Ấn Độ kêu gọi ‘không suy đoán vội vàng’ về thảm kịch Air India

Ấn Độ kêu gọi ‘không suy đoán vội vàng’ về thảm kịch Air India

bởi

trong

Giới chức Ấn Độ cho rằng còn quá sớm để đưa ra bất kỳ kết luận chắc chắn nào về nguyên nhân dẫn đến vụ rơi máy bay Air India.

“Chúng tôi kêu gọi công chúng và truyền thông không lan truyền những suy đoán vội vàng có thể làm ảnh hưởng đến tính khách quan và toàn vẹn của quá trình điều tra”, GVG Yugandhar, lãnh đạo Cục Điều tra Tai nạn Hàng không Ấn Độ (AAIB), nói hôm nay.

AAIB là bên dẫn đầu nỗ lực xác định nguyên nhân khiến chiếc Boeing 787 của hãng hàng không Air India chở 242 người rơi ở bang Gujarat tháng trước. Tai nạn khiến tổng cộng 260 người thiệt mạng, gồm 241 người trên máy bay và 19 nạn nhân dưới mặt đất, chỉ một hành khách người Anh sống sót.





Ấn Độ kêu gọi ‘không suy đoán vội vàng’ về thảm kịch Air India

Mảnh vỡ phi cơ Boeing 787-8 tại hiện trường ở thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, Ấn Độ ngày 12/6. Ảnh: AP

Ông Yugandhar lên tiếng sau khi tờ Wall Street Journal của Mỹ ngày 16/7 dẫn nguồn tin nói bản ghi âm hộp đen cuộc đối thoại giữa hai phi công cho thấy cơ trưởng đã gạt các công tắc điều khiển nhiên liệu vào hai động cơ từ vị trí “hoạt động” xuống “ngắt”. Cơ phó tỏ ra ngạc nhiên rồi hoảng loạn, trong khi cơ trưởng dường như vẫn bình tĩnh.

Cơ trưởng trên chuyến bay là Sumeet Sabharwal, 56 tuổi, và cơ phó là Clive Kunder, 32 tuổi, với kinh nghiệm bay lần lượt là 15.638 giờ và 3.403 giờ. AAIB khi công bố nội dung ghi âm hôm 12/7 không nêu cụ thể các lời nói là của phi công nào.

AAIB kêu gọi công chúng bình tĩnh chờ cơ quan này hoàn tất điều tra và ra báo cáo cuối cùng. “Báo cáo sơ bộ của AAIB chỉ nhằm cung cấp thông tin về chuyện gì đã xảy ra. Còn quá sớm để ra kết luận lúc này”, theo AAIB.





Vị trí công tắc điều khiển nhiên liệu trên máy bay Boeing 787. Đồ họa: Seattle Times

Vị trí công tắc điều khiển nhiên liệu trên máy bay Boeing 787. Đồ họa: Seattle Times

Công tắc nhiên liệu có nhiệm vụ kiểm soát van cấp dầu cho động cơ. Ở trạng thái hoạt động, van cấp dầu sẽ mở và cung cấp nhiên liệu để động cơ vận hành. Khi đưa công tắc về trạng thái ngắt, nguồn nhiêu liệu sẽ bị chặn và động cơ máy bay ngừng hoạt động hoàn toàn.

Boeing bố trí khung bảo vệ ở hai bên công tắc. Mỗi công tắc đều được lắp cơ chế khóa chặn kèm lò xo, giúp giữ nó ở vị trí cố định. Để chuyển trạng thái, phi công phải nắm vào núm công tắc và kéo lên với lực nhất định rồi mới có thể di chuyển nó. Hai vị trí “hoạt động” và “ngắt” cũng được in hoa rõ ràng trên bảng điều khiển.

Theo các chuyên gia an toàn hàng không, kịch bản phi công trên máy bay Air India gạt nhầm cùng lúc cả hai công tắc là điều gần như không thể xảy ra.

Ấn Độ đã yêu cầu các hãng hàng không nước này kiểm tra công tắc nhiên liệu trên một số mẫu Boeing. AFP dẫn thông báo nội bộ của Air India cho biết hãng không phát hiện vấn đề nào liên quan công tắc nhiên liệu trong đội bay của mình.

Như Tâm (Theo Reuters, NDTV)