Ba cách tiền bạc có thể hủy hoại cuộc sống

Ba cách tiền bạc có thể hủy hoại cuộc sống

bởi

trong
Ba cách tiền bạc có thể hủy hoại cuộc sống

Các chuyên gia tài chính cho rằng tiền bạc dù cải thiện cuộc sống vẫn có thể khiến con người đánh mất bản thân, xa cách người thân và suy giảm đời sống tinh thần.

Câu nói “Tiền không mua được hạnh phúc” dần lỗi thời khi nhiều nghiên cứu chỉ ra điều ngược lại.

Nghiên cứu của Đại học Princeton (Mỹ) thực hiện cho thấy mức thu nhập 75.000 USD mỗi năm giúp tăng mức độ hài lòng với cuộc sống hàng ngày. Một nghiên cứu khác năm 2021 của Matthew Killingsworth, Đại học Pennsylvania (Mỹ) cho thấy hạnh phúc tiếp tục tăng khi thu nhập vượt xa ngưỡng này.

Dù vậy, tiền bạc cũng có thể gây xáo trộn tâm lý và tổn thương các mối quan hệ. Rachel Cruze, chuyên gia tài chính ở nền tảng Ramsey Solutions, chỉ ra ba cách tiền bạc có thể hủy hoại cuộc sống và cách lấy lại cân bằng sau khủng hoảng.

Đánh mất chính mình

Thành công thường được đồng nhất với giàu có. Nhiều người không cảm thấy thành công nếu chưa sở hữu hoặc đang xây dựng tài sản lớn. Tiền bạc, dù có hay không, ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận bản thân và danh tính. Khi liên kết giá trị tài sản với giá trị bản thân, điều này có thể trở thành vấn đề nguy hại.

Rachel Cruze cho rằng khó khăn là tách bạch hai điều đó và tự hỏi “Tôi là ai nếu không có tài sản, không có thành công, không có tiền bạc?” hoặc nếu bạn cảm thấy mình vô giá trị khi không tạo ra giá trị liên tục thì đó là dấu hiệu báo động.

“Kiếm tiền chỉ là một phần của con người, cũng như khả năng tiết kiệm, đầu tư và hỗ trợ gia đình, nhưng không phải tất cả”, bà nói.

Để tránh pha trộn độc hại giữa giá trị tài sản và giá trị bản thân, Cruze khuyên nên xem tiền như công cụ trung lập, không phản ánh con người. Bạn có thể rèn luyện sự hài lòng bằng cách hàng ngày ghi lại những điều mình biết ơn. Đồng thời, hãy xây dựng giá trị bản thân dựa trên những điều bền vững, không bị ảnh hưởng khi mất tiền bạc.

Phá hỏng mối quan hệ

Tiền bạc thường là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn, nhưng ít ai nhận ra nó còn gây tổn hại cho nhiều mối quan hệ khác. Theo khảo sát PayPal Money Habits Study, 25% người Mỹ từng mất bạn vì mâu thuẫn tài chính, chủ yếu do các khoản vay không được trả hoặc bất đồng về cách chia sẻ hóa đơn khi đi ăn chung.

Báo cáo của nền tảng LendingTree cũng cho thấy 30% người đã cho bạn bè vay tiền, nhưng 10% trong số đó thừa nhận mối quan hệ xấu đi hoặc kết thúc do không được hoàn trả.

Khi giàu có, bạn dễ tách mình khỏi thực tế và sống trong “bong bóng” thượng lưu, dẫn đến thiếu đồng cảm và lòng trắc ẩn với người khác.

Việc giàu nhanh có thể làm bạn xa cách bạn bè, thậm chí người thân, lộ rõ những mặt tiêu cực và mất kết nối với những điều quan trọng. Để tránh điều này, Cruze khuyên nên tận dụng tiền bạc để giúp người khác, xây dựng cuộc sống tập trung vào những người yêu thương, đồng thời dạy con cái trách nhiệm qua công việc và việc nhà, tránh nuôi dưỡng sự ỷ lại.

Ảnh hưởng đạo đức

Sự giàu có ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức và khả năng công bằng của mỗi người.

Trung tâm Nghiên cứu Hạnh phúc của Đại học California (Mỹ) cho thấy người giàu thường thiếu đồng cảm và cư xử kém tử tế hơn người thu nhập thấp. Báo cáo trên tạp chí Psychological Science cũng chỉ ra người thu nhập thấp giỏi đọc biểu cảm khuôn mặt hơn, thể hiện sự đồng cảm cao hơn.

Để tránh hành vi thiếu đạo đức do tiền bạc, cần thực hành lòng biết ơn để giữ khiêm tốn và gắn kết xã hội, đồng thời tham gia hoạt động từ thiện nhằm nuôi dưỡng sự đồng cảm và ý thức cộng đồng.

Giáo sư tâm lý xã hội Adam Grant, thuộc Trường Kinh doanh Wharton, Đại học Pennsylvania (Mỹ), nhấn mạnh vai trò của các hoạt động này trong việc phát triển trách nhiệm xã hội.

Việc thường xuyên tự phản ánh giúp mỗi người đánh giá lại giá trị và hành động của mình, nhận ra khi nào tiền bạc ảnh hưởng tiêu cực đến quan điểm về đúng sai.

Qua đó, họ điều chỉnh hành vi, giữ vững chuẩn mực đạo đức, cân bằng mục tiêu tài chính và phẩm giá, tránh lối sống ích kỷ, mất nhân tính. Những hành động này góp phần duy trì sự đồng cảm, trách nhiệm xã hội và xây dựng cộng đồng bền vững, văn minh.

Ngọc Ngân (Theo Yahoo Life)