‘Ăn tiền’ bảo kê

‘Ăn tiền’ bảo kê

bởi

trong
‘Ăn tiền’ bảo kê

Ở phường Hoàng Liệt – phường đông dân nhất Hà Nội, Bí thư Đảng ủy vừa bị bắt để điều tra về hành vi nhận hối lộ.

Điều tra ban đầu cho biết, ông này đã chỉ đạo cán bộ địa chính gợi ý cho chủ một bãi trông giữ xe trái phép muốn được hoạt động thuận lợi thì nên… “đóng góp ủng hộ vào quỹ công đoàn phường” 50 triệu đồng cho chu kỳ 2 tháng.

Cách làm ấy không mới – là thứ “tham nhũng mềm”, núp dưới danh nghĩa của phong trào, của vận động, của các quỹ. Bên có quyền lực và bên cần bảo kê đều hiểu ngầm quy tắc vận hành của cơ chế xâm phạm lợi ích cộng đồng để tạo ra dòng tiền phục vụ mục đích riêng.

Hoạt động bảo kê lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hay quây rào làm bãi xe trái phép tồn tại từ lâu và dai dẳng ở nhiều nơi. Không có số liệu thống kê chính xác, nhưng thỉnh thoảng truyền thông lại đưa tin nơi này nơi kia, công an vừa xử lý, giải quyết một điểm trông giữ xe trái phép, hoặc phát hiện dấu hiệu “chống lưng” cho các hành vi lấn chiếm lòng lề đường. Nhưng vụ bắt giữ Bí thư phường Hoàng Liệt làm nảy sinh những câu hỏi mới: Tại sao quỹ công đoàn – lẽ ra phục vụ cho hoạt động chăm lo đời sống công chức – lại trở thành cái cớ diễn ra các giao nhận bất minh? Tại sao chính quyền cơ sở có không gian để “thiết kế” những phương thức nhận hối lộ như vậy?

Cách đó 10.000 km và hơn 10 năm trước, ở nước Anh năm 2011, Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox phải từ chức vì để người bạn thân – Adam Werritty – xuất hiện cùng ông trong các cuộc họp chính thức và chuyến công du nước ngoài. Werritty không giữ chức vụ gì trong chính phủ, nhưng đã đi lại như một phụ tá cấp cao, sử dụng danh nghĩa quan hệ với Bộ trưởng để vận động hành lang. Một số chi phí cho những chuyến đi này được bên thứ ba tài trợ nhưng ông Fox không khai báo. Dù không bị truy tố và đối mặt với cáo buộc hình sự nào, ông vẫn phải từ chức vì “làm xói mòn lòng tin công chúng và vi phạm chuẩn mực minh bạch”.

Chưa cần tới bằng chứng về khả năng thu lợi tài chính, một bộ trưởng đã có thể mất chức bởi mối quan hệ không rõ ràng với một vị khách không danh phận. Danh dự của chính quyền, ở khía cạnh này, được đo bằng mức độ sẵn sàng từ chức của từng cá nhân khi vi phạm quy tắc, chuẩn mực đạo đức công vụ, gây ra khả năng xung đột lợi ích.

Trở lại bối cảnh Việt Nam, với cuộc cách mạng sáp nhập, tinh gọn – cấp quận được cắt bỏ, đơn vị hành chính cấp phường trở nên lớn hơn về cả diện tích dân số lẫn trách nhiệm và quyền lực cán bộ công chức. Một phường với dân số hàng trăm nghìn dân, ngân sách lớn hơn, số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cần quản lý nhiều hơn, nếu thiếu các cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ – hậu quả sẽ không dừng lại ở vài chiếc phong bì hay một bản án hình sự.

Muốn xây dựng chính quyền minh bạch, uy tín, Việt Nam cần đi xa hơn các giải pháp hình sự sau từng vụ việc cụ thể. Bắt bớ, xử lý các trường hợp cụ thể xét cho cùng vẫn chỉ là chuyện “bắt cóc bỏ đĩa”. Cùng với triển vọng gia tăng trách nhiệm, quyền lợi cũng như thu nhập cho công chức sau sáp nhập, cần một cơ chế kiểm soát tài sản công chức chặt chẽ thông qua việc giám sát công khai toàn bộ thu nhập phụ bao gồm thu nhập từ giảng dạy, tư vấn, đầu tư, sở hữu cổ phần, tiền tài trợ, đi nước ngoài… Cán bộ chức vụ càng cao, càng cần công khai kỹ. Đây là việc bình thường ở Anh, Singapore hay Mỹ – nơi công chức buộc phải khai báo và công bố các nguồn thu nhập bổ sung để người dân giám sát.

Nhưng với các dòng tiền đi theo kênh tiền mặt trao tay, phong bì đến tận nhà thì quản lý cách nào? Sức người và năng lực hành pháp nào cho đủ để bắt quả tang mọi hành vi giao nhận? Việc này chỉ có thể giải quyết bằng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động quản lý, chẳng hạn: công khai sơ đồ hóa hệ thống bãi giữ xe hợp pháp; các khu vực vỉa hè đã thu phí; số hóa thủ tục hành chính; và thiết lập đường dây nóng để người dân báo tin về các dấu hiệu vi phạm liêm chính công chức.

Tôi tin khi các thiết chế này được xây dựng và triển khai thực chất, người dân sẽ không lơ là trách nhiệm giám sát. Bởi không người dân nào chấp nhận việc công chức được trả lương bằng tiền thuế của dân, lại đi bảo kê cho những kẻ xâm phạm chính lợi ích của dân. Và cũng không chính quyền nào muốn dung dưỡng những cán bộ sẵn sàng đánh đổi uy tín, danh dự của cơ quan nhà nước vì những đồng bạc lẻ.

Nhưng danh dự của chính quyền không thể giữ được chỉ bằng khẩu hiệu. Nó phải được xây bằng văn hóa biết xấu hổ, bằng pháp luật biết ngăn ngừa, và bằng con người biết từ chức trước khi bị bắt. Nếu những người giữ vai trò đại diện cho nhà nước không thấy mất mặt khi nhận tiền qua “quỹ công đoàn”, thì điều mất đi không chỉ là danh dự của một phường – mà là danh dự của cả nền hành chính.

Bùi Phú Châu