Bác sĩ chuyên khoa 1 Phạm Cao Tháp (Khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM), trả lời: Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh thường gặp ở nam giới lớn tuổi. Tuy nhiên trong 30 năm qua, bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Bệnh thường diễn tiến âm thầm, dễ nhầm lẫn với các triệu chứng rối loạn tiểu thông thường. Do đó, nhiều trường hợp chỉ phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, khối u đã xâm lấn và đã di căn xa. Trong đó, di căn xương thường là nơi khối u xâm lấn nhiều nhất, gồm xương cột sống, xương chậu, xương sườn, xương đùi.
Tại Mỹ, ước tính có gần 300.000 ca ung thư tuyến tiền liệt mới và hơn 35.000 ca tử vong trong năm 2024. Tần suất ca mắc mới gia tăng với mỗi thập niên, với tỷ lệ mắc tăng theo tuổi, các yếu tố nguy cơ di truyền và tiền sử gia đình mắc bệnh. Trong khi đó, tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt cũng là một trong những ung thư phổ biến nhất ở nam giới.

Ung thư tuyến tiền liệt cũng là một trong những ung thư phổ biến nhất ở nam giới
ẢNH: T.A
Dựa trên dữ liệu từ năm 2014 đến năm 2020, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm đối với bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt là 97,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong cao hơn ở những người lớn tuổi và những người có di căn xa. Đối với nam giới được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tiền liệt khu trú hoặc khu vực, tỷ lệ sống sót tương đối sau 5 năm là khoảng 100%, nhưng tỷ lệ này giảm xuống còn 36,6% đối với những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh đã di căn xa.
Hiện nay, nhờ phát hiện sớm thông qua xét nghiệm PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt) và cải thiện phương pháp điều trị, tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tiền liệt đã giảm.
Ung thư tuyến tiền liệt khó nhận biết sớm qua triệu chứng
Ung thư tuyến tiền liệt thường tiến triển chậm và hiếm khi gây ra triệu chứng cho đến khi tiến triển. Trong trường hợp bệnh tiến triển, có thể có đi tiểu ra máu và các triệu chứng tắc nghẽn đường tiểu (tiểu ngắt quãng, tiểu khó, tiểu nhiều lần…) hoặc gây ra các cơn đau quặn thận, đau hạ sườn, rối loạn chức năng thận, người mệt mỏi, sụt cân, suy kiệt. Các cơn đau xương, gãy xương bệnh lý hoặc chèn ép tủy có thể là kết quả của di căn tế bào tạo xương đến xương (thông thường là xương chậu, xương sườn, xương sống).
Trường hợp của bạn, trong gia đình đã có người mắc ung thư tuyến tiền liệt, đã di căn đến xương. Như vậy bạn và nam giới trong gia đình cần phải đến chuyên khoa Tiết niệu tại các bệnh viện để được thăm khám, tầm soát sớm ung thư tuyến tiền liệt. Thông thường khi khám tầm soát, bác sĩ sẽ khai thác tiền sử của người bệnh và gia đình, khám tuyến tiền liệt qua trực tràng, siêu âm tuyến tiền liệt và chỉ số PSA (kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt). Nếu nghi ngờ mắc bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp chẩn đoán chuyên sâu như chụp cộng hưởng từ (CT) hoặc cắt lớp vi tính (MRI) để xác định vị trí và tình trạng di căn chính xác của ung thư trong cơ thể.
Việc tầm soát sớm ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới là rất cần thiết, giúp phát hiện và điều trị bệnh kịp thời cho người bệnh. Theo Viện Ung thư Quốc gia Mỹ (NCI), tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh ung thư tuyến liệt giai đoạn sớm gần như 100%. Tỷ lệ sống sau 5 năm được xem như người bệnh đã điều trị thành công. Trên thực tế, người bệnh có thể sống lâu hơn rất nhiều, thậm chí không hề tái phát ung thư trong suốt quãng đời còn lại.
Vì vậy, nam giới từ 50 tuổi trở lên và sau 45 tuổi với trường hợp gia đình có tiền sử người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt như gia đình của bạn cần tầm soát tuyến ung thư tuyến tiền liệt định kỳ mỗi 12 tháng để kịp thời phát hiện những bất thường của tuyến tiền liệt, nhờ đó có thể can thiệp điều trị sớm nếu phát hiện bệnh.