
Nhà tù Anh thời gian gần đây liên tục phải đối diện với tình trạng quá tải – Ảnh: ALARMY
Đây là một phần trong loạt biện pháp cải cách nhằm giảm nguy cơ tái phạm và giải quyết tình trạng quá tải nghiêm trọng của hệ thống nhà tù Anh, Đài CNN đưa tin ngày 23-5.
Giảm đáng kể tỉ lệ tái phạm
Tuyên bố này được Bộ trưởng Tư pháp Anh Shabana Mahmood đưa ra trước Quốc hội hôm 22-5. Theo bà Mahmood, chính phủ đang cân nhắc việc bắt buộc áp dụng biện pháp này, thay vì chỉ giới hạn ở phạm vi tự nguyện như trước đây.
“Điều quan trọng là biện pháp này phải được triển khai cùng với các can thiệp tâm lý, nhằm giải quyết những nguyên nhân sâu xa của hành vi phạm tội như nhu cầu kiểm soát và thể hiện quyền lực”, bà Mahmood nhấn mạnh.
Tuy báo cáo cho thấy thiến hóa học không phù hợp với tất cả các trường hợp – đặc biệt là những kẻ phạm tội vì động cơ quyền lực thay vì ham muốn tình dục, nhưng nghiên cứu cho thấy biện pháp này có thể giúp giảm tới 60% tỉ lệ tái phạm.
Phương pháp này từng được áp dụng ở Đức và Đan Mạch trên cơ sở tự nguyện, và bắt buộc tại Ba Lan trong một số trường hợp.
Khuyến nghị này nằm trong một báo cáo đánh giá toàn diện do cựu bộ trưởng tư pháp David Gauke dẫn dắt. Bên cạnh việc tìm giải pháp giảm tái phạm, ông Gauke còn đề xuất cải cách toàn diện hệ thống nhà tù vốn đang vận hành gần như hết công suất.

Cựu Bộ trưởng Tư pháp Anh David Gauke – Ảnh: REUTERS
Cải tổ toàn diện hệ thống tư pháp
Một trong những việc đầu tiên mà bà Mahmood đã thực hiện khi Đảng Lao động trở lại cầm quyền vào tháng 7 năm ngoái, sau 14 năm, là phê duyệt chương trình phóng thích tù nhân sớm để giảm tải nhà tù.
“Nếu nhà tù sụp đổ, các phiên tòa sẽ bị hoãn, cảnh sát phải dừng việc bắt giữ, tội phạm không bị trừng trị và hỗn loạn sẽ lên ngôi. Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ sụp đổ luật pháp và trật tự trong nước”, bà cảnh báo.
Ngoài ra, báo cáo cũng đề xuất một loạt cải cách đáng chú ý khác như: cho phép thẩm phán linh hoạt hơn trong việc đưa ra hình phạt thay thế; loại bỏ các bản án tù dưới 12 tháng (trừ trường hợp đặc biệt như bạo hành gia đình); trục xuất ngay lập tức những người nước ngoài bị kết án dưới 3 năm; tăng đầu tư cho ngành quản chế để hỗ trợ tái hòa nhập và mở rộng giám sát bằng vòng điện tử trong cộng đồng.
Bà Mahmood cam kết Chính phủ Anh sẽ chi 930 triệu USD mỗi năm cho hệ thống quản chế nhằm phục vụ cho công tác giúp tù nhân tái hòa nhập.
Tuy nhiên, phe đối lập từ Đảng Bảo thủ đã tỏ ra lo ngại. Phát ngôn viên tư pháp Robert Jenrick cho rằng việc loại bỏ án tù ngắn chẳng khác nào “hợp pháp hóa” những tội như trộm cắp hay hành hung, và chỉ trích thiết bị giám sát như “chuông báo cháy dùng để dập lửa trại” – ám chỉ tính hiệu quả thấp trong việc ngăn tái phạm.
Đáp lại, bà Mahmood khẳng định chính phủ đang triển khai kế hoạch mở rộng hệ thống nhà tù lớn nhất kể từ thế kỷ 19, nhằm giải quyết tận gốc những hệ lụy tồn đọng lâu năm trong hệ thống tư pháp Anh.
Theo số liệu mới nhất, số lượng tù nhân ở Anh và Xứ Wales đã tăng gấp đôi trong ba thập kỷ qua, đạt gần 90.000 người – bất chấp tỉ lệ tội phạm đang có xu hướng giảm.
Một phần nguyên nhân là do các án tù ở Anh đang ngày càng dài hơn nhằm thể hiện lập trường cứng rắn với tội phạm của chính phủ.