Thay đổi lối sống
Nhiều bạn trẻ theo đuổi chế độ “ăn uống healthy” bằng cách tính toán hợp lý từng bữa ăn. Họ ưu tiên mua rau củ, thịt cá… ở siêu thị bình dân, nấu tại phòng trọ hoặc ký túc xá và hạn chế ăn ngoài để đảm bảo sức khỏe.
Nguyễn Văn Thuận, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, kể còn nhớ rõ những đêm phải nằm nghiêng vì dạ dày cồn cào và ợ chua kéo dài. Đến khi xuất hiện những cơn đau rõ rệt, mới biết bản thân bị đau dạ dày và quyết định đi khám.

Rau xanh là một trong những món ăn quen thuộc trong chế độ “ăn uống healthy”
ẢNH: THẢO NGUYỄN
Sau khi uống thuốc điều trị và được bác sĩ hướng dẫn lại chế độ ăn, Thuận bắt đầu tập thói quen ăn uống điều độ, nấu ăn tại nhà, kết hợp với tập thể dục. Hiện tại, Thuận đã ăn theo chế độ “healthy” được hơn 1 năm. “Mình không ăn uống quá cầu kỳ, nhưng kiên trì với bữa ăn đầy đủ thường có cơm, thịt, cá và các loại rau. Ngoài ra, để không bị chán ăn, thỉnh thoảng, mình sẽ thay thế cơm trắng bằng cơm gạo lứt hoặc khoai lang hoặc bún. Thỉnh thoảng, mình cũng có đi ăn ngoài với bạn bè để thay đổi nhưng ưu tiên các quán quen thuộc, đảm bảo vệ sinh”, nam sinh cho hay.
Còn với Nguyễn Thị Linh (24 tuổi), nhân viên bán hàng tại đường Ung Văn Khiêm, P.25, Q.Bình Thạnh, việc “ăn healthy” lại bắt đầu từ việc muốn thay đổi ngoại hình bản thân. Linh cho biết: “Do tính chất công việc làm theo ca liên tục nên mình thường không chú trọng việc ăn uống, hầu như chỉ ăn các đồ ăn có sẵn ở cửa hàng tiện lợi. Vì thế, cân nặng mình dần mất kiểm soát, đặc biệt da mình ngày càng xấu đi, lên mụn nhiều khiến mình không khỏi tự ti khi ra đường”, Linh còn cho hay.

Bún gạo lứt cũng là một trong những thực phẩm yêu thích được lựa chọn để “ăn uống healthy”
ẢNH: THẢO NGUYỄN
Thời gian đó, Linh bắt đầu tìm hiểu kiến thức về chế độ sinh hoạt và thay đổi toàn bộ thói quen ăn uống, nghỉ ngơi. Thay vì ăn nhanh tại các cửa hàng tiện lợi, cô nàng tranh thủ dậy sớm tự chuẩn bị đồ ăn mang theo. Các món ăn mà cô nàng chọn đều mang tính chất dễ nấu lại tiết kiệm chi phí như cơm trắng, thịt luộc, rau luộc… Sau giờ làm, Linh còn dành khoảng 30 phút để chạy bộ, đánh cầu lông… “Mình không nghĩ những thay đổi nhỏ như vậy lại tác động nhiều đến sức khỏe như thế. Sau hơn một tháng, mình ngủ ngon hơn, cân nặng về mức ổn định, da trắng, ít khuyết điểm hơn và quan trọng thấy sức bền của cơ thế tăng lên, ít mắc các bệnh vặt”, Linh hào hứng kể.

Chuẩn bị nguyên liệu để thực hiện chế độ “ăn uống healthy”
ẢNH: THẢO NGUYỄN
Còn với Trương Thị Lê Vi, sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết để phù hợp với ngân sách chi tiêu hàng tháng, Vi mua gạo, mua rau củ tươi ở các siêu bị bình dân. Nữ sinh bắt đầu nấu cơm gạo lứt, luộc rau, ăn trứng luộc hoặc đậu hũ thay vì ăn đồ ăn ngoài như trước. Buổi sáng, Vi chuẩn bị nhanh yến mạch với sữa hoặc trái cây ít ngọt để mang đi học.
“Duy trì thói quen được khoảng một tháng, mình thấy cơ thể nhẹ hơn, bụng không còn đầy hơi và đặc biệt là ăn ngon miệng trở lại. Mình cũng ngủ sâu giấc hơn, không còn cảm giác thức dậy mà đầu óc mệt mỏi như trước”, Vi chia sẻ.
Lời khuyên từ chuyên gia về “Ăn uống healthy”
Theo chuyên gia dinh dưỡng ThS.BS Đoàn Duy Tân, giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM, việc ăn uống lành mạnh nên được cá nhân hóa, tùy theo thể trạng, kinh tế và thói quen sống mỗi người. Với các bạn trẻ, không cần thiết phải theo các chế độ đắt đỏ hay gò bó, chỉ cần chú trọng nguyên tắc cân bằng dinh dưỡng, ăn đúng giờ và kết hợp vận động nhẹ mỗi ngày.

ẢNH: THẢO NGUYỄN
Bàn về chế độ ăn lành mạnh hợp lý, bác sĩ Tân đã chia sẻ thực đơn tham khảo cho một ngày cụ thể với đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt dễ nấu và tiết kiệm chi phí. “Một bữa sáng đơn giản có thể là một chén cháo yến mạch nấu với sữa hạt và một quả chuối. Buổi trưa nên có rau xanh, chất đạm từ cá, trứng hoặc thịt nạc. Còn bữa tối nên nhẹ nhàng, có thể là súp rau củ hoặc salad với đậu hũ”, bác sĩ Tân gợi ý.
Bác sĩ Tân còn cho hay ông cũng từng khám cho nhiều bạn trẻ có chế độ sinh hoạt thất thường, đa phần mắc các bệnh về tiêu hóa, mỡ máu. Bác sĩ Tân bày tỏ: “Hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ thức khuya, dậy sớm, cơ thể mệt mỏi. Việc uống cà phê ngay lúc đó có thể làm bạn tỉnh táo nhưng theo thời gian, sẽ rất dễ rối loạn nhịp sinh học, gây mệt mỏi kéo dài, làm chậm quá trình trao đổi chất”.

Các bạn sinh viên chạy bộ trong khuôn viên ký túc xá
ẢNH: THẢO NGUYỄN
Theo bác sĩ Tân, tình trạng cơ thể sẽ cải thiện trong khoảng thời gian ngắn nếu người ăn kiên trì và kỷ luật, tuân thủ điều chỉnh chế độ ăn, chia đều bữa, ăn chậm hơn và chọn thực phẩm đúng. Bác sĩ Tân cho hay: “Nhiều bạn nghĩ phải thay đổi mọi thứ một lúc. Thực ra, chỉ cần thay đổi một bữa trong ngày trước, rồi đến bữa tiếp theo. Chúng ta đang thay đổi thói quen nên hãy áp dụng từ tốn, không cần phải bắt ép cơ thể, thay đổi đột ngột dễ khiến chúng ta chán nản và bỏ cuộc”.
Không chỉ chế độ ăn, bác sĩ Tân đặc biệt nhấn mạnh vai trò của vận động và giấc ngủ trong việc cải thiện và duy trì sức khỏe lâu dài. Theo ông, nhiều sinh viên ngồi học nhiều giờ liền, ít di chuyển và gần như không dành thời gian vận động, dẫn đến tình trạng uể oải, chậm chuyển hóa và mất cân bằng năng lượng.
“Không nhất thiết phải có thẻ tập gym hay lịch trình cố định, chỉ cần bạn đứng dậy đi lại sau thời gian học, làm việc. Bạn có thể leo cầu thang thay vì đi thang máy, hoặc đi bộ quanh khu trọ khoảng 30 phút mỗi ngày là đã có hiệu quả rồi”, bác sĩ Tân nói.
Bác sĩ Tân cũng lưu ý thêm rằng vận động đều đặn mỗi ngày sẽ giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn, cải thiện giấc ngủ và cảm giác tỉnh táo vào buổi sáng. “Nhiều bạn ăn uống lành rồi nhưng không vận động nên vẫn mệt mỏi, khó tiêu. Mình phải vận động thì cơ thể mới hỗ trợ chuyển hóa được”, vị bác sĩ này chia sẻ.