“ĐỒNG NGHIỆP MÌNH ĂN GÌ ?”
Chìm trong không gian vắng lặng bởi lệnh giãn cách, phố phường Đà Nẵng giữa mùa hè 2020 như “đóng băng” nhưng mặt trận thông tin vẫn nóng hổi. Không ít phóng viên bám trụ giữa vùng dịch, ăn vội mẩu bánh mì khô, gói mì ăn liền sống, thậm chí uống nước cầm hơi…

Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng tiếp nhận hỗ trợ từ nhà hảo tâm để ủng hộ tuyến đầu chống dịch
ẢNH: Đ.X
Rồi trong cuộc họp chớp nhoáng tại Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng, một câu hỏi bật ra khiến cả phòng lặng đi: “Anh em mình thì sao? Đồng nghiệp mình ăn gì giữa tâm dịch?”.
Nhà báo Hồng Quang Năm (Phó tổng biên tập Báo và Đài Phát thanh – Truyền hình Đà Nẵng), thời điểm đó kiêm nhiệm Phó chủ tịch Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng, nghẹn ngào nhớ lại: “Từ câu hỏi ấy, chiến dịch suất cơm dành cho người làm báo ra đời, mang theo tình đồng nghiệp ấm áp giữa mùa dịch Covid-19”. Nhà báo Hồng Quang Năm nhớ lúc ấy ai cũng lo cho tuyến đầu như y tế, công an, trong khi anh em báo chí cũng đang ở tuyến đầu thông tin. “Họ lao vào ổ dịch, phơi mình giữa hiểm nguy, nhưng nhiều người… bụng đói meo vì chẳng tìm đâu ra hàng ăn”, ông nói.

Giữa thời khắc cam go nhất của đại dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, các phóng viên cũng bám trụ tâm dịch để đưa tin
ẢNH: Đ.X

Khi tuyến đầu căng mình chống dịch thì anh em báo chí cũng phơi mình giữa hiểm nguy để đưa tin
ẢNH: Đ.X
Từ nguồn quỹ chương trình “Ly cà phê yêu thương” từng dùng để giúp trẻ em nghèo, Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng quyết định hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, trong đó có anh em báo chí. Hai chiến dịch hỗ trợ được triển khai song song giữa tâm dịch. Một là hướng đến lực lượng y tế, công an và người dân trong khu phong tỏa với nước suối, khẩu trang, đồ bảo hộ. Hướng còn lại tiếp sức cho đội ngũ phóng viên với những suất ăn nóng hổi được trao tận tay mỗi ngày. Tổng kinh phí 2 chiến dịch là hơn 300 triệu đồng.
Từ ngày 3.8.2020, Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng bắt đầu đặt suất ăn cho phóng viên, nhà báo đang tác nghiệp giữa tâm dịch. Ban đầu chỉ có 20 – 30 suất/ngày, rồi tăng dần, có hôm lên đến 90 suất. Mỗi ngày, nhà hàng 4U nấu và giao đến trụ sở Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng trên đường Trần Quốc Toản, Q.Hải Châu. Cứ đúng 11 giờ và 18 giờ, những hộp cơm nóng hổi được phân chia cẩn thận theo từng cơ quan, giúp tránh tiếp xúc, đảm bảo an toàn phòng dịch. Chỉ trong gần một tháng, đã có 1.824 suất ăn như thế được gửi đi…
LÁT CÀ RỐT CẮT HÌNH MẶT CƯỜI
Thời điểm đó, phóng viên trở về sau ca trực dài giữa các điểm nóng như Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, các khu cách ly… vội vàng ghé qua Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng để nhận suất ăn. Có người mải chạy theo tin tức, đến muộn, hộp cơm đã nguội nhưng vẫn là món quà ấm lòng giữa cảnh thiếu thốn.

Suất cơm của Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng tặng đồng nghiệp giữa tâm dịch Covid-19
ẢNH: Đ.X
“Có hôm ngồi ăn trên vỉa hè, bên cạnh là dãy phố Lê Duẩn đóng kín, tôi cầm hộp cơm lên mà rưng rưng… Mỗi hộp cơm được gói cẩn thận, kèm một lát cà rốt cắt hình mặt cười, một hành động nhỏ nhưng chứa đựng sự quan tâm lớn lao của Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng. Những phóng viên ngoài hiện trường như chúng tôi như được tiếp sức, cảm thấy không đơn độc giữa cuộc chiến gian nan”, phóng viên Bùi Hoàng Vinh (Báo Giáo dục và Thời đại) xúc động.
Lúc ấy, đại úy Mai Văn Vinh, phóng viên Báo Công an Đà Nẵng, nhận lãnh nhiều vai. Bình thường, sau khi rời tòa soạn, anh phụ vợ trông con nhỏ 6 tháng tuổi. Nhưng lúc dịch căng thẳng, đại úy Vinh nhận lệnh từ cấp trên tăng cường về Công an P.Hòa Thọ Tây (Q.Cẩm Lệ), phụ trách gian hàng bình ổn giá. Ban đêm, anh lại cùng đồng đội tuần tra khép kín để giữ bình yên cho khu dân cư. Giữa 2 ca trực, anh lặng lẽ cầm máy ảnh, ghi lại từng khoảnh khắc giữa tâm dịch. “Thời điểm đó, chúng tôi nhờ cả vào những suất cơm nghĩa tình từ Hội Nhà báo TP.Đà Nẵng. Có cơm ăn 2 bữa, anh em thấy đủ đầy và hạnh phúc. Thế nên, chúng tôi góp tiền chế độ ngành và bỏ thêm tiền túi để mua thực phẩm theo giá niêm yết gửi vào các khu cách ly giúp đỡ bà con”, đại úy Vinh kể.

Không ngại nguy hiểm, phóng viên tác nghiệp trong tâm dịch Covid-19
ẢNH: Đ.X

Phóng viên tại TP.Đà Nẵng tác nghiệp trong tâm dịch Covid-19
ẢNH: Đ.X
Rồi đại dịch cũng đã qua đi, Đà Nẵng sớm trở lại những ngày phố xá đông đúc. Nhưng với những người cầm bút đi qua giai đoạn khốc liệt ấy, ký ức về hộp cơm nhỏ giữa tâm dịch còn đọng mãi. Họ “3 tại chỗ” ở cơ quan, từng cầm máy ảnh băng qua những con đường không bóng người, đến “vùng đỏ, vùng cam” để đưa tin rồi cầm hộp cơm từ Hội Nhà báo để tiếp thêm năng lượng. “Suốt gần ba chục năm làm nghề, từng đi qua bao trận bão lũ, sạt lở ở dải đất miền Trung khắc nghiệt, chưa lần nào tôi thấy đồng nghiệp mình quả cảm như giữa đại dịch. Họ không chỉ đưa tin, mà còn dấn thân, mang niềm tin, truyền lửa hy vọng giữa hoang mang của phố phường vắng lặng”, nhà báo Hồng Quang Năm xúc động.
Ký ức đọng lại nơi những phóng viên lao mình vào tâm dịch ngày ấy rất đẹp. Nhớ lại chuyện cũ, có đồng nghiệp rưng rưng: “Tôi từng ăn suất cơm có mặt cười cà rốt giữa mùa dịch, thấy lòng mình ấm đến lạ”.