Ngày 16/6, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và Ninh Thuận tổ chức hội nghị lấy ý kiến cán bộ nguyên lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, góp ý vào Văn kiện Đại hội XIV của Đảng và Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2025-2030.
Tại hội nghị, các đại biểu đã có ý kiến góp ý tập trung vào nhiều nội dung quan trọng như đầu tư hạ tầng giao thông và hồ chứa nước phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; có cơ chế riêng cho phát triển kinh tế tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa…

Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa (Ảnh: Trung Thi).
Phát biểu kết luận hội nghị, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa và Ninh Thuận, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, tiếp thu và cảm ơn những ý kiến của các nguyên cán bộ, lãnh đạo tỉnh.
Chia sẻ thêm tại hội nghị, ông Thành cho biết sắp tới tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận sẽ sáp nhập thành một. Tỉnh mới lấy tên là Khánh Hòa, trung tâm chính trị – xã hội đặt tại Khánh Hòa hiện nay.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, sau sáp nhập, tỉnh Khánh Hòa mới sẽ mở ra không gian phát triển rộng lớn mà ít có tỉnh nào có được, hội đủ 3 yếu tố thiên thời, địa lợi và nhân hòa.
Về thiên thời, tỉnh Khánh Hòa có khí hậu, vùng biển đứng đầu cả nước và cũng là địa phương được đầu tư hạ tầng đồng bộ, từ cao tốc Bắc – Nam, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và sắp tới là cao tốc Nha Trang – Liên Khương.
Bên cạnh đó, Trung ương cũng đang xúc tiến để triển khai xây dựng sân bay Vân Phong và tuyến đường sắt tốc độ cao, trong đó ưu tiên thực hiện trước tuyến Hà Nội – Vinh và TPHCM – Nha Trang.

Cao tốc Bắc – Nam đi qua địa phận 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận đã xây dựng cơ bản hoàn thành (Ảnh: Trung Thi).
“Khánh Hòa sẽ có hạ tầng giao thông phát triển rất tốt với mạng lưới trên không, đường bộ, đường sắt, dưới biển. Đây là điều kiện thiên thời để Khánh Hòa phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa chia sẻ.
Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, chỉ trong 5-10 năm nữa, địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện nay sẽ phát triển mạnh mẽ.
“Hết thời gian ưu đãi, riêng 2 nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận với mức sản xuất 10.000MW/năm sẽ tạo nguồn thu ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng/năm”, ông Nghiêm Xuân Thành thông tin.
Về địa lợi, sau sáp nhập Khánh Hòa sẽ có gần 500km bờ biển cùng các vịnh Nha Trang, Cam Ranh, Vĩnh Hy và 3 cảng biển lớn là Nha Trang, Cam Ranh và Cà Ná. Cùng với đó là quỹ đất để phát triển công nghiệp rất lớn.

Sau sáp nhập, Khánh Hòa là tỉnh có bờ biển dài nhất cả nước với gần 500km (Ảnh: Trung Thi).
Về nhân hòa, người dân 2 tỉnh rất hiền hòa, thân thiện và đều có khát vọng phát triển.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, từ năm 2026 chắc chắn Khánh Hòa sẽ là một cực tăng trưởng của cả nước.
Ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh, tỉnh Khánh Hòa đang đứng trước thời cơ, vận hội lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, để có kết quả này là cả một quá trình, trải qua nhiều giai đoạn, nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức qua nhiều thời kỳ.