Nhanh như cắt, tôi vội lao ra ngoài. Ngọn lửa bốc lên đen kịt, khói nghi ngút từ nhà cô Phương đang có dấu hiệu lan dần ra diện tích lớn hơn. Mọi người xóm tôi huy động các vật dụng để dập lửa.
May thay, lực lượng cứu hỏa đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường khống chế được đám cháy nên lửa không kịp lan sang nhà khác. Tuy vậy, nhà cô Phương bị thiệt hại khá nặng, các đồ dùng trong nhà đều bị thiêu rụi hết. Nhận định ban đầu của cơ quan chức năng là cháy nhà do chập điện lúc sạc điện thoại. Khổ nỗi, lúc xảy ra cháy, cô Phương lại có việc ra ngoài nên “bà hỏa” mới có thời gian hoành hành lâu như vậy.

Kiểm tra máy nước nóng để phòng tránh những sự cố đáng tiếc về điện
Ảnh: QUỲNH TRÂN
Sau lần xảy ra vụ chập điện nhà cô Phương, bố tôi càng kỹ tính hơn và có những quy định cho cả nhà khi sử dụng điện. Bố bảo, trước đây sử dụng điện phải tiết kiệm, giờ thì thêm cả yếu tố an toàn trên hết. Lúc đầu, chị em tôi rất khó chịu với những nguyên tắc của bố. Nào là không được sạc điện thoại qua đêm, khi sạc điện thoại thì phải có mặt tại phòng để kiểm tra theo dõi. Điều này trước đây chị em tôi rất chủ quan. Chúng tôi cứ xem điện thoại hoặc dùng laptop khi gần hết pin, chuẩn bị đi ngủ thì sạc pin qua đêm, sáng hôm sau mới dậy rút sạc, còn cả việc vô tư sạc xe đạp điện, xe máy điện nữa.
Bố bảo, khi các con ngủ, xảy ra sự cố về chập cháy sẽ không phát hiện được, sẽ cháy từ góc nhỏ tới lớn, nên tuyệt đối là phải thực hiện điều này cho nghiêm túc. Bao gia đình đã phải chịu những đau thương cũng chỉ vì chập cháy điện, bố mẹ mất con, con mất cha mẹ, xót xa làm sao.
Nghe bố nói có lý, chị em tôi dần thay đổi, tự ý thức và hình thành thói quen tiết kiệm và an toàn khi sử dụng điện. Mọi thành viên gia đình tôi luôn tắt các thiết bị khi không sử dụng. Chúng tôi còn luôn tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên. Bố tôi sắm đèn năng lượng mặt trời, sử dụng khi trời tối. Khi không sử dụng điện, chị em tôi rút phích cắm các thiết bị ra khỏi nguồn. Kể cả việc mở tủ lạnh, chúng tôi cũng mở nhanh tay, sử dụng điều hòa cũng phải đúng cách, tắt mở đúng kiểu để hạn chế việc tiêu thụ điện…
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng điện trong nhà, bố tôi còn lắp thiết bị đóng ngắt điện theo đúng cách. Như việc lắp aptomat ở đầu đường dây điện chính trong nhà, ở đầu mỗi nhánh dây phụ và lắp cầu chì ở trước các ổ cắm điện để ngắt dòng điện khi có sự cố. Từ điều hòa, bình nóng lạnh… đều có aptomat riêng.
Bố tôi cũng đã thay tất cả các loại dây dẫn điện trong nhà bằng loại dây có vỏ cách điện, tiết diện dây phải đủ lớn để dây điện không bị quá tải. Bố bảo dù có tốn kém một chút nhưng riêng việc sử dụng dây điện, thiết bị điện là cứ phải chọn hàng chất lượng tốt, vì hàng kém thì nguy cơ cháy, chập, rò điện càng cao. Bố cũng rất cẩn thận trong việc chọn vị trí lắp cầu dao, cầu chì, công tắc, ổ điện nơi cao ráo, thuận tiện sử dụng nhưng phải đảm bảo an toàn nhất.
Bố tôi duy trì thói quen kiểm tra thiết bị điện định kỳ, kiểm tra hệ thống đường điện thường xuyên. Khi vừa phát hiện dây dẫn điện bị đứt, tróc cách điện là bố thay thế, sửa chữa ngay.
Nhờ sự khó tính của bố trong những nguyên tắc khi sử dụng thiết bị điện, mà gia đình tôi được hàng xóm phong danh đùa vui là “hộ gia đình siêu tiết kiệm, siêu an toàn khi sử dụng điện”.
Cả nhà tôi ai nấy đều vui không chỉ vì tiền điện hằng tháng ít, mà còn vui vì đó cũng là cách để bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn năng lượng từ thiên nhiên. Điều quan trọng hơn cả là khi sử dụng điện an toàn, nhà tôi luôn hạnh phúc, tràn ngập tiếng cười…
130 triệu đồng tiền thưởng và quà tặng hấp dẫn đang chờ chủ nhân.
Xin xem chi tiết về cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen tại thanhnien.vn