Ăn cơm nguội cả tuổi thơ nhưng tôi chưa từng nuôi thù hận

Ăn cơm nguội cả tuổi thơ nhưng tôi chưa từng nuôi thù hận

bởi

trong
Ăn cơm nguội cả tuổi thơ nhưng tôi chưa từng nuôi thù hận

Cuộc đời đã đủ u ám, tôi cố giữ cho lòng mình tỉnh táo, không để tâm tư tiêu cực lây lan ra người khác.

Đọc nhiều tâm sự về tình thân, tôi muốn kể câu chuyện của mình. Tôi có một người cha, thường xuyên đánh đập, xúc phạm mẹ và nhà ngoại – những người luôn cưu mang, giúp đỡ ông lúc khó khăn. Cả đời ông chỉ ép mẹ tôi làm lụng, vay mượn để gửi tiền về nhà nội, trong khi con cái đói rách. Mảnh vườn cậu tôi cho, ông cũng bán đi cho cháu trai lấy vợ. Tôi và ông không thể trò chuyện với nhau.

Kỳ lạ là ông như thế nhưng lại đi cùng mẹ tôi, người phụ nữ cam chịu và nâng đỡ ông suốt đời. Lúc trẻ, mẹ bị đánh không lý do. Lúc già, khi vắng mặt con cái, bà lại bị đánh như cũ. Tôi từng về nhà thấy xoong nồi méo mó, buột miệng “lại quay lại thời kỳ bị đánh ạ”, mẹ nhìn tôi với ánh mắt hằn học. Tôi kể chuyện này với mấy chị, họ góp ý với ba, kết quả là ông đánh bà công khai hơn với nhiều lý do ngớ ngẩn như “nó lắm điều”, “nó mất dạy”, “nó lười nấu cơm”.

Dù bị đối xử vậy, mẹ tôi vẫn rất sợ mất chồng, luôn răn con phải hiếu kính cha mẹ như thần thánh. Tôi nhận thức được sự sai trái từ nhỏ và phản kháng bằng sự im lặng, không nói chuyện, không tham gia vào sinh hoạt gia đình. Cả cha lẫn mẹ đều ghét và dè chừng tôi. Họ rêu rao tôi khắp nơi là đứa con “bất hiếu, xấu xí, chỉ thích sống sung sướng”.

“Sung sướng” của tôi là: từ 7 tuổi đã nấu cơm, giặt đồ, tưới rau. Lớp 6 dậy từ 4h30 sáng để lo việc nhà rồi mới đi học, chiều đi rẫy đến tối mịt. Tôi học dưới ánh sáng đèn dầu hoặc lửa củi vì mẹ không cho bật điện, tiết kiệm củi. Chị tôi có đèn học, có bàn học; tôi học dưới nền bếp, ngủ dưới đất.

Năm nào mẹ cũng dẫn hai chị đi mua sách vở mới, tôi dùng lại đồ cũ nhưng bản thân to con, đồ của các chị thì nhỏ, mặc không vừa, các chị cũng không muốn cho tôi dùng. Tôi phải lục đồ từ thiện để tìm cái vừa và đỡ bị bạn cười. Tôi từng viết chữ nhỏ để tiết kiệm vở, bị cô giáo đánh tay và bắt viết to hơn. Học phí tôi thường xuyên không có, lên cấp 3 phải viết đơn xin miễn giảm.

Việc nương rẫy, tôi là lao động chính cùng mẹ, nắng mưa đều phải làm. Có lần đi làm thuê ở đồi xa, mưa lũ về trễ, leo qua mấy chục đỉnh núi mới về nhà thì cả nhà đã ăn cơm, ngủ hết. Tôi bị mẹ mắng là “đi lêu lổng”, ăn cơm cháy nguội cầm hơi. Mọi việc tôi làm chỉ để có cơm ăn và được học hành. Học hành là mục tiêu sống duy nhất của tôi, vì tôi biết mình đần và xấu nhất nhà.

Tôi học khá lên, năm nào cũng là học sinh giỏi, còn kèm mấy em học. Mấy chị gái thông minh, xinh đẹp nhưng yêu sớm, ham làm đẹp hơn học, học thêm quanh năm mà tốt nghiệp chỉ nhờ điểm cộng vùng. Tôi từng cầu nguyện, xin dâng duyên phận, tuổi thọ của mình đổi lấy duyên lành cho các chị. Sau đó họ đều lấy chồng, tôi thở phào, chỉ tiếc đã không cầu thêm là “lấy được chồng tốt”. Chồng họ đều trắng tay, thất bại, nợ nần, họ phải trả nợ, giúp khởi nghiệp lại. Cả họ hàng lo lắng cho các chị, gom góp giúp đỡ. Ba mẹ tôi bán hết đất giúp các con rể. Còn tôi, sống trong căn trọ tồi tàn, không ai thấy khổ.

Một lần đón mẹ lên khám bệnh, bà hài lòng khi tôi sống kham khổ, dặn không được tiêu xài quá 500 nghìn đồng mỗi tháng, còn lại gửi bà giữ hộ. Sau khi đi làm, bà nhắc tôi phải giúp các chị, hàng tháng tôi gửi hơn nửa lương về. Khi bà thấy đất vườn giá hời, ép tôi gửi tiền mua. Tôi vét sạch tiền tích góp, vay mượn gửi về. Khi tôi dọn đến chỗ ở tốt hơn, bà mắng tôi như đứa phá hết gia sản bà. Khi tôi quen bạn trai, bà buông: “Mặt mày mà có người yêu, mắt thằng đó mù à” rồi cúp máy ngay khi tôi chưa nói hết câu. Bạn trai nghe hết. Anh chia tay không lâu sau, tôi hiểu và không oán trách.

Tôi không trách mẹ. Dù bà ghét tôi đến mức trước 9 tuổi vẫn lẩm bẩm: “Biết vậy tao không sinh mày”, nhưng bà cũng không bỏ rơi tôi. Nếu bị bỏ, có lẽ tôi đã lớn lên như những kẻ đầu đường xó chợ, hoặc may mắn được nhận nuôi thì lại mang hai món nợ: cứu mạng và dưỡng dục, sao mà trả hết? Nên tôi thấy, sống được như bây giờ là may rồi. Tôi không mong đợi gì từ cha mẹ. Họ có quyền thiên vị ai họ muốn. Tôi cũng thiên vị, tôi thương các em hơn các chị, nhưng không tiêu cực với các chị. Chỉ là tôi cho đi ít hơn.

Cuộc đời đã đủ u ám, tôi cố giữ cho lòng mình tỉnh táo, không để tâm tư tiêu cực lây lan ra người khác. Vì người chịu đựng nặng nề nhất, luôn là chính mình. Nhiều người bảo tôi “nghiệp nặng”, “kiếp trước nợ gia đình”. Tôi chỉ cười: “Nếu tôi sống khốn nạn thì mọi người sẽ thành con nợ của tôi đấy”.

Chút chia sẻ gửi đến những ai còn đang vật lộn với tình thân. Tôi từng sống trong bóng tối, nhưng giờ đây lòng tôi đã bình thản, vật chất không còn thiếu thốn, tôi cũng không còn ăn cơm nguội nhiều như xưa nữa.

Bình An