Áp thuế nhập khẩu 50% có giúp sản xuất đồng quay trở lại Mỹ?

Áp thuế nhập khẩu 50% có giúp sản xuất đồng quay trở lại Mỹ?

bởi

trong

Mục tiêu đưa sản xuất đồng – chất quan trọng trong sản xuất chất bán dẫn, máy bay – quay lại Mỹ bằng thuế quan 50% cần mất hàng thập kỷ, trong khi giá kim loại này đã lập tức leo thang, theo chuyên gia.

Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu 50% với đồng, từ 1/8. Động thái này được Tổng thống Donald Trump đưa ra sau khi nhận được báo cáo đánh giá an ninh quốc gia toàn diện. Báo cáo ông đề cập chính là cuộc điều tra thương mại theo Điều khoản 232 với đồng nhập khẩu được Tổng thống ra lệnh vào cuối tháng 2. Khi ấy, ông Trump tuyên bố: “Đã đến lúc đồng phải trở về nước”.

Việc áp thuế nhập khẩu đồng là nỗ lực của ông Trump nhằm thúc đẩy sản xuất kim loại này trong nước và giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài. Với mức thuế 50%, chính quyền hy vọng sẽ khuyến khích đầu tư vào các dự án khai khoáng mới và hỗ trợ ngành công nghiệp đồng trong nước.

Ông Trump nhấn mạnh vai trò quan trọng của kim loại này trong sản xuất chất bán dẫn, máy bay, pin xe điện và thiết bị quân sự, đồng thời đổ lỗi cho các chính quyền tiền nhiệm đã khiến ngành công nghiệp đồng Mỹ suy yếu.

“Mỹ sẽ một lần nữa xây dựng ngành công nghiệp đồng thống trị thế giới”, ông viết.

Trước đó, trong cuộc họp nội các hôm 8/7, ông Trump nêu kế hoạch đánh thuế đồng nhập khẩu, với mục tiêu đưa sản xuất kim loại này hồi hương. Quan điểm được Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick xác nhận lại cùng ngày, trên chương trình “Power Lunch” của CNBC. Ông cho biết cuộc điều tra đồng nhập khẩu đã hoàn tất. “Mục tiêu là đưa sản xuất đồng quay trở lại Mỹ”, ông nói.





Áp thuế nhập khẩu 50% có giúp sản xuất đồng quay trở lại Mỹ?

Các tấm đồng tại mỏ Antofagasta, miền bắc Chile, Ảnh: Reuters

Dù Nhà Trắng kỳ vọng mức thuế 50% sẽ chấn hưng ngành sản xuất đồng của Mỹ nhưng các chuyên gia chỉ ra thách thức. Theo đó, nước này sản xuất khoảng 5% sản lượng đồng toàn cầu. Trữ lượng của nước này cũng chiếm khoảng 5% thế giới, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS).

Đáng chú ý, sản lượng đồng của nền kinh tế lớn nhất thế giới có xu hướng đi xuống, giảm khoảng 20% thập kỷ qua. Riêng năm ngoái, sản lượng này thu hẹp 3%, sau khi giảm 11% vào năm 2023. Thực tế, chỉ có hai nhà máy luyện đồng nguyên sinh đang hoạt động thường xuyên tại Mỹ là Miami ở Arizona, thuộc Freeport-McMoran và Kennecott ở Utah, thuộc Rio Tinto. Để tăng sản lượng, nước này cần thêm công suất mới.

Tuy nhiên, Ngân hàng ING (Hà Lan) chỉ ra đây là quá trình mất đến vài thập niên. Chuyên gia chiến lược hàng hóa ING Ewa Manthey cho biết từ giai đoạn phát hiện đến bắt đầu khai thác một mỏ đồng mới mất 16-18 năm. “Tại Mỹ, quá trình này có thể còn dài hơn, trung bình gần 29 năm do các yêu cầu rất khắt khe, riêng khâu cấp phép mất khoảng 7-10 năm”, bà nhận định.

Năm ngoái, Mỹ nhập 850.000 tấn đồng (không gồm phế liệu), đáp ứng 50% tổng nhu cầu nội địa. Chile là nhà cung cấp lớn nhất, chiếm 40% sản lượng, tiếp đến là Canada và Mexico. Theo ING, ít nhất trong ngắn hạn, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ gặp thách thức trong việc tìm nguồn cung thay thế. “Dòng nhập khẩu kim loại này dự kiến vẫn tiếp tục”, bà Ewa Manthey dự báo.

Trong lúc tăng công suất đồng nội địa là vấn đề dài hạn, giá của kim loại này lập tức leo thang tại Mỹ. Hôm 8/7, sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế 50%, giá đồng tương lai trên sàn giao dịch hàng hóa Comex đã có ngày tăng kỷ lục lịch sử, lên đến 17%.

Theo Reuters, quyết định áp thuế đồng của Tổng thống Trump khiến thị trường bất ngờ vì diễn ra sớm và cao hơn dự kiến của ngành. Do đó, nhiều doanh nghiệp Mỹ lập tức đẩy mạnh nhập khẩu nguyên liệu này từ Chile và các nhà cung cấp lớn khác, nhằm tranh thủ trước thời điểm thuế có hiệu lực.

Giá đồng tại Mỹ đã tăng hơn 40% kể từ đầu năm, nhờ lực mua đón đầu trước thời điểm áp thuế. Nỗi lo về thuế khiến nhiều nhà giao dịch dịch chuyển đồng từ các kho trên toàn cầu của Sở Giao dịch Kim loại London (LME) sang Mỹ để tận dụng chênh lệch giá. Lượng đồng lưu trữ trong các kho của sàn Comex đã tăng gấp đôi trong quý II, lên mức cao nhất kể từ năm 2018 và vượt tổng lượng dự trữ của LME và Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải (SHFE).

ING dự báo mức thuế 50% có thể dẫn tới suy giảm nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ, khi giá đồng trong nước leo thang. “Điều này làm gia tăng áp lực lạm phát, khiến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng vọt, trong khi không có đủ nguồn cung thay thế từ nội địa”, báo cáo của nhà băng Hà Lan nhận định.

Đồng quan điểm, Carsten Menke, trưởng nhóm nghiên cứu tại tập đoàn ngân hàng Julius Baer (Thụy Sĩ) cho rằng mức thuế mới đánh vào kim loại sẽ gây ra lạm phát tại Mỹ và tác động giảm phát ra quốc tế.

Tác động giảm phát do giá đồng thế giới có thể giảm những tháng tới, đặc biệt trên sàn London (LME). Nguyên nhân do dòng đồng “đổ” về Mỹ dự kiến chững lại khi thuế có hiệu lực vào 1/8, buộc giới kinh doanh sử dụng lượng tích trữ. “Điều này có thể khiến nguồn cung bên ngoài Mỹ trở nên dồi dào hơn, gây áp lực giảm giá trên sàn LME”, ING dự báo.

Nhà phân tích tại công ty môi giới Jefferies Christopher LaFemina đánh giá Mỹ hiện không có đủ năng lực khai thác, luyện kim hay tinh luyện để tự cung tự cấp về đồng. “Do đó, thuế nhập khẩu nhiều khả năng sẽ dẫn đến tình trạng chênh lệch giá lớn và kéo dài giữa Mỹ và các khu vực khác” ông nói.

Phiên An (theo Reuters, ING, The Guardian)