất Khánh Dương, Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, trả lời: Tăng huyết áp từ lâu được ví như “kẻ giết người thầm lặng” bởi diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng nhưng có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện có khoảng 17 triệu người Việt Nam đang sống chung với căn bệnh này. Thậm chí, trên 50% người bệnh chưa được phát hiện, và hơn 70% chưa được điều trị đúng cách.
Tại Việt Nam, cứ 4-5 người trưởng thành thì có 1 người mắc tăng huyết áp, và tỷ lệ này đang có xu hướng gia tăng nhanh, trẻ hóa theo thời gian. Nhiều người chưa đến 30 tuổi đã phải nhập viện vì đột quỵ não hoặc nhồi máu cơ tim. Đó là những biến chứng nặng nề do huyết áp cao không được kiểm soát từ sớm.

Kiểm tra huyết áp định kỳ là cách hiệu quả nhất để phát hiện và phòng ngừa biến chứng sớm
ẢNH MINH HỌA: AI
Tăng huyết áp là tình trạng huyết áp đo được vượt mức bình thường, cụ thể là huyết áp tâm thu ≥140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥90 mmHg. Tuy nhiên, đáng lo ngại, bệnh thường không triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Nhiều người chỉ phát hiện khi tình cờ kiểm tra sức khỏe hoặc khi bệnh đã gây tổn thương nghiêm trọng đến tim, não, thận…
Giai đoạn đầu, người bệnh có thể thấy mệt nhẹ, đau đầu hoặc chóng mặt nhưng dễ chủ quan bỏ qua. Khi xuất hiện các dấu hiệu như đau ngực, khó thở, yếu nửa người, mất thăng bằng, lúc này bệnh đã ảnh hưởng đến các cơ quan quan trọng và điều trị trở nên khó khăn hơn rất nhiều.
Ai cũng có thể bị tăng huyết áp, đặc biệt nếu bạn có những yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình có người mắc bệnh, thừa cân, lối sống ít vận động, ăn mặn, hút thuốc, uống rượu bia nhiều hoặc mắc các bệnh nền như tiểu đường, bệnh thận mạn tính…
Các biến chứng của tăng huyết áp
Nếu không kiểm soát tốt, tăng huyết áp sẽ gây ra những biến chứng nghiêm trọng:
Tim mạch: Tăng nguy cơ suy tim, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim.
Não bộ: Nguy cơ đột quỵ, tổn thương não, dẫn đến tàn phế hoặc tử vong.
Thận: Tổn thương chức năng thận, suy thận mạn tính, phải chạy thận nhân tạo suốt đời.
Mắt và chi dưới: Mờ mắt, mù lòa, tê bì, loét chi, thậm chí hoại tử phải cắt cụt.
Điều quan trọng là không chờ đến khi có triệu chứng mới đi khám. Tăng huyết áp không có “tiếng chuông báo động” rõ ràng, do đó kiểm tra huyết áp định kỳ là cách hiệu quả nhất để phát hiện và phòng ngừa biến chứng sớm.
Hiện nay với thiết bị hiện đại giúp hỗ trợ theo dõi huyết áp chính xác, từ đó phát hiện sớm nguy cơ, xây dựng phác đồ điều trị cá thể hóa phù hợp với từng người bệnh, theo dõi tiến triển và điều chỉnh linh hoạt trong quá trình điều trị.
Hãy chủ động đo huyết áp định kỳ, ít nhất 1-2 lần mỗi năm hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường như nhức đầu, hoa mắt, đau tức ngực. Phát hiện sớm và kiểm soát huyết áp chính là lá chắn bảo vệ bạn khỏi đột quỵ, suy tim và những biến chứng nguy hiểm khác.