Nhà nghiên cứu về giấc ngủ, tiến sĩ – bác sĩ Talar Moukhtarian, Phó giáo sư tâm lý học tại Trường Y Đại học Warwick (Anh), sẽ giải thích rõ nên ngủ trưa thế nào để tốt cho sức khỏe.
Bác sĩ Talar Moukhtarian nói: Ngủ trưa là con dao 2 lưỡi. Nếu thực hiện đúng, sẽ là cách hiệu quả để hỗ trợ sức khỏe tinh thần và thể chất. Nếu thực hiện sai, có thể gây tác hại, thậm chí khiến khó ngủ ngon vào ban đêm.

Ngủ trưa là con dao 2 lưỡi. Nếu thực hiện sai, có thể khiến bạn uể oải và khó ngủ ngon vào ban đêm
Ngủ trưa bao lâu là “quá liều”?
Bác sĩ Talar lưu ý ngủ trưa quá 30 phút có thể khiến cảm giác khi thức dậy còn tệ hơn trước. Nguyên nhân là do “quán tính giấc ngủ” – tình trạng uể oải và mất phương hướng, xuất phát từ việc thức dậy trong giai đoạn ngủ sâu, theo tạp chí nghiên cứu The Conversation.
Khi giấc ngủ trưa kéo dài hơn 30 phút, não sẽ chuyển sang giấc ngủ sóng chậm, khiến việc thức dậy trở nên khó khăn hơn nhiều. Các nghiên cứu cho thấy thức dậy sau giấc ngủ sâu có thể khiến mọi người cảm thấy uể oải kéo dài đến 1 tiếng.
Khoa học nói gì?
Một số nghiên cứu cho thấy ngủ trưa quá mức thậm chí có thể gây hại cho tim và sinh bệnh.
Một phân tích của Đại học Tokyo (Nhật Bản) bao gồm 21 nghiên cứu với 307.237 người tham gia, đã phát hiện ngủ trưa hơn 40 phút có liên quan đến hội chứng chuyển hóa, bao gồm tăng huyết áp, cholesterol và đường huyết, cũng như mỡ thừa quanh eo, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Những người bị mất ngủ mạn tính thường được khuyên nên tránh ngủ trưa hoàn toàn, vì giấc ngủ ban ngày có thể làm giảm động lực ngủ vào ban đêm của họ
Ảnh minh họa: AI
Và nghiên cứu mới đây của Đại học Ningbo (Trung Quốc) cũng cho thấy ngủ trưa hơn 30 phút làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường 8-21%. Đối với bệnh nhân không bị tiểu đường, ngủ trưa hơn 30 phút có thể làm tăng nguy cơ có chỉ số đường huyết trung bình HbA1c cao và rối loạn đường huyết lúc đói, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường sau này. Đối với bệnh nhân tiểu đường, ngủ trưa kéo dài có thể làm giảm khả năng kiểm soát đường huyết và tăng nguy cơ biến chứng.
Ngoài ra, bác sĩ Talar khuyên không nên ngủ trưa quá muộn vì có thể làm giảm cảm giác thèm ngủ – nhu cầu ngủ tự nhiên của cơ thể – khiến việc ngủ vào ban đêm trở nên khó khăn hơn.
Người thường xuyên mất ngủ cũng nên cân nhắc việc ngủ trưa. Đối với một số người, ngủ trưa là điều cần thiết. Tuy nhiên, người bị mất ngủ mạn tính thường được khuyên nên tránh ngủ trưa hoàn toàn, vì giấc ngủ ban ngày có thể làm giảm động lực ngủ vào ban đêm của họ.
Cách ngủ trưa hiệu quả
Để ngủ trưa hiệu quả, thời gian và môi trường rất quan trọng. Giữ giấc ngủ trưa từ 10-20 phút giúp ngăn ngừa tình trạng uể oải.
Thời điểm lý tưởng là trước 14 giờ – ngủ trưa quá muộn có thể làm đảo lộn lịch trình ngủ tự nhiên của cơ thể, bác sĩ Talar khuyên, theo The Conversation.