Ấn Độ và Pakistan cáo buộc nhau không kiểm soát được kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước, kêu gọi cơ quan quốc tế hành động.
“Tôi muốn nêu câu hỏi này với thế giới: Liệu vũ khí hạt nhân có an toàn khi nằm trong tay một quốc gia bất hảo và vô trách nhiệm không? Tôi tin Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) nên giám sát vũ khí nguyên tử của Pakistan”, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh phát biểu khi thăm một căn cứ ở vùng tranh chấp Kashmir hôm 15/5.
Bộ trưởng Singh nhấn mạnh Ấn Độ luôn sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ trước mọi “hành động khủng bố”. “Chúng ta sẽ không chùn bước trước sự hăm dọa hạt nhân từ Pakistan”, ông nói.
Vài giờ sau, Bộ Ngoại giao Pakistan cho rằng IAEA nên điều tra các vụ trộm cắp, buôn bán bất hợp pháp liên quan tới vật liệu hạt nhân và chất phóng xạ ở Ấn Độ.
“Những sự việc này cho thấy sự tồn tại của thị trường chợ đen, nơi trao đổi các vật liệu lưỡng dụng và nhạy cảm, ở Ấn Độ”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Pakistan có đoạn.

Quân nhân Pakistan đứng cạnh tên lửa đạn đạo NASR trong cuộc duyệt binh ở Islamabad hồi tháng 3/2017. Ảnh: Reuters
Cuộc đấu khẩu diễn ra vài ngày sau khi Ấn Độ và Pakistan đạt thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt xung đột kéo dài 4 ngày từng làm dấy lên lo ngại toàn cầu về nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân.
Nguồn cơn xung đột gần đây bắt đầu từ vụ xả súng khiến 26 dân thường thiệt mạng tại khu nghỉ dưỡng Pahalgam của Ấn Độ ngày 22/4. Ấn Độ ngày 7/5 phát động chiến dịch không kích vào nước láng giềng, dẫn tới các cuộc giao tranh qua lại với mức độ ngày càng leo thang.
Trong giai đoạn căng thẳng nhất, có tin đồn rằng Ấn Độ định nhắm đến cơ sở hạt nhân của Pakistan ở vùng núi Kirana.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Pakistan Ahmed Sharif Chaudhry cuối tuần qua cho hay leo thang xung đột giữa các quốc gia hạt nhân là “điều không thể tưởng tượng được và hoàn toàn ngu ngốc”.
“Xung đột có thể dẫn đến rủi ro cho 1,6 tỷ người, vì vậy không nên có chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan”, ông nói.
Ấn Độ và Pakistan đều là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, hai bên ước tính đang biên chế tổng cộng khoảng 170-180 đầu đạn. Hai nước là thành viên của IAEA nhưng đều không ký Hiệp ước Chống phổ biến vũ khí hạt nhân.
Pakistan phát triển chương trình hạt nhân một phần để đối trọng với Ấn Độ, đặc biệt sau khi New Delhi bắt đầu thử nghiệm vũ khí hạt nhân vào năm 1974. Đến năm 1998, cả hai nước thử nghiệm thành công vũ khí nguyên tử và trở thành cường quốc hạt nhân đối đầu trực tiếp trong khu vực.
Thùy Lâm – Thanh Danh (Theo AFP, NDTV, CNBC)