Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, đạt cấp 10 khi vào Biển Đông

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, đạt cấp 10 khi vào Biển Đông

bởi

trong

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 19 giờ ngày 17.7, áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,5 độ vĩ bắc; 126,2 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông Philippines. Áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50 – 61 km/giờ), giật cấp 9; di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ 15 – 20 km/giờ.

Áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão, đạt cấp 10 khi vào Biển Đông

Bản đồ dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới

ẢNH: NCHMF

Trong 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây bắc, mỗi giờ đi được 15 – 20 km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Đến 19 giờ ngày 18.7, bão ở vị trí 18,0 độ vĩ bắc; 122,6 độ kinh đông; trên vùng biển phía đông đảo Luzon (Philippines). Bão mạnh cấp 8 – 9, giật cấp 11.

Trong những giờ tiếp theo, bão tiếp tục mạnh lên, vượt qua đảo Luzon và đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 năm 2025. Khoảng 19 giờ ngày 18.7, bão số 3 ở vị trí 19,5 độ vĩ bắc; 118,2 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông. Bão mạnh cấp 10, giật cấp 12.

Từ 48 – 72 giờ tiếp theo, bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và còn có khả năng mạnh thêm.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía đông khu vực bắc Biển Đông từ chiều 18.7 có gió mạnh lên cấp 6 – 7, giật cấp 9; sóng biển cao 2,5 – 3,5 m, biển động mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của giông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.

Miền Bắc mưa lớn 5 ngày, áp thấp nhiệt đới đang hướng vào Biển Đông

Để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lớn có thể xảy ra trong những ngày tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị các địa phương, bộ, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến áp thấp nhiệt đới; quản lý chặt chẽ hoạt động của các phương tiện ra khơi; kịp thời thông báo đến các chủ tàu, thuyền trưởng nắm rõ vị trí, hướng di chuyển và diễn biến áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh, không di chuyển vào vùng nguy hiểm.

Cạnh đó, rà soát, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho hệ thống cầu cảng, khu vực du lịch, nuôi trồng và khai thác thủy sản trên biển, cửa sông và ven bờ.

Chủ động phương án bảo đảm an toàn cho nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, hệ thống điện và viễn thông; bảo vệ sản xuất nông nghiệp; phòng, chống ngập úng tại khu đô thị và khu công nghiệp.

Khẩn trương sửa chữa, khắc phục các sự cố đê điều xảy ra thời gian qua; kiểm tra toàn bộ hệ thống đê điều, phương án hộ đê trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống…