Ăn phở, mua bánh mì… có phải lấy hóa đơn?

Ăn phở, mua bánh mì… có phải lấy hóa đơn?

bởi

trong

Ăn tô phở, uống cà phê có phải lấy hóa đơn?

Hàng ngàn quán phở, quán hủ tiếu hay tiệm cà phê, nhà hàng… tại TP.HCM có doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm trở lên phải đăng ký và lắp đặt máy tính tiền kết nối dữ liệu với cơ quan thuế để chuẩn bị thực hiện từ đầu tháng 6 theo quy định. Theo đó, cứ mỗi lần bán hàng thì hộ kinh doanh (HKD) phải xuất hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền, đồng nghĩa người tiêu dùng khi ăn phở, uống cà phê… cũng được xuất hóa đơn.

Ăn phở, mua bánh mì… có phải lấy hóa đơn?

Các quán ăn, nhà hàng từ ngày 1.6 phải xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối cơ quan thuế

ẢNH: NHẬT THỊNH

Thế nhưng, khảo sát của PV Thanh Niên cho thấy đa số người dân đều thờ ơ và không có nhu cầu này. “Sáng ghé quán phở đầu ngõ ăn tô phở, uống ly cà phê phải lấy hóa đơn à? Để làm gì? Tôi đâu có nhu cầu”, ông Trần Hoàng (ngụ Q.Tân Bình) nói. Chị Thư Anh (ngụ Q.5) cũng chia sẻ, chị và gia đình thường xuyên ra ngoài ăn sáng hay ăn tối, uống cà phê vào cuối tuần… nhưng chưa bao giờ lấy hóa đơn. “Từ trước đến nay mình đã không lấy hóa đơn thì sắp tới cũng không có nhu cầu. Cửa hàng, quán phở, quán hủ tiếu có tính tiền bằng máy và xuất hóa đơn hay không là việc của họ, không liên quan mình. Nhiều cửa hàng nhỏ thì họ chỉ tính tiền miệng và mình trả tiền là xong, nhanh gọn lẹ”, chị Thư Anh cho hay.

Tương tự, chị Ngọc Hạnh (ngụ Q.Tân Phú) cho biết, chỉ khi đi tiếp khách ở các quán ăn, nhà hàng thì mới lấy hóa đơn vì được công ty thanh toán. Còn lại cá nhân chi xài thì chị không cần lấy hóa đơn, ngay cả khi vào nhà hàng, khách sạn lớn và nhân viên thường xuyên hỏi khách có cần xuất hóa đơn hay không. “Thật ra nếu như khách đi ăn phở, mua quần áo, khám chữa bệnh… rồi sau đó cuối năm được khấu trừ một phần chi phí trước khi tính thuế thu nhập cá nhân thì mình sẽ lấy hóa đơn ngay. Còn như hiện nay thì lấy hóa đơn không biết để làm gì nên không quan tâm. Đó là chưa kể nhiều nơi nếu lấy hóa đơn thì phải trả thêm thuế giá trị gia tăng thông thường đến 10%”, chị Ngọc Hạnh cho hay.

Trước đó, việc đầu tư và áp dụng hóa đơn điện tử mỗi lần bán tại các cây xăng được triển khai rầm rộ. Ban đầu cũng nhiều cửa hàng viện đủ lý do để trì hoãn. Nhưng đến nay, gần 100% cây xăng bán lẻ kết nối dữ liệu với ngành thuế. Tuy nhiên, việc xuất hóa đơn cho từng lần bán thì hầu như không xảy ra vì đa số người đổ xăng không yêu cầu. Ông Việt Trung (ở Q.3) nói mỗi tháng ông cũng đổ xăng từ 4 – 5 lần, trung bình 100.000 đồng/lần và chưa bao giờ lấy hóa đơn. Ông cũng không thấy nhân viên đổ xăng in phiếu tính tiền hay hỏi có lấy hóa đơn hay không…

Đa số các cửa hàng bán xăng dầu chọn giải pháp xuất hóa đơn vào cuối ngày hoặc cuối buổi. Khảo sát của chúng tôi chiều 23.5, tại một cây xăng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), người bán chỉ vào cuốn sổ bán hàng có ghi thứ tự số tiền mỗi lần đổ cho khách, giải thích là nhớ dữ liệu để chiều tổng hợp xuất hóa đơn.

Lỗ hổng giấu doanh thu

Quy định bắt buộc cá nhân kinh doanh, HKD phải xuất hóa đơn từng lần bán hàng, cung cấp dịch vụ nhưng không bắt buộc người mua phải lấy hóa đơn, theo các chuyên gia là “lỗ hổng” để người bán giấu doanh thu.

Ăn phở, mua bánh mì... có phải lấy hóa đơn?- Ảnh 2.

Cần khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi mua hàng

ẢNH: CAO AN BIÊN

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, đặt vấn đề: Hàng ngàn tiệm phở, nhà hàng… có thể bán ra mỗi ngày 50 tô phở nhưng chỉ tính tiền trên máy xuất hóa đơn 4 – 5 tô hay 10 tô thì cũng không có cán bộ thuế nào kiểm tra được, ngoại trừ xuống ngồi đếm. HKD có thể giấu doanh thu bởi họ không còn đóng thuế khoán mà sẽ phải tính thuế căn cứ theo doanh thu (theo giá trị hóa đơn bán hàng). Doanh thu càng cao thì các HKD phải đóng thuế càng nhiều, thậm chí sẽ tăng mạnh so với thuế khoán đã đóng thời gian qua. Nếu doanh nghiệp vẫn tuân thủ xuất hóa đơn khi bán hàng, cung cấp dịch vụ vì sẽ được khấu trừ chi phí nhưng với HKD thì hóa đơn xuất ra càng nhiều, số thuế phải đóng càng tăng. Điều này càng khiến HKD lo ngại.

Vì vậy, để ngăn chặn lỗ hổng thất thu thuế cũng như khuyến khích hoạt động mua bán công khai, minh bạch, cần áp dụng đồng bộ nhiều chính sách. Đó là hạn chế việc thanh toán bằng tiền mặt. Hiện nay các phương tiện thanh toán không tiền mặt như sử dụng mã QR, ví điện tử… ở các quán ăn, nhà hàng, tiệm cà phê rất phổ biến. Có thể xem xét quy định giảm hạn mức thanh toán bằng tiền mặt đối với doanh nghiệp, HKD xuống mức thấp hơn quy định hiện tại, ví dụ xuống dưới 5 triệu đồng thay vì 20 triệu đồng. Đặc biệt, phải thúc đẩy, khuyến khích người mua lấy hóa đơn thông qua tuyên truyền và phải có cơ chế, chính sách phù hợp. Ví dụ cho phép khấu trừ một phần chi phí chi tiêu nào đó trước khi tính thuế thu nhập cá nhân; hoặc tổ chức xổ số hóa đơn thường xuyên.

“Khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn là tạo ra cơ chế giám sát xã hội để người bán hàng cung cấp hóa đơn, nhất là trong giai đoạn đầu thực hiện. Việc áp dụng chính sách cần có lộ trình, rõ ràng và phải đồng bộ mới đạt hiệu quả mong muốn. Khi đó, nguồn thu ngân sách sẽ tăng cao và người bán lẫn người mua hàng đều sẽ có ý thức cung cấp hóa đơn”, luật sư Trương Thanh Đức đề xuất.

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM – HUBA), thừa nhận thực tế hầu hết cá nhân không có nhu cầu lấy hóa đơn nên người bán cũng có thể sẽ không thực hiện. Như vậy cơ quan thuế làm thế nào để giám sát doanh thu của các nhà hàng, quán ăn? Theo luật sư Nghĩa, cần xem xét có cơ chế khuyến khích người dân khi mua hàng lấy hóa đơn để được khấu trừ chi phí khi tính thuế thu nhập cá nhân. Hoặc có thể thông qua hoạt động xổ số hóa đơn như cơ quan thuế đã từng làm nhưng với số lượng nhiều hơn, giải thưởng lớn hơn…

HKD, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ 1 tỉ đồng trở lên và doanh nghiệp có hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trong đó có bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác); ăn uống; nhà hàng; khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim, dịch vụ phục vụ cá nhân khác theo quy định về Hệ thống ngành kinh tế VN sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế.

(Theo Nghị định số 70/2025 sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 123/2020 về hóa đơn, chứng từ)