
‘Bố mẹ nuôi dạy như nhau nên trách nhiệm báo hiếu phải chia đều, không liên quan thừa kế nhiều hay ít’, tôi tuyên bố trong cuộc họp gia đình.
“Từ lâu, tôi đã lường trước được việc cha mẹ có thể nuôi nhiều con, nhưng nhiều con chưa chắc nuôi được cha mẹ. Như nhà tôi cũng vậy, vì là con trai cả, nên bao năm qua, chuyện lớn, nhỏ gì trong nhà tôi cũng phải gánh vác hết. Đến khi cha mẹ không thể làm việc được nữa, không có thu nhập, tôi cũng phải tự đứng ra lo liệu, chỉ vì thu nhập của tôi cao nhất nhà. Vấn đề ở chỗ, chị và em trai của tôi không bao giờ chủ động đóng góp bất cứ thứ gì, kể cả việc phụng dưỡng cha mẹ.
Thế nên, vừa rồi, tôi phải họp tất cả lại để thống nhất rõ ràng với các chị em của mình rằng: ‘Bố mẹ nuôi nấng tất cả con cái đều như nhau cả, đứa nào sinh ra cũng được nuôi dưỡng, học hành, dựng vợ, gả chồng, không ai hơn ai thứ gì cả. Vậy nên, trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ cũng là của chung, chứ không của riêng đứa con nào. Ai cũng phải có phần đóng góp khi bố mẹ không làm ra thu nhập nữa’.
Tôi là con trai cả nên sau này sẽ chịu trách nhiệm thờ cúng, cũng như lo cho bố mẹ, nên tiền chi cho bố mẹ hàng tháng, tôi sẽ chịu một nửa. Còn lại, hai chị em của tôi phải lo. Có thể con trai đóng góp nhiều hơn con gái một chút. Còn tiền lo cho bố mẹ khi ốm đau, bệnh tật, viện phí… phải chia đều cho cả ba chị em. Vậy là rõ ràng, tất cả ba chị em tôi đều phải có trách nhiệm với cha mẹ, chứ không phải tôi là con cả nên phải một mình chịu hết.
>>
Tôi khuyên các bạn cũng nên làm như vậy. Mọi thứ chi phí lo cho cha mẹ lúc về già đều phải bổ đầu chung hết. Đó là trách nhiệm báo hiếu của mỗi người con. Còn tài sản của cha mẹ chia thế nào, có đều hay đứa nhiều, đứa ít là quyền của họ, không liên quan gì đến chuyện báo hiếu”.
Đó là quan điểm của độc giả xung quanh câu chuyện con cái phân chia trách nhiệm báo hiếu với cha mẹ. Trên thực tế, có không ít gia đình rơi vào cảnh con cái đùn đẩy trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già. Thậm chí, có nhiều trường hợp, anh em trong nhà mâu thuẫn, xích mích, thậm chí ẩu đả vì chuyện phân chia ai nuôi cha mẹ? Có người chọn đưa cha mẹ già vào viện dưỡng lão, hay đòi hỏi phải được chia phần nhiều thừa kế mới chịu bao nuôi đấng sinh thành.
Gợi ý giải pháp tránh xung đột trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ già, bạn đọc chia sẻ câu chuyện của bản thân: “Tôi cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Biết anh em mình như vậy, cha mẹ như vậy, nên tôi chẳng bao giờ bỏ tiền túi chi ra đồng nào khi cha mẹ còn của. Thay vào đó, tôi cứ lấy tiền, tài sản của cha mẹ để chi phí mọi thứ liên quan đến sinh hoạt, sức khỏe tuổi già của cả hai.
Tôi bán dần toàn bộ tài sản của bố mẹ lúc để giải quyết những lúc ngặt nghèo nhất. Nhờ vậy mà tôi rảnh tay gây dựng sự nghiệp cho riêng mình. Đến khi bố mẹ không còn tài sản gì nữa, ốm bệnh nằm một chỗ, tôi mới nuôi dưỡng bằng tiền của mình (có bao nhiêu nuôi bấy nhiêu, theo ý mình).
Cũng nhờ làm vậy mà anh em tôi đỡ hẳn mâu thuẫn. Chẳng ai gây chuyện, tranh giành của nả gì nữa, chẳng ai nói ra nói vào, đùn đẩy trách nhiêm nuôi dưỡng cha mẹ già thế này thế nọ, chẳng có ai đòi cúng giỗ thế này thế kia… Thế nên, tôi cho rằng, để bớt tranh chấp, cứ dùng chính tiền bạc, tài sản của cha mẹ để lo cho tuổi già, không phải để đứa con nào phải gánh rồi sau này lại quay ra tranh giành thừa kế”.
Khoản 2 Điều 70 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định con cái phải “Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình”. Đồng thời, Khoản 2 Điều 71 cũng quy định “con có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ”.
Pháp luật cũng quy định, người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cha, mẹ sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng – 10.000.000 đồng. Người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
- Chuyện 4 chị em tôi khi mẹ cho anh hai thừa kế hết tài sản
- Tôi con thứ nên chỉ được chia thừa kế 6 m đất
- Đòi hỏi công bằng của đứa con không được chia thừa kế
- Hai em trai phản đối tôi chia đều 12.000 m2 đất thừa kế
- 8 người em về quê đòi anh cả chia đều mảnh đất thừa kế 80 tỷ
- Quyền lực của những cha mẹ chia thừa kế ‘bất công’